Thứ 5, 08/05/2025, 19:39[GMT+7]

Chủ tịch nước yêu cầu khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại lách luật

Thứ 5, 08/05/2025 | 17:45:01
253 lượt xem
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại lách luật, còn chỗ không hiểu thì làm sai luật. Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phải bịt được lỗ hổng này dù rất khó.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ chiều 8/5. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 8/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp

Phát biểu ý kiến tại tổ 2 (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu phân tích kỹ các dự án luật để hoàn thiện, đạt được mục đích đề ra trong giai đoạn phát triển tới, để luật có tuổi thọ lâu dài, không để "sửa một tý xong lại sửa tiếp là không ổn".

Chủ tịch nước nêu rõ, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước đặt vấn đề tổ chức bộ máy như vậy đã ổn chưa, về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức các cấp và nhiệm vụ quyền hạn thế nào. Theo Chủ tịch nước, mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tất cả phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân và khắc phục được những tồn tại thực tiễn.

Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ 2 chiều 8/5. (Ảnh: DUY LINH).

"Không chỉ xử lý những người vi phạm, cái chính của chúng ta là giáo dục để cho mọi cán bộ công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được pháp luật, tự giác thực hiện pháp luật", Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh đây mới là mục đích quan trọng, cần đại biểu nghiên cứu thêm.

Theo Chủ tịch nước, hệ thống cơ quan tư pháp gồm điều tra, viện kiểm sát, tòa án dù tam quyền nhưng có sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch nước nêu khi sắp xếp thì Thành phố Hồ Chí Minh có 102 đơn vị hành chính cấp xã (78 phường và 24 xã), Bình Dương có 36 đơn vị hành chính cấp xã, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ còn 30 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh có 168 đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập tỉnh thành.

"Với mục tiêu gần dân thì phải nhớ được tên và địa giới hành chính của 168 xã này, nhưng có nhớ được các cán bộ chủ chốt gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch không?", Chủ tịch nước băn khoăn và lưu ý mục tiêu gần dân, sát dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương đã rõ, Trung ương thống nhất rất cao, nhân dân rất háo hức thì thể chế phải đáp ứng được yêu cầu, nhất là các cơ quan tư pháp. Phải làm sao khi sửa luật phải chắc chắn, đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch nước yêu cầu phải khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại lách luật, còn chỗ không hiểu thì làm sai luật. Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phải bịt được lỗ hổng này dù rất khó.

Một vấn đề khác được Chủ tịch nước đề cập là phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp, để các dự án khi Quốc hội bấm nút thông qua là đi vào thực hiện được. Còn quá trình thực tiễn sẽ phát sinh nhưng phải hạn chế thấp nhất cái này.

Đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực

Nêu ý kiến thảo luận ở tổ 13, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, bỏ cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện, tiến tới mô hình Tòa án theo khu vực.

Việc sửa đổi lần này sẽ tạo hành lang pháp lý để xây dựng hệ thống Tòa án tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và sự phát triển mới của đất nước.

Về nội dung cụ thể, tại khoản 1 Điều 1, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực. Việc tổ chức Tòa án theo khu vực cần có căn cứ rõ ràng như số lượng vụ án trung bình hằng năm, dân số, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và các yếu tố liên quan khác.

Theo đại biểu, những tiêu chí này không chỉ giúp bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, mà còn ngăn ngừa việc tổ chức máy móc, hình thức, đồng thời tạo sự ổn định, đồng bộ trong hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.

Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai). (Ảnh: DUY LINH).

Bên cạnh đó, đại biểu Minh đề nghị sửa đổi khoản 3a Điều 46 theo hướng bổ sung thẩm quyền phúc thẩm cả đối với vụ án hành chính. Đại biểu lý giải, hiện nay, nhiều vụ án hành chính có tính chất phức tạp, liên quan đến quyền lợi công dân và doanh nghiệp, cần được xét xử ở cấp cao để bảo đảm tính khách quan, công bằng và bảo vệ quyền con người. Việc bổ sung này sẽ nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát và thống nhất áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử.

Tại khoản 6 Điều 1 về bổ sung Điều 49a về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu đoàn Lào Cai đề nghị bổ sung quy định: “Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”.

"Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án bị kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Việc quy định thời hạn sẽ góp phần nâng cao kỷ luật công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp", đại biểu Minh nêu quan điểm.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng có chung đề xuất về bổ sung một khoản quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực, cũng như thêm quy định Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày