Thứ 7, 23/11/2024, 10:02[GMT+7]

Hình luật khoan hòa

Thứ 2, 27/05/2024 | 08:37:33
7,725 lượt xem
Sách Kiến Văn Tiểu Lục của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn có ghi: “Bởi vì nhà Trần (1226 - 1400) đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với đất trời, há phải dễ đời sau sánh kịp”.

Vật cầu - một hình thức luyện quân của Tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hạo, chỉ huy đội quân Tinh Cương vẫn được duy trì và tưởng thể trong lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Xác định thế nước còn gian lao, vận nước không tránh khỏi nạn ngoại bang xâm lấn, nhà Trần luôn ý thức được nguy cơ nổ ra chiến tranh, do vậy vào năm 1250, triều đình nhà Trần đã quyết định cho lập một khu kho gạo lớn nhất ở An Hiệp trang (nay thuộc các xã An Hiệp, An Đồng, An Thái, huyện Quỳnh Phụ), đồng thời cử viên tướng trẻ trong hoàng tộc là Trần Quốc Tuấn làm Thượng vị hầu trấn thủ. Lương thực đủ mạnh để kéo dài cuộc chiến chống xâm lăng và vì thế nhà Trần rất chú trọng đến việc tuyển mộ binh lính. Lúc đó, hai lộ Long Hưng, Kiến Xương cũng được chọn làm nơi tuyển mộ binh lính. Trai tráng lộ Long Hưng được tuyển mộ vào các quân hiệu: Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần. Người Kiến Xương thì được lấy vào quân Thánh Dực và Thần Sách. Ngoài ra, các vương hầu hoàng tộc cũng lấy lực lượng nô tỳ hợp với dân tráng quanh các điền trang, thái ấp của Long Hưng - Kiến Xương lập nên các đội quân “vương hầu, gia đồng” có nhiệm vụ tại chỗ hết sức quan trọng khi đất nước có binh biến, đồng thời là lực lượng dự trữ tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258). Một trong những đội quân “vương hầu, gia đồng” quý hiếm đó là đội quân Tinh Cương ở đất Ngự Thiên (nay là huyện Hưng Hà) thuộc quyền kiểm soát và chỉ huy của Tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hạo.

Các nguồn khảo luận cho biết, do chiến tranh liên tục xảy đến nên nhà Trần trừng phạt nghiêm minh: Kẻ nào đào ngũ sẽ phải chặt ngón chân, nếu tái phạm kẻ đó sẽ bị voi giày. Về tuế bổng chỉ có quân túc vệ được hưởng còn quân các đạo khác thì khi yên ổn chia phiên về làm ruộng cho đỡ tốn công quỹ. Nhà Trần gọi đó là kế sách “ngụ binh ư nông”, nghĩa là gửi lính vào dân tăng gia sản xuất. Cũng theo các nguồn khảo luận, khác với nhà Lý, nhà Trần sớm ý thức “có thực mới vực được đạo” nên chính sách khuyến nông được chú trọng “xem sự đủ ăn là nguyện vọng của dân, lấy việc cấy cày là gốc của nước”. Do ý thức được điều quan trọng đó nên các thân vương, hoàng tộc nhà Trần nhanh chóng cắt đặt, chia đất xây dựng thôn trang, thái ấp mà những vùng đất này vốn dĩ đã được khai thác từ thời nhà Lý. Cũng do có chính sách khuyến nông của triều đình, các vương hầu, công chúa, cung phi cũng hăng hái huy động nô tỳ, chiêu mộ dân nghèo tới “an cư lạc nghiệp” để khai khẩn đất hoang các vùng đất bãi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và vươn ra tận những bãi bồi ven biển. Sau một thời gian không dài, tiềm lực kinh tế đã được khôi phục vững mạnh, miền đất “ven bờ cuối bãi” đã được đánh thức tiềm năng. Với tầm nhìn thoáng, rộng và đầy nhân ái, các vua Trần xác định, là người Việt, máu đỏ, da vàng đều là con dân Đại Việt, nên việc Thượng hoàng Trần Thánh Tông ra lệnh đốt tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc (quân Nguyên Mông), mà quân đội nhà Trần đã thu giữ được là nhằm bớt đi nỗi đau sau chiến tranh đè nặng giang sơn mòn mỏi. Những người này đều được xung vào đội quân khai hoang, tăng gia sản xuất ở những vùng đất mới bồi đắp như vùng Kiến Xương, Tân An... 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trước kia khi người Nguyên vào cướp, vương hầu quan liêu phần nhiều đến dinh xin quy phục. Đến khi giặc thua, bắt được một hòm các tờ biểu xin đầu hàng, Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc”... Các nghiên cứu đồng thuận nhận định: Những việc làm nhân nghĩa của vương triều Trần chứng tỏ một đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất nước sau chiến tranh, làm cho mọi người dân cảm thấy yên tâm lao động xây dựng giang sơn, thể hiện tấm lòng “khoan dung, độ lượng” của các bậc đế vương đối với một bộ phận dân chúng lỡ lầm tin giặc. 

