Thứ 7, 21/09/2024, 06:47[GMT+7]

Hỏa đầu cầu Lê

Chủ nhật, 04/08/2024 | 07:43:06
4,474 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu, ở làng Lưu Xá thuộc vùng Hải Ấp (nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) thế lực họ Lưu rất mạnh. Lưu Ngữ vốn quê ở Cửu Chân (Thanh Hóa), giỏi thi thư, văn võ kiêm toàn, theo Lê Hoàn từ buổi đầu đến với Đinh Bộ Lĩnh. Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Lê Hoàn lên ngôi, ông được phong chức Đô Hỏa đầu, phong ấp tại ngã ba Cửa Luộc (nay là cửa Đào Thành, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà). Lưu Ngữ là người trực tiếp phò tá vua Lê Long Đĩnh (con vua Lê Đại Hành) đi đánh Ngự Bắc Vương Mạt Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên nay); đánh Lê Hấp Ni và 12 tướng nổi loạn ở Lê Xá (thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), nên ở Dương Xá vẫn lưu truyền câu ca: “Cầu Lê, quán Bún thờ Lê Ngọa triều”. Do bất đồng chính kiến với Lê Long Đĩnh, Lưu Ngữ đã liên kết với sư Vạn Hạnh và Chi hậu Đào Cam Mộc lo việc thay đổi vương triều từ Lê sang Lý...

Miếu thờ Khâm Thiên vương Trần Nhật Hiệu (tức Hạo), xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Các nguồn sử liệu cho biết, thời Hùng Vương, kinh tế địa hạt Thái Bình nay hái lượm là chủ yếu, khi rừng Búng (Việt Hùng, Vũ Thư), rừng Báng (Quang Lang, Thái Thụy) thành làng mạc trù phú; lúa Ma, lúa Trời (Ô Mễ, Tân Bình, Vũ Thư) đã được lai tạo thành lúa Ngoi, lương thực đủ ăn thì việc săn bắn cũng dần tiêu biến, dấu vết chỉ còn làng Thú ở Hưng Hà; Vũ Thư có làng Gà, các làng mạc khác có nhiều chồn, cáo, chim, chuột, rắn, ếch… Theo số liệu điền dã, số người làm nghề chuyên bắt rắn, ếch… ở tỉnh ta đến đầu thế kỷ XX vẫn còn, khẳng định thời xưa các thợ săn, bắt cầm thú ở tỉnh ta rất đông… Thuở trước, dân chài lưới ở tỉnh ta do có nhiều sông, nhiều bãi bồi phù sa nên cá, tôm nhiều vô kể, số “Lang” hộ và làng chài rất đông, có lúc, có vùng dân chài vì giàu có còn khuynh loát được cả dân trồng lúa, họ là chủ mua nông phẩm mồi chài, buôn bán và đến đầu thế kỷ XIII, “cánh chài” họ Trần ở Long Hưng còn trở nên hùng mạnh, thế lực át cả vương triều Lý. Đến thế kỷ XV, dân chài Dương Kinh (Hải Phòng nay) dựa vào đất này còn lấy được ngôi nhà Lê (Mạc Đăng Dung giết vua Lê Tương Dực, soán ngôi). 

