Thứ 3, 29/04/2025, 15:28[GMT+7]

Phát triển nông nghiệp vùng ven đô

Thứ 3, 29/04/2025 | 10:31:33
385 lượt xem
Để xây dựng thành phố Thái Bình phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại và có bản sắc riêng, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ và giải pháp quy hoạch ổn định vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ đô thị như trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn. Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản xuất chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với mô hình đô thị vườn và du lịch sinh thái.

1,3 mẫu ruộng vùng chuyên canh là nguồn thu chính của vợ chồng ông Mai Văn Minh, thôn Cự Phú, xã Vũ Phúc.

Hiện nay, thành phố tập trung phát triển đô thị và đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện sống cho nhiều người dân. Sự phát triển nhanh chóng khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp. Trong khi đó, vùng ven đô là nơi liên kết giữa khu vực nội thành và ngoại thành về kinh tế - xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm sạch, an toàn... cho cư dân nội thành, cho các khu đô thị mới liền kề và dân cư phi nông nghiệp tại chỗ. Do đó, đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô trong quá trình đô thị hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố góp phần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện mức sống của người dân. Những năm qua, thành phố đã thực hiện rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp từng vùng. Trên cơ sở rà soát diện tích và cây trồng sản xuất nông nghiệp, thành phố đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu, hoa, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích trồng rau an toàn tập trung, trồng hoa, cây cảnh. 

Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, những năm qua, UBND xã Vũ Phúc đã chỉ đạo, đôn đốc, khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, thông qua việc khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nội thành, xã đã định hướng đưa các cây trồng phù hợp với nhu cầu của người dân vùng nội thành, đạt hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. 1,3 mẫu ruộng vùng chuyên canh là nguồn thu chính của vợ chồng ông Mai Văn Minh, thôn Cự Phú, xã Vũ Phúc. Ông Minh chia sẻ: Xác định làm kinh tế nông nghiệp nên tôi đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất. Do vị trí giao thông thuận lợi nên các loại rau, củ, quả thu hoạch đều được thương lái mua ngay tại ruộng. Mùa nào thức nấy, tôi trồng các loại rau màu với hệ số quay vòng đất đạt 5 - 6 vụ/năm. 

Ông Hoàng Văn Thiện, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Vũ Phúc cho biết: Sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động đối với xã Vũ Phúc. Toàn xã hiện còn 230ha đất nông nghiệp, trong đó trên 20ha vùng chuyên màu luân canh 3 – 6 vụ/năm với các cây trồng chính như: rau các loại, dưa lê, dưa chuột, lạc, khoai tây, đỗ tương... mang lại thu nhập 120 – 130 triệu đồng/ha/năm. Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, một số hộ trong và ngoài xã đứng ra thuê, mượn ruộng với tổng diện tích trên 50ha. Trong thâm canh rau màu, nhiều mô hình sản xuất an toàn được triển khai, bước đầu thay đổi nhận thức của người dân. 

Ngoài vùng sản xuất rau xã Vũ Phúc, các xã ven thành phố đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh (quất, đào) phục vụ nhu cầu của người dân khu vực nội thành và các địa phương lân cận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình tổ hợp tác được thành lập và duy trì hoạt động đến nay đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tiêu biểu như tổ hợp tác chăn nuôi xã Vũ Đông, xã Đông Mỹ, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát, tổ hợp tác trồng và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ... Ông Đặng Văn Quý, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ cho biết: Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ cây quất cảnh xã được thành lập từ năm 2013, hiện có 50 thành viên. Các thành viên giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, tìm đầu ra cho sản phẩm nên đời sống ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân của gia đình thành viên đạt từ 250 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm, có trên 90% gia đình thành viên thuộc diện hộ khá, giàu. 

Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ cây quất cảnh xã Đông Thọ hiện có 50 thành viên.

Xã Vũ Chính có trên 100 hộ trồng hoa với diện tích khoảng 15ha, chuyên cung cấp hoa tươi cho thị trường thành phố Thái Bình và các đầu mối ở vùng lân cận trong dịp tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, người dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa các cây trồng mới theo nhu cầu thị trường vào sản xuất. Bên cạnh các giống hoa truyền thống, các nhà vườn đã đưa vào canh tác một số giống hoa nhập khẩu như: cúc mâm xôi Hàn Quốc, hoa ly, cát tường... Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà vòm; lắp đặt hệ thống vòi phun sương tự động, giữ độ ẩm thích hợp, giúp cây phát triển ổn định. So với nghề khác thì trồng hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu từ khâu ươm giống, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh nhưng bù lại, thu nhập từ cây hoa so với các cây hoa màu khác cao gấp 3 - 4 lần, so với cây lúa phải gấp 20 lần. Một sào hoa, nông dân xã Vũ Chính thu lãi từ 60 - 100 triệu đồng/năm. Diện tích trồng hoa đang ngày càng được mở rộng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. 

Có thể nói, bằng sự năng động và linh hoạt, các địa phương ven đô đã và đang tận dụng tốt lợi thế vị trí địa lý để xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp mới, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần tạo diện mạo mới cho nền nông nghiệp ven đô.

Nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) trồng hoa cho thu nhập cao so với các cây trồng khác.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày