Thứ 7, 23/11/2024, 10:05[GMT+7]

Muôn thuở âu vàng

Thứ 6, 01/03/2024 | 15:34:50
9,185 lượt xem
Các nguồn khảo luận cho thấy, thế kỷ XII, nhà Lý phát triển thịnh trị vào đời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) nhưng sang đầu thế kỷ XIII nhà Lý đi vào con đường suy vi. Các vua kế vị lên ngôi khi còn quá nhỏ tuổi như Lý Anh Tông 5 tuổi, Lý Cao Tông 2 tuổi...; do vậy, quyền hành rơi vào tay những kẻ cơ hội bên cạnh vương triều, lúc này nhà Lý chỉ còn là ngọn đèn dầu le lói trong đêm đen. Trước tình hình đen tối của triều chính nhà Lý và do đói khổ, lầm than mà nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra càng làm cho ngai vàng nhà Lý vốn đã mục ruỗng giờ thêm lung lay, suy sụp.

Lễ hội tưởng nhớ các vị vua và hoàng hậu triều Trần được tổ chức trang trọng hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng tại đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Sử cũ chép, đầu thế kỷ XIII khi nhà Lý suy yếu, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, mất mùa liên miên khiến người dân nhiều vùng chết đói, người sống sót đành tha phương, cầu thực. Trong nước, thế lực cát cứ nổi lên, chúng ngang nhiên bắt dân lành làm phu dịch, đào hào, đắp lũy và xua họ vào cuộc nội chiến đẫm máu. Thời kỳ đen tối đó kéo dài dằng dặc trong suốt mười mấy năm trời. Họ Trần vốn có những hào kiệt trợ giúp vua Lý Huệ Tông thoát khỏi nạn Quách Bốc như Trần Lý, Trần Thừa, Trần Thủ Độ giúp nhà Lý giành lại quyền trị vì thiên hạ và họ Trần trong triều đã dần dần chiếm được ưu thế, khống chế được chính quyền phong kiến trung ương suy vi, thâu tóm được các thế lực cát cứ, những công trạng này càng làm cho thế lực họ Trần trong triều thêm tầm quan trọng. Do không có con trai và lâm bệnh nặng, vào năm 1225, vua Lý Huệ Tông đành trao ngai vàng cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi, mọi quyền hành trong triều đình trông cậy vào sự điều hành của quan Điện tiền Trần Thủ Độ.

Họ Trần trong triều ngày càng chiếm giữ vị trí trọng yếu trong triều đình. Triều Lý chênh vênh, không cầm cự được lâu, ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (10/1/1226) dưới bàn tay đạo diễn siêu việt của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, triều Trần nắm quyền, thay thế nhà Lý mục ruỗng trên vũ đài chính trị, điều hành đất nước. Bình yên đã trở lại trên đất nước, nhân dân được tự quyền làm ăn. Họ Trần cũng nhanh chóng khôi phục trung ương tập quyền, sử dụng quân đội mạnh tay đàn áp, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài liên miên. Trước nghịch cảnh đất nước, nhà Trần cũng bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định giang sơn. Các nguồn khảo luận cho thấy, về kinh tế, để khôi phục lại sức sản xuất bị đình đốn cuối thời Lý, nhà Trần đã tổ chức khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng đến vùng đất “Quan Hà” của triều Lý đó là Long Hưng, Thần Khê. Để bảo đảm an ninh lương thực, nhà Trần chú trọng việc đắp đê phòng, chống lũ lụt. Thời điểm này xuất hiện câu ca: “Khai thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa”… Năm 1248, vua Trần Thái Tông hạ lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn đến bãi biển để đề phòng nước sông dâng to, gọi là đê Đỉnh nhĩ (dân gian thường gọi là quai vạc), đặt chức Hà đê chánh sứ và phó sứ để trông coi việc đắp đê. Nhờ những chính sách bảo vệ sản xuất nông nghiệp của nhà Trần, cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi và sức lao động của nhân dân mà nền kinh tế nông nghiệp của Đại Việt thời kỳ này có bước phát triển mạnh… Sách “Đảo di chí lược” do Uông Đại Uyên, người Trung Quốc đời nhà Nguyên (1260 - 1388), chép rằng: “Nước Đại Việt… đất rộng người đông, khí hậu thường nóng, ruộng đất phần lớn phì nhiêu”… Chính sách khuyến nông, khuyến công thúc đẩy các làng nghề phát triển. Vốn lo xa, nhà Trần khuyến khích các làng nghề thủ công truyền thống phát triển ngoài lo cái ăn, cái mặc cho dân chúng, còn là chỗ dựa vững chắc cho thế trận quốc phòng toàn dân. Làng nghề rèn An Tiêm, Cao Dương (Thái Thụy), dệt Bộ La (Vũ Thư), Phương La, mộc Vế, Diệc, chiếu cói Hải Triều (Hưng Hà)… Các chợ giao thương cũng phát triển mạnh vừa giúp nhân dân trao đổi hàng hóa vừa ủng hộ triều đình tích lũy quân lương phòng giặc dã.