Sử liệu cho hay, sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn rằng: “Mới rồi bản tự thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ thấy người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng thân vệ...”. Lý Công Uẩn sợ lộ, đem giấu sư ở chùa Tiên Sơn (Bắc Ninh). Hữu Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê và Đô Hỏa đầu Lưu Ngữ cũng lần lượt tìm gặp Lý Công Uẩn thuyết phục: “Gần đây Chúa thượng ngu tối, bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều việc khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nhao nhác mong tìm chân chúa. Sao quan thân vệ không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán... trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ muốn khư khư giữ tiểu tiết làm gì”. Lưu Ngữ lại nói thêm: “Tôi với ông là bạn đồng liêu, cùng tôn thờ Tiên đế. Nay vua mới (ám chỉ Lê Long Đĩnh) độc ác, trời oán, dân ghét, ông nên sớm liệu tính. Tôi nay đã già, không kham nổi việc lớn, chỉ mong sớm được hưu nhàn, song nguyện đem con em phù tá, chỉ mong ông khi nên nghiệp lớn giúp đỡ con cháu Lưu gia nên người”... Lý Công Uẩn tỏ vẻ lo sợ, trách Lưu Ngữ, sau cùng thuận cho Lưu Ngữ đem quân sĩ bí mật vào cung… Ngày Tân Hợi, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) Lê Long Đĩnh mất. Ngay hôm ấy tất cả triều thần nghị bàn: “Hiện nay dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc, bạo ngược không muốn theo về vua nối, đều có lòng suy tôn quan Thân vệ (Lý Công Uẩn), ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập quan Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta còn giữ được cái đầu hay không”. Nhà Lý đã thay ngôi nhà tiền Lê, trong triều có Tô Trung Từ, sử liệu không ghi năm sinh, ông quê làng Phù Ngự, huyện Ngự Thiên, nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà. Do sử liệu không ghi chép nên khó xác định Thái ấp của Thái úy Tô Trung Từ. Nguồn sử liệu chỉ ghi, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung còn nhỏ ở với cậu ruột là Tô Trung Từ. Sau nội chiến, Tô Trung Từ bị Vương Thượng sát hại, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung thờ ông ở làng Ngừ, bởi thế con cháu họ Tô vẫn về đây theo giỗ. Về danh nghiệp ông, các bộ sử đều chép khá kỹ, dưới đời Lý Cao Tông, ông là trọng thần được đặc trách quản dân vùng Long Hưng. Sự biến năm 1109, Quách Bốc chiếm kinh thành, tôn hoàng tử Thầm làm vua, ông cùng Trần Lý đón Thái tử Sảm về hành cung Ngự Thiên (xã Hồng An, huyện Hưng Hà), sau lại đưa Thái tử về phủ đệ họ Lưu ở Lưu Xá (bấy giờ Khánh Đàm đã mất, do con cháu họ Lưu thừa kế, nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân), sai gia nhân triệu hào kiệt các phủ lộ kề cận đến yết kiến, đem cháu ngoại là Trần Thị Dung dâng Thái tử. Ông được Thái tử đặc cách phong chức Điện tiền chỉ huy sứ, cho quyền chiêu mộ hương dũng hai phủ lo việc cứu giá. Thanh thế đã mạnh, Tô Điện súy sai người đi Hưng Hóa đón vua Lý Cao Tông về kinh, vâng lệnh vua cùng dẫn quân về Thăng Long dẹp loạn Quách Bốc. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1210), Cao Tông băng hà, đầu năm 1211 nội tình triều đình vua Lý Huệ Tông phân liệt. Thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quảng vâng lệnh Đàm Thái hậu muốn chống lại họ Tô, họ Trần, đem quân cản đường Phạm Bố đi đón Trần Thị Dung lập nguyên phi. Đích thân quan Điện tiền phải cầm quân đánh dẹp, mở đường đón nguyên phi vào cung. Từ đây ông được phong chức Thái úy Phụ chính, đứng trên trăm quan, giúp đỡ vua trẻ (Lý Huệ Tông) trị vì. Theo tài liệu khảo cứu, trong khoảng 3 - 4 năm, Tô Trung Từ vất vả dàn xếp nội chính, Đoàn Thượng không dám thao túng Lộ Hồng (Hải Dương nay), Nguyễn Nộn tạm im tiếng vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, ông bị cựu thần nhà Lý nghi ngờ tiếp tay cho họ Trần ở Long Hưng. Ông bị Vương Thượng sát hại, người đương thời ngờ rằng đó là cái bẫy của Vương Thượng và phái thủ cựu muốn triệt hạ trọng thần của vua Lý. 

Theo các nguồn sử liệu: “Kỷ Tỵ, Trị Bình Long ứng năm thứ 5 (1209) Hoàng Thái Tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia, Hải Ấp, nghe nói con gái của Trần Lý tài sắc vẹn toàn bèn đem lòng yêu. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng cùng nổi lên làm giặc. Thái tử (Sảm, tức Lý Huệ Tông) đã lấy con gái Trần Lý, trao cho Lý tước Minh Tự (ngang với hàng cháu vua), phong cho cậu người con gái ấy (tức cậu ruột Trần Thị Dung) là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”...

Theo sử liệu, họ Trần ở Hải Ấp làm nghề đánh cá, nhưng đến đời Trần Hấp đã lên bờ, làm ruộng và giàu có, ông mới có thể “môn đăng hộ đối” với gia đình đại quý tộc họ Tô, hỏi chị gái quan đương triều Tô Trung Từ cho con trai mình là Trần Lý và đến đời Trần Lý thì họ Trần đã bước vào ngưỡng cửa quý tộc đất Ngự Thiên. Đến đời Trần Thị Dung (Linh từ quốc mẫu) thì họ Trần thành đại quý tộc, đại diện cho một thế lực đang lên. Trần Thừa đã thành con rể của Thái phó Lê Điện, Trần Tự Khánh nhờ giúp rập Thái tử được phong tước Thuận Lưu bá. Nhiều quan phụng ngự đương triều như Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân đã ngả về họ Trần nên việc Đàm Thái hậu e ngại thế lực họ Trần vùng Long Hưng có ý đoạt quyền của họ Lý là có cơ sở. Nhiều lần phải nhờ họ Trần để giữ ngôi, song trong mắt Đàm Thái hậu và nhiều cựu thần nhà Lý đều coi họ Trần là “giặc”.

Quang Viện