Thứ 3, 26/11/2024, 22:25[GMT+7]

Chia sẻ với người chăn nuôi

Thứ 6, 24/05/2019 | 09:03:31
802 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, lợn mắc bệnh phải tiêu hủy gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Thiệt hại sẽ còn lớn hơn khi số lượng đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được vì một bộ phận người tiêu dùng có tư tưởng quay lưng với thịt lợn.

Tại các khu chợ dân sinh, người dân đã hưởng ứng và tiêu thụ thịt lợn trở lại.

Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân có xu hướng giảm mạnh, việc kinh doanh thịt lợn tại các chợ dân sinh rơi vào tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, thiệt hại do bệnh dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, đặc biệt là chủ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi vì không thể tiêu thụ được đàn lợn do người tiêu dùng chưa nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi và e ngại với loại thực phẩm này. Ông Phạm Bá Vang, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) cho biết: Trong quá trình chăn nuôi lợn, trang trại áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ khâu vệ sinh chuồng trại, sát trùng tiêu độc, lựa chọn thức ăn, thời gian cách ly kháng sinh bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định. Trang trại được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP và cơ sở an toàn dịch bệnh. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, mặc dù giá thành thịt lợn hơi giảm mạnh, rẻ hơn nhiều so với thời điểm chưa có dịch, so với giá thành sản xuất thì người chăn nuôi chúng tôi đang bị lỗ nhưng việc tiêu thụ lợn thịt gặp rất nhiều khó khăn vì nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân thấp, do vậy số lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất bán còn tồn đọng nhiều. Hiện trang trại còn khoảng 300 con lợn khỏe mạnh, an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất bán.

Hiện nay, tổng đàn lợn còn lại của toàn tỉnh sau khi đã tiêu hủy do bệnh dịch còn gần 500.000 con, trong đó có khoảng 50.000 con lợn thịt đến kỳ xuất bán và hơn 100.000 con lợn choai gần đạt tiêu chuẩn lợn thịt. Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn khi số lượng đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Trước tình hình trên, tỉnh đã phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, đăng ký mua của các hộ chăn nuôi có lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất bán 10kg lợn hơi/người. Qua đợt đầu phát động, toàn tỉnh đã tiêu thụ được lượng thịt lợn đáng kể. Kết quả, từ ngày 30/4 - 10/5, số lượng thịt lợn đã hỗ trợ tiêu thụ gần 500 tấn. Những đơn vị tiêu biểu trong phong trào này là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo...; đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát động các doanh nghiệp sử dụng thịt lợn trong bữa ăn trưa của công nhân.

Sau khi tỉnh phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn, nhiều trang trại, gia trại đã được vơi bớt khó khăn. Ông Phạm Bá Vang cho biết: Nhờ có phong trào mà trang trại của gia đình tôi đã tiêu thụ được gần 50 tấn lợn hơi. Đây là chủ trương thực sự đúng đắn, chia sẻ kịp thời với khó khăn của các trang trại, gia trại, người chăn nuôi. Chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục có những giải pháp tích cực để giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Trong lúc một bộ phận người dân chưa tin tưởng sử dụng thịt lợn, số lượng lợn thịt còn ứ đọng nhiều, việc phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn hỗ trợ người chăn nuôi là giải pháp có ý nghĩa quan trọng bởi khi thấy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng thịt lợn sẽ khiến người dân tăng thêm độ tin cậy và yên tâm sử dụng thịt lợn. Nhờ vậy, thị trường thịt lợn đã bắt đầu ổn định, tại các chợ dân sinh người dân đã hưởng ứng và tiêu thụ thịt lợn trở lại. Ông Đỗ Quý Phương cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn các đợt tiếp theo để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan và gây bệnh trên người, từ đó yên tâm sử dụng thịt lợn an toàn; hỗ trợ các trang trại, gia trại có lợn khỏe mạnh đã đăng ký là cơ sở an toàn dịch bệnh lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ được cấp giấy kiểm dịch xuất bán ra thị trường.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày