Thứ 7, 16/11/2024, 13:59[GMT+7]

Hưng Hà Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống, yếu tố để giành thắng lợi

Thứ 6, 22/06/2012 | 15:45:43
1,324 lượt xem
Để tiếp tục giành thắng lợi ở vụ mùa năm 2012, Hưng Hà đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai sâu rộng xuống từng thôn làng, hộ dân về sự cần thiết chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa; các giống ngắn ngày có năng suất cao như TBR1, BC15 được bố trí gieo cấy từ 65 - 70% diện tích. Hiện nay, các HTXDVNN đã chuẩn bị đầy đủ lượng giống, đồng thời tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc...phấn đấu năng suất bình quân đạt trên 63 tạ/ha.

Ngày mùa trên đồng ruộng Hưng Hà. Ảnh: Thành Tâm

Tính đến ngày 19/6/2012, Hưng Hà đã thu hoạch được trên 50% diện tích lúa xuân, dự kiến năng suất bình quân đạt trên 72 tạ/ha; Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để có được năng suất trên, là nhờ việc chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa, bộ giống năng suất cao chiếm trên 60% diện tích, như BC15, TBR1...Để tiếp tục giành thắng lợi ở vụ mùa năm 2012, Hưng Hà đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai sâu rộng xuống từng thôn làng, hộ dân về sự cần thiết chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa; các giống ngắn ngày có năng suất cao như TBR1, BC15 được bố trí gieo cấy từ 65 - 70% diện tích. Hiện nay, các HTXDVNN đã chuẩn bị đầy đủ lượng giống, đồng thời tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc...phấn đấu năng suất bình quân đạt trên 63 tạ/ha.

Vụ mùa 2011, Hưng Hà đã gieo cấy được gần 54% diện tích bằng các giống BC15, TBR1 và đã thu được kết quả rất khả quan, như giống BC15 đạt 67,5 tạ/ ha; năng suất trung bình toàn huyện đạt 62,11 tạ/ha, cao hơn bình quân của tỉnh trên 2 tạ/ ha. Không chỉ ở vụ mùa này mà ở các vụ trước đó Hưng Hà đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống thông qua việc phối hợp với các đơn vị để xây dựng các mô hình khảo nghiệm giống mới nhằm chọn lọc ra những giống có triển vọng đưa ra sản xuất đại trà. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ nhận thức, tập quán canh tác…đến tiếp nhận các giống mới vào sản xuất không hề đơn giản, là cả một quá trình dài. Thông qua nhiều giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ, đến nay Hưng Hà có quyền tự hào về những việc mình đã làm được khi các giống mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ở các mùa vụ.

Ông Nguyễn Hữu Điển, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà cho biết: Mặc dù thế mạnh của Thị trấn là phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, công nghiệp, TTCN, nhưng sản xuất nông nghiệp rất được chú trọng; năm nào Thị trấn cũng phối hợp với các đơn vị kỹ thuật và công ty cung ứng giống lúa để xây dựng mô hình khảo nghiệm giống mới, vì vậy các giống ngắn ngày năng suất cao thường chiếm trên 60% diện tích. Ngay ở vụ xuân năm 2012, Thị trấn đã gieo cấy trên 55% diện tích bằng giống BC15, dự kiến năng suất đạt từ 75 - 76 tạ/ ha. Đặc biệt là mô hình khảo nghiệm giống ĐH18, với diện tích 1,5 ha; những hộ dân cấy giống này đều được hỗ trợ 100% về giống, tập huấn kỹ thuật và công gieo sạ.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu ruộng cấy khảo nghiệm giống ĐH18, ông Nguyễn Văn Hiên, Chủ nhiệm HTXDVNN Thị trấn Hưng Hà cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, giống ĐH18 có số hạt/ bông rất cao, trung bình từ 600 - 700 hạt/ bông, tỷ lệ lép rất thấp; dự kiến năng suất đạt trên 110 tạ/ ha; vụ mùa 2012 Thị trấn sẽ tiếp tục cấy giống này, cùng với các giống có năng suất cao, chất lượng sẽ chiếm trên 70% diện tích. Hộ gia đình anh Trương Văn Thái, thôn Thị Độc rất phấn khởi khi thu hoạch giống lúa ĐH18, với diện tích 1,1 sào cấy thử, bông nào cũng to, dài, hạt mẩy đều. Anh Thái cho hay, đây là vụ đầu tiên gia đình anh cấy giống này, thực tế cho thấy ĐH18 chịu được rét, sâu bệnh rất ít, nhất là không nhiễm đạo ôn, năng suất cao; vụ mùa này gia đình anh tiếp tục cấy giống ĐH18 và cấy giống BC15 khoảng 8 sào.

Không chỉ riêng gì ở Thị trấn mà tất cả các địa phương khác trong huyện cũng thường xuyên tiếp thu các giống mới đưa vào sản xuất, do đó năng suất lúa bình quân chung trong toàn huyện luôn tăng cao qua từng năm. Vụ mùa năm 2012, Hưng Hà đã xây dựng kế hoạch gieo cấy các giống ngắn ngày có năng suất cao chiếm từ 65 - 70% diện tích, gồm hai giống BC15 và TBR1; giống ngắn ngày có chất lượng gạo ngon làm hàng hóa từ 55-60% diện tích, như giống BC15, N87, N97, BT7…;đồng thời tiếp tục khảo nghiệm một số giống lúa mới để bổ sung vào cơ cấu cho những vụ sau, như QR2, TBR45, DT45, ĐH18, VS1…

Như nhiều người đã biết, giống BC15 hiện đang là một trong những giống đứng trong tốp đầu về năng suất và chất lượng, được công nhận giống quốc gia năm 2008; BC15 có 2 đặc tính ưu việt nhất trong tập đoàn giống lúa thuần Việt Nam, năng suất đạt từ 8 - 11 tấn/ha/vụ, gạo ngon, cơm dẻo đậm, được người tiêu dùng ưa chuộng; BC15 thích ứng rộng không chỉ ở trong tỉnh mà cả nước. Chính những ưu điểm vượt trội này mà nhiều xã đã đưa BC15 vào gieo cấy chiếm trên 70% diện tích cả ở hai vụ, như Điệp Nông, Hồng An…

Ông Đặng Ngọc Na, Chủ tịch UBND xã Tây Đô cho biết: Vụ xuân vừa qua bà con nông dân ở đây đã gieo cấy trên 45% diện tích bằng giống BC15, năng suất ước đạt trên 75 tạ/ ha; vụ mùa này xã đã bố trí 65 -70% diện tích gieo cấy bằng các giống ngắn ngày, năng suất cao như TBR1, BC15. Để chuyển biến mạnh về cơ cấu giống lúa từ dài ngày sang ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá như hiện nay, là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở Hưng Hà rất quyết liệt, chặt chẽ và linh hoạt từ huyện xuống các xã, thị trấn. Đồng thời kế hoạch sản xuất được triển khai sớm, giải pháp thực hiện rõ ràng, cụ thể, đồng bộ; các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, giải pháp canh tác được ứng dụng rộng rãi…

Việc chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa rất quan trọng để gắn kết mùa vụ, dần đưa vụ hè, vụ đông trở thành một trong những vụ sản xuất chính trong năm. Xác định được điều này, ngay từ khi lúa xuân còn trên đồng, Hưng Hà đã triển khai sản xuất vụ mùa tới các xã, thị trấn, đồng thời phân công cán bộ phụ trách cụm, xã xuống từng địa phương để duyệt kế hoạch sản xuất. Theo đó, các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền để các hộ nông dân chủ động gặt sớm một bộ phận diện tích lúa xuân để gieo mạ mùa trà sớm; các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên…cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu giống lúa, kỹ thuật canh tác, làm đất tới các hội viên thực hiện theo đúng kế hoạch của huyện đã đề ra.

                                                                            Nguyên Bình
 

 

  • Từ khóa