Thứ 7, 23/11/2024, 10:00[GMT+7]

Thánh mẫu sông Diêm

Thứ 2, 29/07/2024 | 08:29:44
12,904 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu, vào thời kỳ hậu Hùng Vương, vùng đất nay thuộc huyện Thái Thụy đã hình thành. Địa hình đương đại, vùng biển Thái Thụy có đặc điểm đất đai chia thành hai vàn cao, thấp rất rõ ràng. Sát bờ biển hiện tại là dải cồn hẹp, chiều ngang rộng nhất (được xác định tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy hiện nay) cũng chỉ rộng 4km, nhưng chiều dài liên tục trên 20km từ đỉnh gồ Gai (Thụy Trường), qua các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, thị trấn Diêm Điền tới tận nút cuối Mai Diêm (Diêm Điền nay). Tại Thụy Trường có tới 5 đỉnh đạt cao độ dương 2m. Tại Mai Diêm cũng có dải triền dài 2km, cao trên dưới 2m. Cồn Động Khẩu, làng An Cố (xã Tân An) là một cù lao cát sát vòng cung cát ven biển đạt độ cao trung bình từ 1,2m - 1,4m (theo ước lệ, thời Hùng Vương thứ 18, gò đất cao tới 20m).

Dòng Diêm Hộ chảy qua địa phận các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy đổ ra Biển Đông là nguồn nước ngọt dồi dào, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Truyền kể rằng, vào đời vua Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18), tại trang An Cố, tổng Bình Lạng, huyện Thụy Anh nay là xã Tân An, huyện Thái Thụy có cụ Phạm Hải, lấy bà Trần Thị ở ấp Hoa Diêm (nay là thôn Mai Diêm, cạnh cảng Diêm Điền, thị trấn Diêm Điền) vợ chồng “cầm sắt” hòa hợp, chuyên làm điều phúc, thường hay du lãm đến các đền, chùa cúng thần linh, cúng Phật cầu tự. Thuở ấy, Vĩnh giang (tức sông Đào Động, chảy qua cửa đền Đức Vua cha Bát Hải, thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ), sông có bề ngang rất rộng, ước chừng cả “cây số”. Dân Hoa Đào trang cư trú dọc hai bên sông, một bộ phận dân cư đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và khai khẩn bãi bồi cấy lúa, số đông vẫn làm nghề chài lưới đánh bắt tôm cá trên sông... Một ngày ông bà đi lễ, đến trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) có một người con gái đến trước mặt sụp lạy và thưa rằng: “Con là kẻ tha hương, cha mẹ sớm mất, không nơi nương tựa, nay gặp ông bà hiền đức, xin bề trên rộng lượng cho con được hầu hạ”. Ông bà thấy cô gái tuy áo rách, xiêm tàn nhưng gương mặt thanh tú, thần thái tươi tắn, “lời ăn, tiếng nói” dễ nghe liền đưa về quê, đặt tên là Quý Nương, ban cho xiêm lĩnh, dung nhan càng rạng rỡ bội phần, lại cho học với bạn cùng trang lứa, học vấn vượt xa các môn sinh.

Vào tuổi “đôi tám” Quý Nương dung nhan tuyệt trần, tóc như sóng biển, mắt tựa sao trời, da đẹp như ngọc không khác gì thủy tiên cửa Bắc Hải động đình. Trai trong vùng tranh nhau đệ thiếp, vấn danh nhưng “lá ngọc cành vàng” vẫn không động lòng, lầu son, gác tía vẫn trướng rủ, mành che. Một ngày Quý Nương về thăm tổ mẫu tại trang Hoa Diêm, gặp buổi trời trong, gió mát, sóng nước lao xao, liền ra biển tắm. Nước biển mơn man thấm vào da thịt, sóng biển ôm ấp mình vàng, tâm hồn Quý Nương như lọt vào thủy động. Vừa lúc định lên bờ thay xiêm, đổi áo, bỗng thấy cát bụi mù mịt, mây đen vần vũ, sấm chớp kín trời... một con Giao Long thân dài 9 thước cuốn lấy mình Quý Nương, cuộn ba vòng, khi ấy trời ngát hương thơm, sóng ca điệu nhạc, Quý Nương mơn man bất tỉnh, sau đó mang thai. “Duyên tiên chưa nẩy nét đầu”, phận liễu đã sinh điềm lạ, Quý Nương thường phiền muộn. Phụ thân gọi vào thư phòng dạy rằng “Nhà ta nối đời làm phúc, trời làm khí thơm, thủy thần hợp cẩn, chưa chắc đã không phải là điềm lành”. Sắp đến ngày “mãn nguyệt khai hoa”, để tránh miệng thế gian eo óc, Trần mẫu đưa con lánh về Hoa Đào trang, nơi ông bà đã gặp Quý Nương sinh sống khi còn nhỏ. Quý Nương mang thai 13 tháng, vào đúng đêm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Tỵ, đến kỳ mãn nguyệt, Quý Nương sinh ra một cái bọc, lúc lọt lòng, ánh hào quang sáng rực, hương thơm ngào ngạt. Tương truyền nơi Quý Nương sinh hạ chính là ở đất đền Sinh, đình Dất sau này. Sau khi sinh, Quý Nương lo sợ, ôm bọc thai thả xuống sông Vĩnh. Cũng đêm ấy, có một người cất vó bên sông, khi kéo vó thấy cái bọc đã vứt ra nhiều lần nhưng bọc lại cứ trôi vào vó, cực chẳng đã, ông rạch bọc ra. Bỗng, trời đang đêm đen mà ánh sáng chói lòa, ông chài kinh hãi. Từ trong bọc chui ra ba con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn, con lớn nhất (chính là Thái tử Giao Long) vượt sông, lên bờ, chui vào náu thân trong một giếng nước (đó chính là giếng thiêng trong Cấm cung đền Đồng Bằng - đền Vua Cha Bát Hải ngày nay), còn hai Hoàng Xà nhỏ bơi dọc sông Vĩnh hướng ra phía biển, một con tạt vào trang Thanh Do (nay thuộc xã Thụy Thanh), con nhỏ nhất bơi đến tận trang Hoa Diêm cuối sông, nay là bến cảng Diêm Điền.

