Thứ 7, 09/11/2024, 22:25[GMT+7]

Khơi móng, đắp nền

Thứ 6, 12/04/2024 | 09:38:51
7,843 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, những người dân tiên phong “xa rừng” về vùng đất “đa hương cương” nay là các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư… sống từng nhóm nhỏ theo huyết thống. Thời điểm đó, nhóm người tiên phong này chưa mang họ, người già chỉ đạo con em theo kiểu gia trưởng, già làng. Số “làng chạ” lúc ấy chưa nhiều. Dấu tích còn sót lại ở làng Phúc Duyên (xã Văn Lang, huyện Hưng Hà), cả làng “chỉ có 1 họ”, con gái phải lấy chồng xa, con trai kén vợ thiên hạ.

Văn hóa làng và văn hóa nghề trong đó văn hóa làng là nền tảng còn văn hóa nghề được coi là nhân tố quyết định. Trong ảnh: Nghề dệt chiếu cói truyền thống làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, truyền thống văn hóa là tất cả những di sản văn hóa, sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Trong đó, văn hóa làng là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do dân làng sáng tạo ra, hội tụ, lưu truyền trong lịch sử tồn tại, phát triển của làng. Nó phản ánh cuộc sống dựng làng, giữ làng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước. Theo tài liệu nghiên cứu, thời Hùng Vương, giai đoạn Gò Mun, cả nước “Văn Lang” chưa tới triệu dân, dân số lưu vực Nam sông Luộc (nay là Thái Bình) ước tính chỉ khoảng 1 đến 2 vạn dân (bằng số dân trung bình 4 xã ngày nay).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ xã hội thời các vua Hùng (khoảng trên dưới 3.000 năm) là xã hội “công xã thị tộc” phụ hệ chi phối, nghĩa là phụ nữ nắm quyền. Dân cư ở đồng bằng thời Hùng Vương do vậy cũng bị tính thị tộc phụ quyền chi phối, người già chỉ huy, ở chung một nhà hoặc vài nhà quần tụ một khu vực nên gọi là xá. Ngày nay, trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều xã vẫn mang chữ “Xá” như Nguyên Xá (Đông Hưng và Vũ Thư); Quỳnh Xá, Mai Xá (An Bài, An Quý, huyện Quỳnh Phụ). Một vài địa chỉ còn đem danh từ miền núi về quê mới, được gọi là động (Đông Động, Đông Hưng)... Các xá, động lấy tên đất là hình thái công xã láng giềng (làng chạ), các xá, động đem ký danh họ (tất nhiên thời thuộc Hán mới gắn tên dòng họ nhưng thời Hùng là địa bàn cư trú thuần tộc thị) là các thị tộc độc lập. Một số nghiên cứu khẳng định “Trong nông thôn nước ta trước kia có hiện tượng có nhiều làng mang tên một dòng họ như: Chử Xá, Dương Xá, Hoàng Xá, Ngô Xá, có thể nghĩ rằng quan hệ dòng họ trong một thời kỳ nào đó (có thể là ở giai đoạn Gò Mun) đã có một vai trò hết sức lớn trong đời sống của cộng đồng”. Cách gọi này liên tưởng đến quan hệ họ hàng theo tên gọi ngày nay lúc bấy giờ chưa xuất hiện, song cơ sở của nó được hình thành bắt nguồn từ thị tộc nguyên thủy.

Những nghiên cứu khác cho rằng văn hóa truyền thống thể hiện tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, tư tưởng, trí tuệ và thế “ứng xử” của dân làng đối với cộng đồng, gia đình, dòng họ, xóm làng, đối với con người và cuộc sống ngoài làng (kể cả giặc ngoại xâm), đối với môi trường tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Văn hóa làng là nội lực gắn kết, duy trì sự tồn tại, phát triển làng trong lịch sử. Ngược dòng lịch sử, trở lại thời điểm nhà Trần thế kỷ XIII với 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vua tôi nhà Trần thống nhất ý chí chống giặc ngoại xâm đến cùng, bảo vệ vẹn toàn non sông gấm vóc. Câu nói bất hủ của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xin bệ hạ đừng lo” cũng chính là sự kết tinh của truyền thống yêu nước, thương nòi.

Từ khi xuất hiện làng của người Việt cổ cũng là lúc xuất hiện văn hóa làng. Theo tài liệu khảo cứu, lớp cư dân thời đại các vua Hùng trên 2.500 năm trước đã từ vùng trung du, miền núi tràn xuống khai phá miền đồng bằng trong đó có địa bàn tỉnh ta, dòng dân cư thứ 2 đông đảo hơn nhưng tới muộn hơn là cư dân Việt - Mường. Chính lớp cư dân này được thừa hưởng thành tựu nền văn minh đồ đồng thau của cư dân Văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ), Quang Vinh (Hà Tây) sớm thúc đẩy việc làm giàu cho bộ Dương Tuyền và bộ Lục Hải hình thành hàng trăm động, xá ở Thái Bình. Với rìu đồng tìm được ở Ô Cách, Đông Xá, Quỳnh Phụ (tất nhiên còn ở nhiều nơi chưa có điều kiện khai quật), lạc dân ở Thái Bình vẫn chủ yếu canh tác theo cách “đao canh thủy chủng” theo nước triều lên xuống mà làm, dùng sức người, trâu ngựa bò dẫm ruộng rồi xạ lúa. Ở những vàn cao vốn xưa là “rừng” thì làm theo cách “đao canh hỏa chủng”, phát rừng cây, đốt nương, làm rẫy. Hiện ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà có làng Rẫy. Tương truyền họ Hoàng (Vàng thuộc tộc Việt - Mường, dòng quan lang, tổ tiên quốc mẫu Hoàng Thị Mầu, thân mẫu Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng của Trưng Vương) được dân tôn là Mế đã khai thác đồng Mế (thôn Nham Lang, xã Tân Tiến), cho gia nhân làm rẫy. Bãi rẫy ấy nay là thôn An Nhân, xã Tân Tiến. Vùng ven biển Thái Thụy ở 2 xã Thụy Văn và Thụy Phong có 2 cồn cao. Đỉnh cao Thụy Phong là Man Sơn (nay trong thôn Đồng Hòa), tương truyền nơi dân man ở núi về mở ấp, bị cô lập gọi là “Man núi”, họ cũng làm nương ở đây và cả cồn “Nương”, tức thôn Hoành Sơn, xã Thụy Văn, nhưng phương pháp “đao canh thủy chủng” phổ biến hơn, làm nên nét văn hóa làng. Một góc độ khác, văn hóa làng chính là văn hóa nông thôn mà diện mạo của nó là cây đa, bến nước, xóm ngõ, đình làng, là tâm tính của những người nông dân biểu hiện trong kho tàng văn hóa dân gian, trong đất lề quê thói vốn là sản phẩm của kết cấu xóm làng với vô số những quan hệ khác nhau. Một đặc trưng văn hóa làng đó là làng nghề thủ công truyền thống. Các thế hệ người dân tỉnh ta vẫn truyền câu ca: “Gái làng Bùi, dùi Vế, Diệc” (gái làng Bùi Xá vừa đẹp người, đẹp nết, “dùi” là công cụ làm mộc của làng Vế, Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà), hay: “Gọc Đồng, gọc Đống nung vôi/Cao Dương rèn sắt nên công nhất miền” (làng Cao Dương, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy có nghề rèn nổi tiếng). Nghề thủ công ở nước ta gắn liền với làng, xã nên mới có thuật ngữ “làng nghề”. Văn hóa làng nghề bao gồm: Văn hóa làng và văn hóa nghề trong đó văn hóa làng là nền tảng còn văn hóa nghề được coi là nhân tố quyết định cho sự hình thành nên đặc trưng của văn hóa làng nghề. Những làng nghề nổi tiếng ở tỉnh ta đã đi vào thi ca như làng dệt chiếu Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, với màn đối đáp có một không hai giữa quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (thời nhà Lê): “Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon/Can chi ông hỏi hết hay còn”.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố cấu thành văn hóa về cơ bản đều có tính tương đồng như làng nghề: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi/Thì về An Lộng đúc nồi với anh” (An Lộng, xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ). Làng nghề cổ truyền, làng nghề thủ công phải nuôi sống được dân cư hoặc một bộ phận dân cư của cộng đồng làng đồng thời sản xuất ra các sản phẩm thủ công. Làng có đội ngũ thợ thủ công chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp làm nghề, có bí quyết và quy trình làm nghề nhất định. Sản phẩm của làng nghề là sản phẩm tiêu biểu của vùng miền (Bánh cáy Nguyên Xá/Khoai, ráy Động Trung/Bánh lọc thật trong/ Đô Kỳ, chợ Quếch)…

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa, các làng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nhất lại là những làng nghề. Từ di tích, phong tục cùng các tiềm năng văn hóa khác đều được giữ gìn khá tốt một điều rõ ràng so với các làng làm nông nghiệp thuần túy, làng nghề có điều kiện nhiều hơn về kinh tế. Hơn nữa, họ có tay nghề cho nên các di tích ở các làng ấy thường xuyên được tu bổ nhờ sự giúp đỡ của nhiều “mạnh thường quân” hơn, được công đức nhiều hơn. Đặc biệt là một số phong tục, nghi lễ mang tính nông nghiệp sơ khai và rất cổ lại do chính các làng nghề lưu giữ nhiều hơn là các làng nông nghiệp thuần túy.


Quang Viện