Thứ 7, 23/11/2024, 09:26[GMT+7]

Ảnh xạ Việt Chăm

Thứ 2, 08/07/2024 | 08:42:27
6,149 lượt xem
Nhà bác học, danh nhân văn hóa thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn có chép trong “Phủ biên tạp lục” về nền văn minh Champa (Chăm). Ghi chép cho biết, người Việt đã sử dụng các giống lúa nếp và lúa tẻ của người Chăm như nếp chăm, lúa chăm bạc, lúa chăm hót, lúa chăm xa, cùng với các giống lúa khác. Thời nhà Trần (1226 - 1400), sau những lần chinh phạt Chiêm Thành và đặc biệt là cuộc hôn nhân “đổ vỡ” giữa Chế Bồng Nga (vua Chiêm Thành) và công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, khi được giải cứu về nước sau cái chết của vua Chăm, công chúa cùng nữ tì của mình là ngọc nữ Phương Dung mang theo nhiều “đặc sản văn hóa Chăm” về Đại Việt, trong đó có nghề mây tre đan và giống lúa Chăm gieo cấy vào vụ xuân, dân gian thường gọi là lúa Chiêm.

Lễ giao chạ diễn ra tại chùa Hội đồng, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà - nơi thờ Huyền Trân công chúa với trang phục và nhã nhạc được xác định là đậm chất văn hóa Champa.

Theo các tài liệu khảo cứu, văn hóa Champa (Chiêm - Chăm) là một trong hai nền văn minh (văn minh Champa và sông Hồng) phát triển nhất trong lịch sử các vương triều Lý, Trần, Lê…. Những câu ca: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Nghe tiếng sấm động, phất cờ mà lên” hay “Chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay”… đã phản ánh phần nào văn hóa Chăm trong nền văn hóa Đại Việt, đặc biệt trong triều đại nhà Trần. 

Cũng theo các nghiên cứu về văn hóa Chăm, trong những thế kỷ tồn tại song song với văn hóa Việt, văn hóa Champa có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các chủ thể văn hóa cung đình Đại Việt. Hòa cùng văn hóa Đại Việt, văn hóa Chăm từng bước tích hợp với văn minh sông Hồng, làm phong phú nền văn hóa Đại Việt. Văn hóa Chăm đã thẩm thấu sâu vào văn hóa Việt, đem lại cho văn hóa Việt ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam sự hòa quyện giữa văn hóa Việt Nam và Chăm ở các yếu tố văn hóa biển, văn hóa cao nguyên (rừng) vốn thiếu vắng trong cấu trúc văn hóa của người Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, làm cho văn hóa Việt Nam có đủ ba yếu tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa biển, văn hóa cao nguyên (rừng - núi).

Theo tài liệu nghiên cứu của nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Phan, trong nhiều năm điền dã, ông đã thu thập được hàng chục câu tục ngữ, ca dao nói về kinh nghiệm gieo trồng các giống lúa chiêm và vai trò không thể thiếu của các giống lúa này đối với đời sống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Mạ mùa sướng cao, mạ chiêm ao thấp; Mạ chiêm đào sâu chôn chặt, mạ mùa vừa đặt vừa ăn; Ruộng cao trồng màu, ruộng sâu cấy chiêm; Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bấc là duyên lúa mùa; Chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay; Đom đóm bay ra, trồng cà tra đỗ, tua rua bằng mặt, cất bát cơm chăm (cơm chiêm); Chiêm khôn hơn mùa dại; Mùa hơn đêm, chiêm hơn sướng; Lúa dé là mẹ lúa chiêm; Mùa nứt canh, chiêm xanh đầu; Mạ chiêm không có bèo dâu/Khác nào như thể ăn trầu không vôi… 

Theo các nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa Chăm với nền văn minh nông nghiệp của Đại Việt, dải đồng bằng hiếm hoi ở miền Trung còn có núi rừng và biển cả, hai loại hình sinh thái (biển và rừng) đều có cả ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng sau hàng ngàn năm thích nghi với không gian đồng bằng châu thổ, người Việt đã “xa rừng, nhạt biển” đến mức núi rừng và biển cả không có vai trò nào quan trọng trong văn hóa của Đại Việt nữa. Một đặc điểm nổi bật ở đồng bằng miền Trung là nhỏ hẹp, cằn cỗi. Thời xa xưa, để tồn tại được, người Chăm đã biết kết hợp 3 loại hình văn hóa biển, đồng bằng và văn hóa cao nguyên (rừng, núi). Khi lưu cư lại trên dải đất miền Trung của Đại Việt cũng như lực lượng tù binh hoặc chiến lợi phẩm là người và sản vật của Chiêm Thành mà quân đội nhà Trần, nhà Lê thu được sau cuộc chiến mang ra kinh thành Thăng Long và phụ cận, người Chăm đã dần dần chuyển giao cho con cháu họ và người Việt cộng cư những sở trường, tri thức của mình trong việc khai thác không chỉ đồng bằng mà cả núi rừng và biển khơi. Trên cơ sở thích nghi, sáng tạo và tiếp biến truyền thống văn hóa của người Chăm, người Việt ở miền Trung đã mạnh dạn lên rừng, xuống biển. Để có thể mưu sinh lập nghiệp trên một đồng bằng “đất cày lên sỏi đá”, họ đã hình thành các nghề khai thác thủy, hải sản như làm mắm, làm muối và trồng trọt các đặc sản núi rừng như trầu, chè, tiêu, quế, mây tre, lá nón, mật ong, trầm hương… 