Theo sử cũ, vào năm 1250, triều đình nhà Trần đã quyết định cho lập một kho gạo lớn nhất ở An Hiệp trang, đồng thời cử viên tướng trẻ trong hoàng tộc là Trần Quốc Tuấn làm Thượng vị hầu trấn thủ. Lương thực dự trữ đủ mạnh để kéo dài cuộc chiến chống xâm lăng của kẻ thù và vì ổn định lương thảo mà nhà Trần rất chú trọng để tâm đến việc tuyển mộ binh lính, xây dựng quân đội hùng mạnh. Lúc đó, hai lộ Long Hưng (nay là Hưng Hà) và Kiến Xương cũng được chọn làm nơi tuyển mộ binh lính. Trai tráng lộ Long Hưng được tuyển mộ vào các quân hiệu: Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần. Người Kiến Xương thì được lấy vào quân Thánh Dực và Thần Sách. Ngoài ra, các vương hầu hoàng tộc cũng lấy lực lượng nô tỳ hợp với dân tráng quanh các điền trang, thái ấp của Long Hưng - Kiến Xương lập nên các đội quân “vương hầu, gia đồng” có nhiệm vụ tại chỗ hết sức quan trọng khi đất nước có binh biến, đồng thời là lực lượng dự trữ tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Nền công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Đại Việt được triều đình nhà Trần chú trọng. Theo nguồn khảo luận, nhiệm vụ xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau chiến tranh là nhiệm vụ “bất khả kháng”, bởi kinh thành, đình, chùa... và nhà dân bị quân giặc bạo tàn đốt phá. Tình trạng kinh thành Thăng Long năm 1285, khi Thoát Hoan kéo quân đến chiếm kinh thành, Nguyên sử chép: “Cung thất có năm cửa, trên đề là cửa Đại Hưng, hai bên có cửa nách, chính điện có chín gian đề tên là Thiên An ngự điện, cửa chính nam đề là Triều Thiên các”. Tuy nhiên, giặc Nguyên Mông vì uất hận không bắt được vua Trần nên đã hạ tay phóng hỏa thiêu rụi kinh thành. 

Cứ theo Nguyên sử chép, hậu thế có thể hình dung nền “công nghiệp sản xuất” gạch, ngói và các vật liệu xây dựng cùng đội ngũ nghệ nhân lành nghề của Đại Việt rất phát triển. Các vua Trần có tầm nhìn xa trông rộng, vừa kiến thiết đất nước vừa dự trữ lương thảo, huấn luyện dân binh sẵn sàng vào cuộc chinh chiến gian khổ lâu dài chống giặc ngoại bang.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Ngày mồng 6 tháng 6 năm Ất Dậu (1285) khi vua Trần Nhân Tông vừa khải hoàn trở về Thăng Long thì một trong những công việc đầu tiên mà nhà vua làm là “sai trung phẩm phụng ngự Đặng Du Chi đưa bọn tể thần của Chiêm Thành là Bà Lậu Kê Na Liên Cọng 30 người về nước, vì đi theo Toa Đô mà bị bắt”. Việc “áp giải” bọn giặc Chiêm Thành “về quê”, thả cho chúng hồi hương, tha cho chúng mạng sống rõ ràng thể hiện một bước đi ngoại giao, nhằm ổn định và thiết lập quan hệ hữu nghị tốt lành với nước láng giềng phía Nam, mà chính sử đã ghi: Gần 10 năm kể từ khi lên ngôi vua Trần Nhân Tông đã ra sức vun đắp và bồi dưỡng. Theo nhìn nhận của các sử gia thì đây là một chiến lược ngoại giao lâu dài và nhất quán, đã đem đến hoa tươi trái ngọt cho quốc gia Đại Việt, khi hai châu Ô Mã và Việt Lý đã trở thành một bộ phận không thể phân ly của Tổ quốc vào năm 1306.


Quang Viện