Truyền ngôn, cuối đời Hùng Duệ Vương, giặc Thục đem quân lấn cõi, lương thần võ tướng dốc lòng phò tá song không phá nổi vòng vây, liền lập đàn xin thần linh phù trợ, sắp vãn đàn bỗng thấy một vị thiên sứ cưỡi mây ngũ sắc, mình mặc áo vàng, tay cầm cờ vàng trực giáng bảo rằng: “Nhà vua chớ lo, Ngọc Hoàng đã cho ba Hoàng tử Long vương đầu thai vào nhà họ Phạm. Hoàng cả, đang ngự trang Đào Động, Hoàng hai ngụ tại Thanh Do, Hoàng ba đang ngự tại Hoa Diêm đều là hậu duệ rồng tiên tài giỏi, nếu được ba vị ấy giúp, giặc lớn sẽ yên”. Hùng Vương cho truyền chỉ gọi ba chàng ra đánh giặc, con rắn lớn hóa thành chàng trai tuấn tú, ánh mắt rực sáng, đem theo cả thuồng luồng, rồng, rắn, cá sấu trình tấu vua Hùng, chỉ trong vòng 10 ngày giặc đã bị đánh tan. Sau khi đánh thắng giặc trở về, người con cả của Quý Nương được vua phong là Trấn Tây A Tam Vĩnh Công, Bát Hải Đại Vương. Hai người em cũng được sắc phong vì đã góp sức cùng anh ra trận. Dân Hoa Đào trang lưu truyền câu ca: Năm Canh Dần tháng tám giờ Mùi/Thái hậu sinh được tức thì ba ông/Đức vua Đệ Nhất bẩm sinh Đào Động/Từng tiết ra khí chất anh hùng/Oai phong đầy khắp Thiên Đình/Làm mưa làm gió phá thành lấp sông/Đức vua Đệ Nhị trí lực thần thông/Xách non, lấp biển, ngăn sông Hải Hà/Đức vua Đệ Tam lắm phép oai hùng/Sông Ngân cũng vượt, bể rừng lướt qua... Giặc tan, đất nước trở lại thanh bình được mấy năm thì Quý Nương qua đời... Vĩnh Công thương xót, làm tang chu đáo, hương khói thờ phụng Từ Mẫu. Lại lập miếu thờ, miếu tọa lạc ngay trên gò đất tạo dựng đền Sinh, đình Dất sau này. Để ghi nhớ công lao Quý Nương đã sinh hạ cho đất nước những người anh hùng cái thế, các triều sau đều gia phong mỹ tự và cho tu bổ linh từ thờ phụng bà.

Một truyền ngôn khác kể rằng: Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý Nương ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng bơi tới quấn lấy Quý Nương, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên bờ sông và thuồng luồng đã bỏ đi. Từ hôm đó, nàng thấy trong lòng chuyển động. Không chịu được những lời dèm pha, khinh thị, Quý Nương liền bỏ làng ra đi, đến ngụ tại trang Hoa Diêm (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ, Quý Nương chuyển dạ, sinh ra một cái bọc. Cho là điềm chẳng lành, Quý Nương liền đem chiếc bọc đó quẳng xuống sông, chiếc bọc trôi theo dòng nước đến trang Đào Động (nay là xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh lấy làm lạ, liền khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy giao rạch thử xem sao”. Khấn xong, ông Minh rạch bọc ra, bỗng thấy ba con rắn chui ra trườn xuống sông. Con thứ nhất theo hướng về cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Diêm, nơi Quý Nương đang nương náu. Nhân dân các trang ấp đều sợ hãi, cùng ra bờ sông khấn vái, xin được lập sinh từ để thờ.


Quang Viện