Theo nhiều tài liệu khảo cứu về văn hóa ẩm thực, do ở bên cạnh biển, mưu sinh bằng các nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cư dân ở vùng này có một đặc trưng chung trong văn hóa ẩm thực là bữa ăn giàu chất biển và nhiều vị cay để hóa giải mùi tanh và quân bình âm dương với các thức ăn thủy sản. Bên cạnh những món ăn gốc Bắc Việt của Đại Việt “cơm cá, mạ con”, người Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ còn có thêm những thực phẩm cải tiến từ các món ăn của người Chăm như bánh tét, mắm nêm... 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong cách thức tổ chức xã hội cổ truyền người Việt có họ tên từ thời Bắc thuộc, theo chế độ gia đình phụ hệ, hình thức tiểu gia đình, tổ chức quần cư thành đơn vị làng xóm theo kiểu công xã nông thôn. Còn người Chăm vốn chỉ có tên chứ không kèm theo họ, theo chế độ gia đình mẫu hệ, hình thức tiểu gia đình và đại gia đình, tổ chức quần cư thành đơn vị palei theo kiểu liên minh thị tộc. Vì vậy, văn hóa Chăm - Việt lúc này khó dung hợp với nhau về cách thức tổ chức xã hội cổ truyền. Tuy vậy, sau nhiều thế kỷ cộng cư, giao thoa văn hóa Chăm vẫn để lại ảnh hưởng là những dòng họ người Việt gốc Chăm, thời nhà Trần, vua ban quốc tính cho nhiều tướng lĩnh người Chăm có công lao giúp Đại Việt trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Tín ngưỡng, phong tục, lễ hội trong thời trung đại người Việt chủ yếu theo đạo thờ cúng tổ tiên, Nho giáo và Phật giáo. Còn người Chăm theo vật linh giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo Bani. Đặc biệt, gắn bó với văn hóa mưu sinh trên môi trường đồng bằng và biển cả, văn hóa Chăm rất sùng kính các thần linh như Đại Càn Thánh Mẫu; Đại Càn Nam Hải Đại vương (Tục thờ cá ông), ở tỉnh ta còn duy trì ở nhiều xã ven biển của huyện Thái Thụy...

Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các nghi lễ tôn giáo trong văn hóa Chăm - Việt kéo theo những phong tục và lễ hội rất đặc trưng trong các hoạt động lễ hội bao gồm cả bốn loại hình lễ hội truyền thống ở Việt Nam như lễ hội nghề nghiệp; lễ hội tưởng niệm danh nhân, anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và đại lễ. Nhưng, điểm khác biệt giữa Thái Bình với các vùng văn hóa khác là lễ hội trình nghề (Trống làng nào làng ấy đánh/Thánh làng nào, làng ấy thờ) chiếm ưu thế hơn tất cả các loại lễ hội khác.

Theo các nghiên cứu đã được thẩm định, các điệu múa dân gian như múa đội nước, múa quạt, múa kiếm, múa vải chài, múa khăn vẫn được lưu truyền ở nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh ta. Chính vì vậy, như lịch sử đã ghi nhận, âm nhạc và vũ đạo cung đình Champa là một cội nguồn chủ yếu của âm nhạc và vũ đạo cung đình của hai thời đại Lý (1010 - 1225) và thời Trần (1226 - 1400). Một số nhạc cụ của dàn nhạc bát âm Việt như đàn nhị, đàn bầu, kèn lá... và các điệu múa như múa chèo (chải) cạn (hiện còn duy trì trong lễ hội chùa Keo), múa bả trạo, các trò chơi đua ghe, bơi chải (còn duy trì ở các lệ hội đình Lại Trì (Tây Sơn, Kiến Xương; Diêm Điền, Thái Thụy)... cũng có nguồn gốc từ âm nhạc, vũ đạo và lễ hội dân gian của người Chăm. Đối với di sản của văn hóa Champa, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền tháp chính là thành tựu ấn tượng nhất.


Quang Viện