Thứ 5, 14/11/2024, 10:57[GMT+7]

Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020) Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Thứ 5, 07/05/2020 | 09:36:21
16,307 lượt xem
66 năm đã qua, chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta ngày 7/5/1954 không những ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi có người hỏi về chiến dịch Điện Biên Phủ là cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Thát ở thị trấn Tiền Hải lại hào sảng kể về những năm tháng ông cùng đồng đội chiến đấu, giành từng mét đất với quân Pháp trong suốt 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. CCB Phạm Ngọc Thát chia sẻ: Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ánh sáng soi đường của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng ấy là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó sự thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đơn vị chúng tôi ngoài nhiệm vụ đào giao thông hào còn thường xuyên tham gia cùng các đơn vị khác kéo pháo vào trận địa.


Trong 5 ngày, từ 13 - 17/3/1954, ông Thát cùng các chiến sĩ Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 giành giật từng mét vuông đất với quân Pháp tại đồi Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Ông nhớ lại: Hễ cứ giải phóng được khu vực nào là ngay lập tức ta tiến hành đào giao thông hào để bộ đội di chuyển thuận lợi. Mặc dù trong đợt 1 của chiến dịch chúng tôi đã chiếm được 3 cứ điểm trên nhưng những ngày sau đó quân Pháp tiếp tục cho quân tiến đánh nhằm chiếm lại các khu vực đã bị mất. Các chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu khiến quân địch phải khiếp sợ.


Đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 30/3/1954 đến ngày 30/4/1954, quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm phía Đông gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Trong đợt tiến công này, quân ta áp dụng chiến thuật đánh tới đâu vây lấn bằng hệ thống giao thông hào tới đó để từ đó siết chặt vòng vây; ta thậm chí còn đào giao thông hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt của địch. Trong đợt tiến công này, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mét giao thông hào. Sau một tháng chiến đấu, quân ta đã làm chủ nhiều cứ điểm quan trọng, pháo cao xạ của ta ngày càng tiến sâu vào Điện Biên Phủ.

Chiếc dù chiến lợi phẩm của cựu chiến binh Trần Ngọc Ái (xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải).


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Trần Ngọc Ái, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải là chiến sĩ bộ binh thuộc Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. CCB Trần Ngọc Ái cho biết: Khi chúng tôi hành quân lên đến Điện Biên Phủ, chiến dịch đã chuyển sang giai đoạn 3. Đây là giai đoạn quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch, quân Pháp đổ dồn vũ khí, đạn dược và các loại hỏa lực mạnh để cản bước quân ta; phía ta thì huy động toàn bộ lực lượng, vũ khí từ mọi miền để tiến về giải phóng Điện Biên. Đơn vị tôi khi ấy được giao nhiệm vụ vừa tham gia chiến đấu vừa tiến hành đào giao thông hào cắt đứt sân bay Mường Thanh để tạo đường tiến công của quân ta lên thẳng sở chỉ huy của thực dân Pháp. Sau khi hệ thống giao thông hào của đơn vị tôi đã cắt đứt được sân bay Mường Thanh, tuyến đường vận tải bằng đường hàng không của quân địch đồng thời cũng bị cắt đứt; quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải chuyển sang phương án tiếp tế lương thực, vũ khí và con người bằng việc thả dù. Ngày càng thất thế trên chiến trường Điện Biên Phủ, Pháp phải nhờ tiếp viện của Mỹ.

5 anh em trong gia đình cựu chiến binh Nguyễn Quang Mộc (xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ) từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.


Trong suốt 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình CCB Nguyễn Quang Mộc ở xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ có tới 5 anh em cùng tham gia. Khi ấy, CCB Nguyễn Quang Mộc là chiến sĩ công binh thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. CCB Nguyễn Quang Mộc chia sẻ: Sau khi ta giải phóng được các cứ điểm quan trọng của địch, tôi cùng các chiến sĩ trong đơn vị nhận nhiệm vụ giải giáp vũ khí quân đội Pháp, trên đường áp giải tù binh trao trả cho phía Pháp tôi gặp lại anh em trong gia đình nhưng chỉ kịp chào nhau một câu hẹn ngày giải phóng gặp lại rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Thừa thắng xông lên, quân ta mở đợt tấn công lần 3 từ ngày 1 - 7/5/1954 đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Riêng tại đồi A1, cứ điểm được xây dựng kiên cố nhất, ta đánh tới 4 đợt nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Đêm ngày 6/5/1954, quân ta phải dùng thuốc nổ bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được đồi A1. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries; tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng.

Cựu chiến binh Phạm Văn Cư, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà và tờ giấy chứng nhận đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ.


Ngay khi biết tin ta đã giải phóng Điện Biên, người dân, chiến sĩ từ khắp các cánh rừng, giao thông hào ùa ra ăn mừng. CCB Phạm Văn Cư, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà cho biết: Sau bao ngày vất vả, kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, khi nghe tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, anh em chiến sĩ trong đơn vị tôi vui mừng lắm, có người còn ôm lấy tôi khóc nức nở. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, dân công và đồng bào dân tộc từ đây càng thêm yêu mến và tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta.


66 năm đã qua đi, dấu tích về khối bộc phá trên đồi A1 đập tan tham vọng của quân đội Pháp tại Đông Dương vẫn còn nguyên giá trị. Giờ đây, di tích đồi A1 đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, vun đắp cho lớp lớp người dân Việt Nam tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Với những người lính Cụ Hồ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như ông Thát, ông Ái, ông Mộc và ông Cư, họ không chỉ sống với những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng mà còn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cháu con tích cực tu dưỡng, rèn luyện, hăng say lao động và cống hiến cho quê hương.

Tiến Đạt