Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Đông Hưng đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, diệt ốc bươu vàng

Thứ 2, 10/07/2017 | 09:47:53
1,904 lượt xem
Để đạt mục tiêu cấy trên 11.600ha lúa mùa, trong đó có 2.500ha lúa mùa trà sớm, phấn đấu năng suất bình quân đạt 61 tạ/ha trở lên, những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Đông Hưng khẩn trương ra đồng gieo cấy lúa mùa đúng khung thời vụ.

Nông dân xã Hoa Lư (Đông Hưng) tập trung nhân lực cấy lúa mùa bảo đảm thời vụ.

Vụ mùa năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Kim Bôi, xã Hoa Lư cùng với hàng chục hộ nông dân trong thôn mạnh dạn tham gia sản xuất theo vùng khoảng 15ha cấy giống lúa chất lượng cao BC15, nếp 87. 

Bà Mai cho biết: Qua lớp tập huấn chúng tôi biết việc gieo cấy một giống duy nhất, làm đất, gieo trồng cùng một thời điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thủy lợi, chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đã từng cấy giống lúa BC15, tôi thấy đây là giống có chất lượng, năng suất cao, phù hợp với đồng đất Hoa Lư nên khi cán bộ khuyến nông triển khai, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác đều đồng ý tham gia mô hình này. Vụ này, gia đình tôi cấy 8 sào, hiện đã cấy xong, đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa.

Vụ mùa này, xã Hoa Lư quy hoạch các vùng sản xuất tập trung với diện tích 65ha (chiếm 34% diện tích gieo cấy), cấy lúa chất lượng cao ở 5 thôn: Lễ Nghĩa, Kim Bôi, An Bài, Nguyên Lâm, Tân Lập; 95,3ha còn lại cấy các giống Q5, TBR-1, TBR225. 

Ông Bùi Ngọc Ngải, Giám đốc HTX DVNN xã Hoa Lư cho biết: HTX đã tổ chức triển khai, tập huấn đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông đến từng hộ xã viên; khuyến cáo các hộ thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất đến đó, giữ nước, vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi để hạn chế mầm sâu bệnh, nơi trú ngụ của chuột. Xã đã huy động 40 máy cày các loại làm đất phục vụ bà con gieo cấy lúa mùa bảo đảm khung thời vụ; chủ động tu sửa, bảo dưỡng các trạm bơm, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để chủ động tưới, tiêu. Đồng thời khuyến cáo xã viên gieo cấy tập trung theo vùng, 1 - 3 giống lúa tạo thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác. Từ ngày 2/7, xã viên đã tập trung toàn bộ nhân lực ra đồng cấy lúa, phấn đấu 10/7 cấy xong 100% diện tích, sớm hơn so với kế hoạch 5 ngày.

Tranh thủ nhổ mạ sớm để đưa ra đồng cấy.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã An Châu cho biết: Vụ mùa này, An Châu phấn đấu gieo cấy 245,67ha, trong đó, trà lúa mùa sớm khoảng 100ha, tập trung ở các vùng chân đất vàn, vàn cao các khu dân cư và cánh đồng lớn bằng các giống lúa thuần như nếp 87, Bắc thơm, Thiên ưu 8 để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Do lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt nên để bảo đảm các yêu cầu của sản xuất, bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực, phương tiện làm đất, HTX DVNN xã An Châu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con xã viên tiếp tục cấy hoặc gieo vãi theo băng luống, khoảng cách giữa các băng luống là 0,4m để thuận tiện cho việc đưa cây vụ đông ưa ấm ra ruộng trước khi thu hoạch lúa mùa. Đến nay, 100% trà lúa mùa sớm đã được gieo cấy xong, trà lúa mùa muộn bà con phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 20/7.

Đến ngày 6/7, huyện Đông Hưng đã gieo cấy được trên 40% diện tích lúa mùa. Song hiện nay ốc bươu vàng đang phát sinh, phát triển với mật độ cao, có khả năng gây hại lớn cho những diện tích lúa mùa đã cấy. Vì vậy, các cấp, các ngành và nông dân các địa phương trên địa bàn huyện đang khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp diệt trừ ốc bươu vàng để bảo vệ lúa mùa.

Những ngày vừa qua, trên cánh đồng xã Đông La xuất hiện nhiều ốc bươu vàng, nhất là ở những cánh đồng trũng và những ruộng thường xuyên có nước, ruộng gần mương, máng. 

Bà Hoàng Thị Hồng, thôn Thuần Túy, xã Đông La cho biết: Vụ này, tôi cấy 3,5 sào, ruộng nào cũng có ốc, mỗi ngày dành ra mấy tiếng đồng hồ bắt thủ công trước khi cấy mà không hết, khi cấy xong lại phải mua thuốc về phun mà không biết ốc có chết không.

Có mặt tại cánh đồng thôn Tân Bình, xã Hợp Tiến, chúng tôi thấy ốc bươu vàng nổi trên mặt ruộng, bám thành từng chùm vào bụi cỏ ven bờ, mương, rãnh nước. Chân ruộng vàn cao dù đã được tháo cạn nước nhưng ốc con, ốc mới nở vẫn có. 

Chị Phạm Thị Sô, một nông dân trong thôn cho biết: 3 năm nay, ốc bươu vàng mới lại xuất hiện nhiều như thế. Cả 5 sào ruộng của gia đình đều có. Trước khi cấy, mỗi sào phải mất hơn một ngày công để bắt ốc, sau khi cấy xong, tôi lại mua thuốc về phun phòng, trừ để bảo vệ lúa. Mấy ngày nay, tôi vẫn thường xuyên có mặt trên đồng để bắt ốc và trứng ốc, cấy dặm những nơi lúa bị ốc cắn phá. Trên cánh đồng xã Hoa Lư, bà con nông dân đã cấy gần xong 100% diện tích. Mặc dù các hộ đã tổ chức bắt thủ công, phun thuốc diệt ốc, có nhà phun đến 2 lần mà ốc vẫn còn, vẫn sinh sôi nhanh. Cá biệt có ruộng lúa mới được cấy xuống đã có chỗ bị ốc bươu cắn phá.

Bà Hoàng Thị Hồng, thôn Thuần Túy, xã Đông La (Đông Hưng) bắt ốc bươu vàng trước khi cấy để bảo vệ lúa mùa.

Theo cơ quan chuyên môn, năm nay mật độ ốc bươu vàng cao là do mưa kéo dài khiến các chân ruộng thường xuyên ẩm ướt thuận lợi cho ốc phát sinh, phát triển. Thời gian chuyển vụ ngắn nên ốc lưu trú trong đất từ vụ xuân tiếp tục gây hại ngay trong vụ mùa. Mặt khác, nhiều nông dân sử dụng thuốc không đúng theo khuyến cáo; bắt thủ công hoặc phun thuốc không tập trung, các hộ tự diệt trừ lẻ tẻ nên ốc vẫn di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, ruộng này sang ruộng kia nên hiệu quả diệt trừ thấp. 

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phân công cán bộ kỹ thuật xuống xã trực tiếp cùng các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông. Khẩn trương, quyết liệt diệt trừ ốc bươu vàng cho toàn bộ diện tích. Khi mật độ ốc cao đạt 3 con/m2 trở lên, ốc nhỏ không thể bắt bằng tay thì vận động nông dân sử dụng thuốc hóa học theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để phun phòng, trừ. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc diệt trừ ốc bươu vàng kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, các xã, nhất là các xã có nhiều diện tích lúa mùa trà sớm đã tích cực nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện các giải pháp diệt ốc bảo vệ lúa mùa, trong đó khuyến khích bà con bắt ốc bằng phương pháp thủ công và xử lý ốc đã bắt làm thức ăn cho gia cầm hoặc đào hố sâu chôn xuống khi ốc đã chết…, chỉ khi nào mật độ ốc cao, không thể bắt bằng tay mới phun thuốc diệt trừ để bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX DVNN xã Hợp Tiến cho biết: Ốc bươu vàng ở vụ này mật độ cao hơn các vụ trước, vì vậy, trước khi làm đất, HTX đã khuyến cáo xã viên rắc vôi bột để diệt ốc; khi tháo nước vào ruộng dùng lưới mắt nhỏ hoặc cành cây đặt ở đầu kênh dẫn nước ngăn không cho ốc vào ruộng; bắt ốc bằng tay trước khi cấy, sau cấy phun thuốc diệt trừ nếu ốc vẫn còn.

Ốc bươu vàng có tốc độ sinh trưởng nhanh, là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng, trừ, thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi cấy cho đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm, nếu không diệt trừ kịp thời sẽ có thể gây thiệt hại về giống, phải dặm hoặc cấy lại, ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ốc bươu vàng không phải là đối tượng dịch hại mới nhưng mỗi mùa vụ, nông dân phải bỏ nhiều công sức và chi phí để diệt trừ. Do đó, bà con kiến nghị huyện cần phát động chiến dịch diệt ốc bươu vàng tập trung trên diện rộng, có cơ chế khuyến khích cộng đồng cùng tham gia.

Những ngày qua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động máy móc, nhân lực làm đất gieo cấy lúa mùa; gắn sản xuất vụ mùa với sản xuất vụ đông; khuyến khích người dân địa phương và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô lớn; bố trí cơ cấu giống lúa hợp lý, cân đối, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương; áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến SRI trên toàn bộ diện tích lúa vì biện pháp thâm canh này giúp tưới nước tiết kiệm, giảm giống, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật. Toàn huyện phấn đấu đến hết ngày 20/7 cấy xong toàn bộ diện tích để chuyển trọng tâm sang chăm sóc.

(Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng)


Thu Hiền