Thứ 6, 15/11/2024, 08:21[GMT+7]

Nhập siêu thấp so với ước tính

Thứ 2, 19/08/2013 | 15:26:41
641 lượt xem
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, so với ước tính trước đây của Tổng cục Thống kê, xuất siêu tháng 7 đã cao lên, nhập siêu 7 tháng đã thấp xuống.

XUẤT/NHẬP KHẨU THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG (Tỷ USD). Nguồn: - Ước tính: Tổng cục Thống kê

Theo đó, số liệu mới nhất so với số liệu  ước tính trước đây, xuất khẩu tháng 7 đã cao hơn 399 triệu USD (11.599 triệu USD so với 11.200 triệu USD), xuất khẩu 7 tháng đã cao hơn 580 triệu USD (73.319 triệu USD so với 72.739 triệu USD); nhập khẩu tháng 7 đã cao hơn 220 triệu USD (11.220 triệu USD so với 11.000 triệu USD), nhập khẩu 7 tháng đã cao hơn 125 triệu USD (73.597 triệu USD so với 73.472 triệu USD).

 

 Cũng theo đó, số liệu ước tính mới nhất so với số liệu ước tính trước đây, xuất siêu tháng 7 đã tăng lên (379 triệu USD so với 200 triệu USD) và nhập siêu 7 tháng đã giảm xuống (278 triệu USD so với 733 triệu USD).

 

Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu theo số liệu mới nhất là gần 0,4%, thấp hơn mức ước tính cũ là 1%. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu 7 tháng theo số liệu mới nhất cũng cao hơn ước tính cũ (15,2% so với 14,3%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 nhập siêu sẽ không cao như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Khung hướng dẫn kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 vào ngày 28/6/2013 (tỷ lệ nhập siêu là 7,1%, tính ra quy mô nhập siêu khoảng 9 tỷ USD).

 

Đạt được kết quả trên do xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng đạt khá. Với kết quả mới nhất của 7 tháng đầu năm và nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt như tháng 7, thì dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2013 sẽ đạt trên 131 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm trước và vượt xa so với kế hoạch (tăng 10% và quy mô 126 tỷ USD).

 

Mới qua 7 tháng đã có 15 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là điện thoại các loại và linh kiện đạt trên 11,55 tỷ USD, tăng 85,7%; dệt may đạt trên 9,7 tỷ USD, tăng 17,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5,78 tỷ USD, tăng 42,5%... Chỉ với 15 mặt hàng này đã đạt xấp xỉ 57 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, lớn hơn kim ngạch cả năm của cả nước trong năm 2010.

 

Cũng mới qua 7 tháng đã có 18 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, như Hoa Kỳ 13,05 tỷ USD, Nhật Bản 7,49 tỷ USD, CHND Trung Hoa 7,33 tỷ USD, Hàn Quốc 3,57 tỷ USD, Malaysia 2,87 tỷ USD...

 

Đã có 10 tỉnh, thành phố đạt từ 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh 17,38 tỷ USD, Bắc Ninh 13,26 tỷ USD, Bình Dương 7,97 tỷ USD, Đồng Nai 6.15 tỷ USD, Hải Dương 1,88 tỷ USD, Hải Phòng 1,73 tỷ USD, Long An 1,56 tỷ USD, Bà Rịa- Vũng Tàu 1,23 tỷ USD, Quảng Ninh 1,03 tỷ USD).

 

Tuy nhiên, trong 2 khu vực, khu vực kinh tế có vốn  đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều khu vực kinh tế trong nước cả về kim ngạch tuyệt đối (48,5  tỷ USD so với 24,75 tỷ USD), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (22,9% so với 2,7%).

 

Đối với nhiều mặt hàng, tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn cao hơn nữa. Trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu lớn (6,93 tỷ USD), thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu rất cao (7,2 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước vẫn còn yếu về sức cạnh tranh, nhiều thị trường xuất khẩu đạt quy mô còn thấp. Giá cả xuất khẩu bị giảm, nhất là giá than, giá nông sản gây ra thiệt hại về kim ngạch của đất nước và người sản xuất. Việc xuất siêu trở lại trong mấy tháng nay cũng có một phần do tổng cầu ở trong nước bị co lại, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ở trong nước.

 

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa