Thứ 7, 09/11/2024, 22:25[GMT+7]

Ngự Thiên hiếu kiến

Thứ 6, 22/12/2023 | 16:49:59
7,960 lượt xem
Các tài liệu khảo cứu cho thấy, trong số các con Thánh Tông, vua “yêu quý” 2 người. Thái tử Tranh “ra dáng thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp”, thứ đến Kiến Vương Tân là người “phong tư cao nhã hơn hẳn người đời, ham học, có tài năng văn chương, có làm sách “Lục nguyễn thư nhân”. Mỗi khi vua Lê Thánh Tông có ngự chế, thơ ca phần nhiều sai ông họa lại”. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) chọn con gái thứ 4 của Đô đốc Thiêm sự Trịnh Đăng Phong là Trịnh Thị Tuyên, quê làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho làm phi, theo về Ngự Thiên (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà ở phủ Kiến Vương (Thuần Mỹ Điện) để hầu.

Đền thờ 4 vị vua nhà Lê, tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) đã và đang được cán bộ và nhân dân nơi đây tích cực bảo vệ, duy tu.

Sử cũ ghi nhận, đất Long Hưng không chỉ phát tích và hưng nghiệp nhà Trần, là vùng đất “quan hà” của triều Lý và cũng là điểm dừng chân trên chặng đường hưng nghiệp của nhà Lê sơ giai đoạn cuối ở Mỹ Xá (nay là tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Đất và người nơi đây đã sinh ra người con gái họ Phùng và sau này là hoàng phi nhà Lê. Đất Mỹ Xá chắt chiu giọt nguồn giúp cơ đồ nhà hậu Lê không những giữ được vận mệnh mà con sinh ra 4 vị vua. Nhưng, “phúc” là vậy, còn “phận” ra sao? Ngọn nguồn sử liệu ghi: Sau khi Lê Thánh Tông qua đời (1497) Hiến Tông nối ngôi (1497 - 1504). Hiến Tông mất, con là Túc Tông lên thay.

Ngày 5 tháng 5 năm Giáp Tý (1504), Túc Tông hoàng đế làm vua chưa tròn nửa năm đã băng hà, hưởng 17 tuổi. Thái hoàng thái hậu đòi lập Lữ Khôi vương, hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi đóng cửa thành phò tá Lê Huyên (tức Uy Mục đế) lên ngôi. Vừa ngự trên ngai vàng (ngày 22 tháng 3 âm lịch năm 1505), vua giết ngay Thái hoàng thái hậu Nguyễn Thị. “Từ khi lên ngôi, vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ. Khi rượu say liền giết cả cung nhân”. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại sai ngầm nội nhân Nguyễn Đình Khoa đi dò xét cả 26 vương (con Lê Thánh Tông và các công tử khác).

Theo tài liệu khảo cứu, thời ấy ở ấp Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có phủ đệ của Kiến Vương Tân, con trai thứ 5 vua Lê Thánh Tông. Ông mất sớm, bà Trịnh Thị Tuyên một nách nuôi 4 con côi là Cẩm Giang vương Lê Sùng, Giản Tu Công Lê Oanh, Tĩnh Lượng Công Lê Sách, Lê Quyên còn nhỏ chưa được ấm phong. Người trong thiên hạ trông trong các hoàng tử Thánh Tông, chỉ có cánh Ngự Thiên là khá hơn. Lê Uy Mục sai bắt cả nhà Cẩm Giang vương và phu nhân thúc phụ mình tống ngục. Các thân vương nhà Lê hầu hết bị đuổi về Thanh. Bọn quan Giáo Thừa, Thừa Nghiệp ra đường, “quan viên và dân chúng trông thấy từ xa một dặm đã chạy trốn”. Con thứ Kiến Vương Tân là Oanh may thoát ngục chạy vào Tây Đô, đến cửa biển Thần Phù được tướng Nguyễn Văn Lang ra đón phù lập. Ông cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài, hiệp sức với các đại thần Ngô Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm và Thanh Hóa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, thừa tuyên sứ Lê Tung, tham chính Nguyễn Thì Ung cùng nhau mưu sự. Sai Tiến sĩ Lương Đắc Bằng viết hịch kể tội vua Uy Mục.

Ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), các dinh thủy bộ cùng tiến về kinh đô. Lê Uy Mục sai giết cả nhà dòng Kiến Vương Tân. Lại sai các tướng đón đánh Lê Oanh, song không giữ được. Có Lê Quang Độ từ trong thành nội ứng, đại quân dựng gậy làm cờ, chặt cây làm binh khí đánh lộn trong thành khiến quân triều hoang mang, lại cho bắn súng báo hiệu cho quân Thanh - Nghệ phía ngoài đánh vào, Lê Uy Mục không chống cự được phải chạy tới phường Nhật Chiêu thì bị bắt. Ngày 1 tháng 12 năm ấy, Lê Uy Mục uống thuốc độc tự tử. Ngày 4 tháng 12, Lê Oanh lên ngôi hoàng đế (Lê Tương Dực). Ngày 7 tháng ấy vua truy tôn mẹ là Huy Từ Trang Huệ Kiến Hoàng Thái hậu. Ít ngày sau tiếp tục truy tôn cha Kiến Vương Tân là Phối Thiên Dực Thánh Ôn lương Quang minh văn triết Khoan Hoằng chương tín tuy hưu mục hiếu Kiến hoàng đế. Cẩm Giang vương là Trang Định đại vương. Tĩnh Lượng Công Sách là Mục Ý vương. Lê Quyên là Dực Cung vương. Ngày 19 sai chuyển linh cữu mẹ và anh em về quê nhà (làng Mỹ Xá, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên), sai xây lăng tẩm Mục Hiếu hoàng đế Lê Tân, Kiến hoàng Thái hậu Trịnh Huy Từ và mộ phần Trang Định đại vương, Mục Ý vương, Dực Cung vương. Lại cho xây dựng điện Thuần Mỹ ở làng Mỹ Xá rộng khoảng 10 mẫu Bắc bộ, trong có lầu điện, ngoài có thành quách. Dấu vết thành hiện vẫn còn. Sai Thượng thư bộ Hộ Lương Đắc Bằng thảo văn dựng bia cho quốc phụ, quốc mẫu. Bia cao 2,4m, bản rộng 1,8m đặt trên rùa đá (lớn đúng bằng bia Thái tổ cao hoàng đế ở Lam Kinh). Bia đá vẫn đang được cán bộ và nhân dân tổ dân phố Mẽ và chính quyền thị trấn Hưng Nhân duy tu và bảo quản. Theo các nhà nghiên cứu, kể từ thời điểm xây dựng lăng bia, các vua kế tiếp cuối đời Lê sơ đều sinh tại đây, mộ phần cũng hầu hết đặt ở đây. Ngự Thiên được coi là đất phát tích dòng Mục Hiếu Kiến hoàng đế.

Lại nói về Trịnh Thị Tuyên, vốn là con nhà gia giáo, thừa đức nghiệp ông nội là quận công Trịnh Khắc Phục, được Đô đốc Thiêm sự dạy bảo tứ đức, hết lòng kính cẩn Thánh Tông, tận tuỵ hầu hạ Kiến Vương. Dân làng Mỹ Xá truyền tụng: Khi Kiến Vương thọ yểu, bà một nách nuôi Lê Sùng, Lê Oanh, Lê Sách, Lê Quyên rất chu đáo, lại đối đãi với dân như con em, cư xử với gia nhân như thân quyến. Các công tử được học hành chu đáo, lễ phép với bề trên, ôn hòa với kẻ dưới. Khi Lê Hiến Tông lên ngôi, vua thương các cháu mồ côi, ấm phong cho cháu trưởng (dòng Kiến Vương) là Cẩm Giang vương, cho hưởng bổng lộc nhị phẩm. Cho Lê Oanh là Giản Tu công, Lê Sách là Tĩnh Lượng công, hưởng lộc tòng nhị phẩm. Sau vụ vua Uy Mục giết Thái Hoàng thái hậu, người tôn thất đều phẫn nộ. Uy Mục biết lòng người đã khác, cho hoạn quan Nguyễn Đình Khoa đi do thám các hoàng đệ, hoàng huynh và 26 vương. Trong số 26 vương tôn, anh em Cẩm Giang vương ở Ngự Thiên được “lòng người trông vào”, vì thế nạn lớn đến với Trịnh thị và anh em Giản Tu công. Cả nhà bị lao tù, mỗi người bị biệt giam một chỗ không thể tin tức, khi Giản Tu công chạy trốn, không báo được cho mẹ và anh em. Mẹ bị đánh đập đến chết, anh bị chém bêu đầu, các em đều chết thảm.

Nguồn sử liệu ghi: Ngày 27 tháng 2 Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), vua ban sách Trị bình bảo phạm, lấy gương Lê Thái Tổ “dựng nhà dạy học, khuyến khích nông tang”, Thái Tông “coi trọng giáo hóa, chăm nuôi muôn dân”, Thánh Tông “làm hết luân thường, hoàn thiện chế độ, đắp bồi gốc nền”... để khuyên bề tôi giữ lòng trung lương, kính cẩn chức vụ, vì nước quên nhà lo việc công, quên việc tư. Từ tông thất đến công thần cùng vui buồn với nước, phải thể theo lòng yêu nuôi sinh dân. Các quan phải nghiêm khắc sửa mình, kính cẩn siêng năng làm chức phận, không được say đắm tửu sắc, sai khiến bậy người dưới quyền, dắt mối gái điếm, yêu sách cỗ bàn, liên miên chè chén làm hư hại đến phong hóa. Lại bộ phải công bằng, ai dám hối lộ riêng tư, tuyển bổ không có thứ tự... (sẽ) nhất loạt trị tội”. Trong 2 khoa thi Hồng Thuận thứ 3 và thứ 6 (1511, 1514) vua trực tiếp ra đề văn sách hỏi về đạo trị dân xưa nay, lại định rõ (phải) giữ công bằng để chọn được người thực tài cho nhà nước.


Quang Viện