Thứ 7, 09/11/2024, 22:36[GMT+7]

Chính tông ngẫm sự

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:53:43
8,103 lượt xem
Tháng 3 năm Mậu Tý (1288), sau khi quân dân Đại Việt đập tan mưu đồ xâm lăng của quân Nguyên Mông, chiến trường im tiếng gươm khua, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cùng quần thần trở về kinh thành Thăng Long mở đại lễ mừng thắng trận thì nơi Bắc phương, đế vương nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt lại hạ đao xử tội tướng lĩnh bại trận. Cùng mùa xuân ấy, vua Trần cùng các vương hầu về Long Hưng bái yết tổ tiên, đem đám tàn binh vương vãi chiến trường về làm lễ tế cờ. Câu thơ của vị hoàng đế trẻ tuổi còn vang vọng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Nhà vua tiến hành thực hiện một số biện pháp cấp bách để xây dựng lại đất nước sau khi đã bị chiến tranh tàn phá nhằm củng cố tiềm lực quốc gia cho mọi biến động có thể xảy ra.

Thi pháo đất, một trong những hình thức luyện quân thời nhà Trần, thế kỷ XIII ở Long Hưng, đã trở thành trò chơi dân gian độc đáo được duy trì tại lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà).

Giang sơn Đại Việt nhỏ bé đã kinh qua hai cuộc chiến tranh (1285, 1288) với đội quân bạo tàn và hùng mạnh nhất thời bấy giờ là Nguyên Mông và khi chiến thắng cũng là lúc vua tôi nhà Trần phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng lại những gì đã bị quân giặc đốt phá. Miễn giảm tô thuế và tạp dịch cho nhân dân là biện pháp cấp bách. Bởi trước đó, để bảo đảm đánh chắc, thắng chắc, tháng 6 năm 1285, các vua Trần quyết định lấy thêm lực lượng ở Long Hưng, bổ sung thêm lương thảo rồi ngược dòng sông Hồng tiến đánh quân Nguyên Mông. Thế nước Đại Việt trở lại hùng mạnh, đẩy quân giặc lâm vào bị động, túng quẫn. Sử cũ ghi: Tổng quản Trương Hiển ở Đại Mang phải hạ giáo đầu hàng. Quân giặc ở Tây Kết cũng “hồn bay, phách lạc”. Các cánh quân của nhà Trần tập hợp lại với nhau tạo nên một sức mạnh như thế chẻ tre, khiến quân Nguyên Mông tan tác trên khắp các chiến trường.

Các nguồn khảo luận khẳng định, Long Hưng - Kiến Xương, cả một dải giang sơn thấm đẫm máu quân thù, nơi tông miếu xã tắc nhà Trần cũng không được ngủ yên nhưng điều không thể phủ nhận được chính là thế trận lòng dân của nhà Trần mà người dân Long Hưng thực hiện rất thành công, đem lại chiến công vang dội. Một căn cứ địa vững chắc, một thế trận lợi hại phòng tuyến chống quân xâm lược phương Bắc của Đại Việt, điều này đã giúp tướng soái quân sự lỗi lạc nhà Trần vạch ra kế sách đánh giặc chủ động, táo bạo và độc đáo. Nhân dân các lộ Đông - Nam thêm niềm tin vào sức mạnh quân triều đình, cùng trăm họ hết lòng giúp vương tộc nhà Trần liên tiếp chiến thắng quân thù. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 4 mùa hạ bàn định công dẹp giặc Nguyên, tiến phong Hưng Đạo Vương làm đại vương, Hưng Vũ Vương làm khai quốc công, Hưng Nhượng Vương làm tiết đồ sứ. Ai có công to được ban quốc tính. Trần Khắc Chung được dự vào đồng thời cho làm đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong quan nội hầu vì khi bắt được Ô Mã Nhi mà không dâng cho nhà vua, lại dâng cho Thượng hoàng. Hưng Trí Vương không được thăng trật vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở mà Vương còn đón đánh. Cho Man trưởng Lạng Giang là Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa, Hà Tất Năng làm quan phục hầu vì có đem quân người Man ra đánh bại giặc, việc thưởng tước xong, còn có người chưa bằng lòng. Thượng hoàng bèn bảo: “Các khanh quả biết giặc Hồ không lại vào cướp nữa thì hãy nói rõ cho trẫm biết. Dù có thăng đến cực phẩm, trẫm cũng không tiếc gì. Nếu không vậy mà đã vội thưởng hậu hết thì vạn nhất giặc Hồ lại đến và các khanh lại có công thì trẫm sẽ lấy gì mà thưởng, để khuyến khích thiên hạ”. Trước những nguy cơ chiến tranh tới gần, vua Trần Nhân Tông liền cho thiết triều khẩn cấp. 

Sử cũ ghi rằng: “Vào tháng 6 sai các vương hầu tôn thất mộ binh và nắm vững quân thuộc hạ của mình”. Chính sử ghi: Trong một cuộc thiết triều, vua đã hỏi Trần Hưng Đạo: “Thế giặc năm nay thế nào?”. Trần Hưng Đạo trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh. Nhờ uy binh của tổ tông và thần vũ của bệ hạ mà đã quét sạch được rợ Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân nó thì ngại việc đi xa. Vả lại, nó đã cạch về sự thất bại của Hằng và Quán, nên quân Nguyên không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem, thì tất đánh tan được chúng”. Hưng Đạo Vương đã nhận định đúng về sự tất thắng của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến tranh ác liệt với quân Nguyên Mông hung bạo sắp sửa xảy ra. Bằng cái nhìn chiến lược về cuộc chiến, vua tôi nhà Trần thấy toát lên một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân dân Đại Việt với sự lãnh đạo sáng suốt của các vị vua Trần, trong đó có vua Trần Nhân Tông. 

Dẫn nguồn khảo luận ở trên, sử liệu Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định vai trò, vị trí quan trọng số 1 trong cuộc chinh chiến với Nguyên Mông của Đại Việt, vua Trần Nhân Tông. Bởi, sử liệu ghi: “...Đỗ Hành chỉ được phong quan Nội hầu vì khi bắt được Ô Mã Nhi mà không dâng cho nhà vua (ý chỉ vua Trần Nhân Tông), lại dâng cho Thượng hoàng (Trần Thánh Tông). Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn không được thăng trật (giữ nguyên chức vị, không ban thưởng) vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở mà Vương còn đón đánh...”. 

Từ trích dẫn của Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285, 1288), vua Trần Nhân Tông là người thống lĩnh toàn bộ chiến cục, trong đó Thượng hoàng Trần Thánh Tông có vai trò cố vấn và tham chiến trực tiếp trên chiến trường không ai khác ngoài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Để giành thế chủ động trên chiến trường, nghênh chiến với quân giặc bạo tàn, Đại Việt đã ráo riết chuẩn bị phương tiện, nhân lực và khí tài để chiến đấu bảo vệ non sông với niềm tự tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng. Năm Đinh Hợi (1287) vừa qua đi, niềm tin tất thắng được củng cố bền vững cho cuộc đại chiến 1288. Sử cũ ghi: “...tháng 2,(...) có quan chấp chính xin tuyển người mạnh khỏe làm lính để tăng số quân. Hưng Đạo Vương đã không đồng ý, ngài tâu với vua Trần rằng: “Quân cần tinh, không cần nhiều. Dù nhiều đến như Bồ Kiên có 100 vạn quân, có làm gì được đâu?”. Vua Trần Nhân Tông nghe vậy không đôn quân bắt lính, nhà vua còn “đại xá thiên hạ”, thể hiện chính sách ổn định lòng dân. Đợt đại xá lần này cách đợt trước chưa đầy nửa năm. Nhà vua yêu cầu thuộc hạ khẩn trương thực hiện, bởi trong lúc vận nước nguy nan, giặc ngoài rình rập thì việc đại xá thiên hạ thể hiện tính nhân đạo của triều đình nhà Trần và thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhà vua với muôn dân.

Với sự chuẩn bị về tinh thần lẫn vật chất như vậy, quân dân Đại Việt sẵn sàng đón nhận các cuộc chiến đấu ác liệt nhằm bảo vệ non sông gấm vóc của mình. Cuối năm 1287 bước sang đầu năm 1288, Trấn Nam vương Thoát Hoan hằn học vì bại trận đã quyết quay trở lại Đại Việt để rửa nhục. Hắn cầm đầu toán quân 50 vạn binh chủ lực, khát máu, được trang bị thêm những chiến thuyền cỡ lớn. Tháng 2 năm 1288, chúng đặt chân tới kinh thành Thăng Long. Không thấy có sự phản kháng nào, chúng giật mình. Lúc đó, tham chính Ô Mã Nhi hằn học vì bị coi thường đã đốc thúc quân lính tức tốc tìm đường đuổi bắt các vua Trần. Đám thủy quân của Ô Mã Nhi đi dọc các triền sông, tràn về Long Hưng lùng sục tàn phá làng quê yên bình, nơi có mộ phần của tổ tiên nhà Trần nhưng chúng không hề thấy dấu vết, tăm hơi các vua Trần.

Quang Viện