Thứ 6, 15/11/2024, 21:46[GMT+7]

Hái lộc đầu xuân

Thứ 6, 28/01/2011 | 10:10:38
4,566 lượt xem
Hái "lộc đầu xuân” là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, người dân ở khắp mọi nơi đều có tục lệ đi "hái lộc" đầu xuân, đến đình, chùa xin lộc, xin được ban ơn cầu phúc, cầu tài một năm gia đình khoẻ mạnh, làm ăn phát tài, phát lộc.

“Lộc” theo quan niệm của người xưa có 2 nghĩa: nghĩa thứ nhất là nhánh cây non, nghĩa thứ 2 là “bổng lộc”. Trong “ Hái lộc đầu xuân”, “Lộc” là một mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá.

Đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái một nhánh cây non đem về treo trước nhà hoặc để trên bàn thờ để hy vọng rước phước lộc về cho gia đình.

Đầu năm, nhân tiện xuất hành mọi nguời xin lộc Phật ở chùa, lộc Thánh ở đình còn hái thêm cả cành đa, cành đề, cành khế, cành táo chĩu chịt quả, nhánh hoa khô mộc, cành roi, nhánh tầm xuân... mang về nhà coi đây là lộc Phật, lộc Thánh, lộc Trời.

Các nam thanh nữ tú không còn coi đây là một tục lệ mang tính chất  “điềm báo” mà đua nhau, ai hái được cành to thì được bạn bè ca ngợi, vì thế mà nhiều cây non mới trồng ở cả chốn đình chùa linh thiêng đến nơi công cộng đều bị họ bẻ ngang gốc, có cây bị vặt trụi nõn cành, vác đi một vác, kéo lê mặt đất, họ không cho là sai mà vui, nên cứ cười nghiêng ngả, mặc kệ cho ai đứng nhìn mà đau xót cho cây, cho Xuân.

Trong sương đêm se lạnh, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, trong sự tĩnh tâm nhìn lại mình, sân chùa và vườn cây sẽ cho ta nguồn hy vọng bất tận về tương lai. Đó chính là “Lộc”.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày