Trần triều vương đại quốc
Sông này ngày xưa bờ bãi mênh mang, buổi sơ khai có tên A Lỗ, chiết tự nghĩa là gồ cát, cồn cát. Phía bờ Bắc là cửa Phạm Lỗ, phía Nam là cửa Vường, giữa có cù lao lớn, trên đó có rừng gọi là “Cự Lâm”. Hiện trên bản đồ còn vẽ dòng sông cổ đoạn từ Hồng Lý “ăn thông” gần sát cửa Vường (giáp làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh). Cửa sông này sóng nước ngàn tầm, chính nơi đây quân dân thời Trần đã đánh tan đội quân tiền trạm của Vạn hộ Lưu Thế Anh, xác giặc nghẽn dòng sông, và cũng tại ngã ba sông này dân chài phải kinh nể “một trăm cửa bể phải nể cửa Vường”.
Sách “An Nam chí lược” chép rằng: “Ngày 21 (tháng Giêng), phá ải Thiên Hán, chém tướng họ là Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng. Thế tử họ (Trần Nhân Tôn) lui về giữ Hải Thị (nay thuộc làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) đóng cọc gỗ để ngăn phía Tây sông mà đánh. Quan quân trên dưới bắn chéo nhau, quân họ vỡ to... Ngày mồng 3, Trần Nam Vương phá Thế Tử ở sông Đại Hoàng”. Sử cũ ghi nhận, sau thất bại xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258), vua Nguyên nhiều lần đầu sai sứ sang dụ vua Trần vào chầu. Dụ hàng không được, Hốt Tất Liệt (sau khi diệt nhà Tống) đã cùng các tướng lĩnh triều đình nhà Nguyên lập kế hoạch tấn công Chiêm Thành, sau đó từ phía Nam (phía Bắc cho quân tràn sang) đánh vào Đại Việt, tạo ra gọng kìm bao vây tiêu diệt nhà Trần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lý do duy nhất khiến quân Nguyên Mông dừng đánh chiếm Chiêm Thành mà “quay ra” đánh Đại Việt là “Hốt Tất Liệt đã hoảng sợ trước sóng gió của biển cả phương Nam”. Trước đó, đầu năm 1285, Toa Đô tiến từ Ô - Lý, Việt - Lý ra Bắc để tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1285). Để tăng cường chi viện cho Toa Đô tấn công Chiêm Thành, “ngày Mậu Tý 12/7 (24/8/1285), Hốt Tất Liệt hạ chiếu cho con trai là Thoát Hoan đánh Chiêm Thành”. Tuy nhiên, quân Nguyên Mông đã quá chủ quan, khinh thường quân Chiêm Thành “nhược tiểu” và ngay lập tức, chúng choáng váng trước sức chống trả mãnh liệt của quân dân Chiêm Thành, do không thông thuộc địa hình lại xa Bắc quốc, đường tiếp tế khó khăn, Toa Đô đành rút quân “quay ra” đánh vào vùng đất Châu Ô, Châu Lý. Theo các nguồn khảo luận, “ngày Giáp Tý, 21 tháng Chạp năm Giáp Thân (27/1/1285), quân Nguyên vượt qua biên giới tấn công Đại Việt theo hai hướng (phía Tây và phía Đông). Trước sức tấn công như vũ bão của quân Nguyên Mông, tại mặt trận phía Đông, ải Khâu Cấp, ải Khả Lý, ải Nội Bàng lần lượt bị giặc chiếm đóng, trong khi đó ở phía Tây, quân Nguyên do Bôn Kha Đa chỉ huy vượt ải Khâu Ôn, chiếm ải Chi Lăng. Trước tình hình đó, để tránh thế mạnh ban đầu của kẻ thù, Hưng Đạo Vương đã lui quân về Vạn Kiếp và lệnh cho quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm chọn những người dũng cảm làm tiên phong sẵn sàng phản công giặc xâm lược. Sử cũ chép: Ngày 6 tháng Giêng năm Ất Dậu (11/2/1285), Ô Mã Nhi chia quân tấn công các căn cứ của ta ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại, thế quân giặc rất mạnh. Vua Trần đã đem các quân “Thánh dực” và hơn một nghìn chiếc thuyền tăng viện cho Trần Quốc Tuấn. Mặc dù đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch nhưng thấy chưa thể chặn đứng được bước tiến của quân thù nên “ngày 12/2/1285, quân ta rút khỏi các địa điểm Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than...”.
Cuộc hội thảo khoa học “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần” do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp với Viện Sử học tổ chức tháng 4/1986 tại Thái Bình, cố Giáo sư Trần Văn Tạo trong bài tổng kết hội thảo đã đưa ra nhận xét: “Xác định được một sự thực lịch sử là Hải ấp, thuộc Long Hưng lộ (Thái Bình ngày nay) đã là nơi khởi đầu của sự nghiệp xây dựng đất nước của nhà Trần. Tại hội thảo, nhiều tham luận cho rằng, có thể ngay từ khi Trần Hấp đem mộ tổ táng tại làng Tinh Cương (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), họ Trần do tin vào phong thủy đã dời nhà đến đây để giữ mộ phần, mong con cháu nhờ đất ấy mà nối đời làm nên vương bá. Các nghiên cứu mở rộng sau hội thảo cũng có nhiều ý kiến sâu sắc về các lăng mộ vua Trần và Hoàng hậu trên đất Hưng Hà, như hành cung Lỗ Giang và An Lăng nằm ở phía Nam cách khu lăng mộ Tiến Đức, Hưng Hà khoảng 6km. Hành cung chạy dài 700 - 800m từ đầu thôn Thâm Động (giáp thôn Đồng Lôi), vượt ra ngoài đê sông Hồng, chạy tới cánh đồng phía Bắc làng Thâm Động. Khu hành cung đền thờ Thâm Động trải qua 700 năm có lẻ, được các bộ sử cũ chép với nhiều tên gọi khác nhau. Đời vua Trần Anh Tông chép là cung Lỗ Giang (Lô Giang). Ngày 13 tháng 9 năm Trùng Hưng thứ 9 (1293): “Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu băng ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng”; và “Ngày 11, tháng 6, Khai Hựu thứ 13 (1341), vua băng ở Chính Tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương (cũng là cung Lỗ Giang - lấy theo địa danh hành chính). Linh cữu quàn 4 năm, đợi đến ngày 15 tháng 8 năm Thiệu Phong thứ 4 (1344), mới chính thức an táng Hiến Tông ở An Lăng, phủ Kiến Xương”.
Đời vua Trần Anh Tông khi chép về lăng tẩm của vua Trần gọi là Thái Lăng, sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Đền vua Trần ở làng Thâm Động, tổng Vị Sĩ, huyện Duyên Hà, phủ Tân Hưng, tỉnh Thái Bình”. Theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ in trên Công báo năm 1930 thì gọi là Đền bảy vua Trần ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà). Các nghiên cứu khẳng định, Lỗ Giang (sông A Lỗ) gắn bó mật thiết với vua Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông. Do vậy, triều đình nhà Trần đã cho dựng thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của 7 vị vua nhà Trần. Miếu thờ bốn vị vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông cũng được xây dựng tại đây và trang liệm ba vị tiên đế là Thái tổ Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, vì vậy dân gian quen gọi là “Đền thờ bảy vua Trần”.
Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, lại có lăng của bốn hoàng hậu”. Một số tài liệu nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng: Khâm Từ Thái hậu lúc sinh thời cũng đã sống ở cung Lỗ Giang. Tại làng Thâm Động còn có ngôi chùa cổ cạnh khu di tích Thái Lăng (tương truyền là nơi tu hành của Khâm Từ Hoàng Thái hậu, mẹ của vua Trần Anh Tông). Theo khảo luận, vẫn còn sót lại một số sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây đối với ngôi chùa cổ này. Tương truyền đây là khu lăng mộ to lớn, đẹp không kém gì Chiêu Lăng ở Thái Đường, Tiến Đức, Hưng Hà. Năm 1332, Bảo Thánh Thuận Từ Hoàng Thái hậu mất, vua Trần Minh Tông đưa về an táng tại Thái Lăng, triều đình một lần nữa lại xây thêm lăng tẩm cho Thái hậu. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh