Chủ nhật, 10/11/2024, 12:02[GMT+7]

Kỹ thuật quản lý, chăm sóc cá lồng bè

Thứ 5, 05/08/2021 | 08:55:11
2,115 lượt xem

Ảnh minh họa.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng đang phát triển khá mạnh với nhiều hình thức và đối tượng nuôi khác nhau như cá lăng, cá rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, trắm đen... Để quản lý, chăm sóc tốt đàn cá nuôi trong lồng bè cần thực hiện:

1. Về thức ăn và chế độ cho ăn

- Thức ăn: Tùy theo đối tượng  nuôi, mật độ nuôi mà chọn thức ăn phù hợp, tại Thái Bình các hộ nuôi cá lồng thường sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao.

- Chế độ cho cá ăn: khẩu phần ăn 2 - 8% trọng lượng cơ thể, cho cá ăn theo từng giai đoạn phát triển của cá, ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Cần thực hiện 4 định: vị trí, thời gian, số lượng, chất lượng thức ăn. Định kỳ bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để tăng sức đề kháng cho cá.

- Trong quá trình cho ăn, phải quan sát lượng thức ăn thừa thiếu mà điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho mỗi ngày. Nên giảm lượng thức ăn còn 50 - 80% lượng thức ăn hàng ngày khi thời tiết diễn biến bất thuận (nhiệt độ trên 350C và dưới 150C hay mưa lớn hoặc gió mùa). Cần đưa ra khỏi lồng cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá.

2. Về quản lý môi trường và sức khỏe đàn cá

- Định kỳ 2 lần/tuần vệ sinh cọ rửa các tạp chất bám ở trong lồng nuôi giúp thông thoáng lồng nuôi và tăng lưu tốc dòng chảy trong lồng. Hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường như pH, oxy, mực nước, màu nước và các hoạt động của cá để phát hiện dấu hiệu bất thường (môi trường hoặc bệnh cá) để có những biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp.

- Môi trường nuôi phải bảo đảm các yếu tố sau:  pH 6,0 - 8,0; oxy hòa tan trên 5mg/lít;  NH3 dưới 0,01mg/lít; độ trong 50 - 80cm.

- Thường xuyên theo dõi và kiểm tra lồng nuôi nếu bị hư hỏng lập tức sửa chữa hoặc thay mới. Treo túi vôi 5kg ở đầu dòng chảy, khi vôi tan hết tiếp tục thay túi vôi khác. Định kỳ 7 - 10 ngày hòa tan 2 - 3kg vôi tạt trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá và làm sạch môi trường xung quanh.Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, nếu có điều kiện cần di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ và nước chảy xiết.

- Mỗi tháng kiểm tra cá 1 lần, xác định khối lượng của 10 - 20 cá thể để theo dõi sinh trưởng của cá và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh trong lồng nuôi. Khi cá có dấu hiệu ăn ít hoặc bỏ ăn, chết rải rác thì cần phân tích nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trung tâm khuyến nông Thái Bình