Và, đúng như triều đình nhà Trần dự đoán về sự toan tính thâm độc của nhà Nguyên cách xa ngàn dặm luôn lăm le xâm chiếm Đại Việt. Sử liệu ghi: Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn lên làm vua. Các tài liệu khảo cứu cho hay, nhà nước phong kiến Mông Cổ được hình thành và phát triển, nhanh chóng trở thành một đế quốc lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử thế giới từ trước đến giờ. Quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và tập đoàn quý tộc phong kiến đã đem tất cả tinh lực của bộ tộc Mông Cổ vừa hình thành dốc vào cuộc chiến tranh xâm lược và nô dịch các dân tộc khác. Những đoàn kỵ binh Mông Cổ lại ồ ạt kéo sang phương Đông và phương Tây, gieo rắc nỗi kinh hoàng và chết chóc xuống những vùng xa hơn ở châu Âu và châu Á. Ở châu Âu, vó ngựa của Mông Cổ đã tiến đến Ba Lan, Đức và Hunggari và tới sát Ý vào năm 1242, khiến cả châu Âu chấn động. Theo sử biên niên của Pháp thì mối lo sợ trước quân Mông Cổ đã làm đình trệ cả sự buôn bán. Các sử gia biên niên Anh cho chúng ta biết rằng bấy giờ việc thông thương giữa đất Anh với lục địa bị gián đoạn. Ở Đức xuất hiện bài kinh cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ Tac ta (Mông Cổ)”… Ở phía Nam, Mông Cổ chiếm Trung Quốc, Cao Ly (Triều Tiên), tấn công Nhật Bản… Đến năm 1279, Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ xâm chiếm. Trong và sau khi chinh phục miền Nam Trung Quốc, đế quốc Mông Cổ đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam; đồng thời, âm mưu phát triển thế lực ra các nước khác ở Đông Á và Đông Nam Á. Như vậy, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, bọn phong kiến Mông Cổ đã kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Một đế quốc rộng mênh mông được thành lập từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương. Quân Nguyên Mông đã mở ba cuộc tấn công xâm lược Đại Việt và cả ba lần chúng nếm đủ mùi thất bại.

Trước khi tấn công vào Đại Việt, Mông Ka đã vạch ra một kế hoạch hết sức chi tiết: Cánh quân của Uriang Khaidai (Ngột Lương Hợp Thai) thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm Đại Việt và từ Đại Việt đánh lên Nam Tống. Chiếm được Đại Việt còn có ý nghĩa lớn sau này cho đế quốc Mông Cổ lập bàn đạp cho các cuộc viễn chinh xuống Đông Nam Á, do đó Đại Việt là mục tiêu chiến lược của kế hoạch Mông Ke và đó cũng là sự cố gắng rất lớn của chúng. Để thực hiện mưu đồ thâm độc của mình, chỉ trong vòng 30 năm (1258 - 1288) quân Nguyên Mông đã tiến hành xâm lược nước ta 3 lần.

Trong kế hoạch bành trướng của mình, quân Mông Cổ chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ biển Đông Á sang tận vùng biển Hắc Hải, sau đó chúng tiến hành xuống phía Nam. Năm 1251, Mông Ke (Mông Kha) lên ngôi Đại hãn, ráo riết chuẩn bị xâm lược Trung Quốc. Năm 1252, Mông Ka sai Khubilai (Hốt Tất Liệt) đánh chiếm Đại Lý (quân Nguyên đổi tên là Vân Nam) lấy đó làm bàn đạp rồi mở cuộc tấn công vào Đại Việt. Cánh quân của Uryang Khadai được lệnh từ Vân Nam đánh thẳng xuống Đại Việt và từ đó đánh vào Châu Ung (nay thuộc Nam Ninh - Quảng Tây), Châu Quế (nay thuộc Quế Lâm - Quảng Tây), hội với các cánh quân khác ở Châu Ngạc. Các cánh quân hội với nhau tạo thành mũi nhọn với sức mạnh ghê gớm, tàn phá và thọc một mũi đao vào lưng Trung Quốc. Tóm lại, việc tiến quân xâm lược Đại Việt thực chất là kế hoạch thâm độc quân Nguyên Mông lấy Đại Việt làm bàn đạp nhằm xóa sổ Trung Hoa.


Quang Viện