Thứ 7, 23/11/2024, 05:01[GMT+7]

Quần cư bồi tụ

Thứ 6, 09/08/2024 | 10:35:22
9,123 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu và điền dã, địa hình dải đất phía Bắc sông Trà Lý, nơi “dẫn thủy nhập điền” nguồn phù sa từ sông Luộc chảy tràn xuống, sông Trà Lý chảy vào vùng trũng Thanh Lãng, Duyên Lãng (xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà), “bước qua” sông Trà Lý sang phía Đông Nam là xã Việt Hùng và xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư là “rộc” thấp. Các làng Nội Lãng, Ngoại Lãng, Lãng Xuyên... có tuổi đời trải trên dưới 2.000 năm mưa nắng san chỗ cao bồi nơi thấp, cao độ chỉ còn chênh từ 0,5m so với mặt nước biển. Khảo tả bởi các di chỉ văn hóa còn sót lại, khoảng trên 3.000 năm trước, các địa danh trên đã khẳng định phía giáp sông Hồng là những càn Cao, đụn Nấm với rừng Cự Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư), Phú Lâm (xã Độc Lập), Đồng Lâm (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà)...

Đình làng, thôn Cộng Hòa, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà xây dựng trên triền đất cổ được sông Hồng và sông Trà Lý bồi tụ trải ngàn năm vẫn dương 1,5m so với mực nước biển.

Theo các nguồn khảo luận, dòng sông Hồng, sông Trà bồi đắp phù sa cho đôi bờ nên hai triền sông từ xã Độc Lập, xuống Hồng Minh, xuôi Chí Hòa (Hưng Hà), Hồng Bạch (Đông Hưng) sang Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Việt Hùng (Vũ Thư) đều đạt cốt cao dương từ 1,3 - 1,5m so với mặt nước biển. Từ thời Lê thế kỷ XV trở về trước, ven cửa sông Trà Lý và sông Luộc bên tả ngạn vẫn thuộc về phủ Kiến Xương. Dấu vết còn sót lại cho thấy đôi bờ sông còn rất nhiều dấu vết gò đống được bồi tụ bởi hai sông, bờ Bắc có đồng Nấm (Đồng Lâm) xưa là rừng già, rồi càn Mã, càn Nấm và gần 100 gò đất dân quen gọi “Bách nhạn quần cư” dầy đặc tả ngạn sông, nay thuộc các xã Độc Lập và Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Phía Nam vùng An Để (Hiệp Hòa, Vũ Thư) một loạt đống cao như đống Quỳnh, đống Thư, đống Sớ, càn Ngô, gai Cao, vườn Sấm... Vùng đất xã Song Lãng hiện nay có “Ngũ mã địa linh”, phía Đồng Đại (xã Đồng Thanh) có “sơn thủy hồi quy”, “long hổ chầu bái”... đều là các di chỉ trước hoặc sau Công nguyên từ 300 đến 400 năm. Tại đống Sớ, vườn Sấm (An Để, Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư), Đồng Nấm (xã Hồng An, huyện Hưng Hà) thời kỳ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, trong quá trình làm thủy lợi nội đồng, người dân đã phát hiện những vỉa gạch gốm Đường Cồ sớm, cách ngày nay khoảng trên 2.000 năm. 

Các tài liệu khảo cứu cũng cho thấy, vùng đất “cao ráo” là địa bàn cư trú của lớp cư dân Việt - Mường đầu tiên từ lưu vực sông Đà tiến xuống, hiện còn bảo lưu nhiều phong cách văn hóa Mường cổ. Các làng Hậu Thượng, Hậu Trung (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng), làng Bùi (xã Độc Lập, Thượng Lãng (Minh Hòa, huyện Hưng Hà), Mỹ Lộc (Việt Hùng, huyện Vũ Thư) đều thờ vua Lạc Long Quân, Hùng Bảo (Hoàng đệ Hùng Văn Vương) được thờ ở Mỹ Lộc. Các làng Mạc (xã Minh Hòa), làng Đọ (xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng) đều thờ Quý Minh đại vương, anh em kết nghĩa của Tản Viên sơn thánh và dưỡng tử là Ma Bà đại vương. 

Hai làng Thưởng Duyên, Phúc Duyên (xã Văn Lang, huyện Hưng Hà) thờ thành hoàng Vũ Thị Như Sơn (con cụ Vũ Chung) là cung phi vua Hùng Vương thứ 15. Tương truyền bà được ấn phong gần 200 mẫu đất ở Phúc Duyên. Nay đã cắt bớt cho các làng ven vẫn còn 120 mẫu, dân trong làng chỉ một họ (họ Vũ). Truyền ngôn, thời Hùng Duệ Vương (Hùng vương 17) ở động Chung Sơn, quận Cửu Chân, Châu Hoan (nay là Nghệ An) có vợ chồng phú ông tên gọi Lương Nhạc và Trần Thị Ái, tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Một tối, vợ chồng nằm ở trong nhà vừa mơ màng chợp mắt, bỗng thấy có cậu bé đang từ ngọn cây tụt xuống gốc trước sân nói: “Ta là Sơn Nhạc Tư Tào phụng mệnh Thiên đình giáng xuống đầu thai làm con để đền đáp công tu nhân tích đức của cha mẹ”. Từ đấy, bà Trần thị mang thai, rồi sinh ra Cội Công văn tài võ lược, về sau được Duệ Vương phong làm tướng. Khi nước có nạn giặc Bắc Địch, Cội Công cầm quân ra trận. Bỗng một nữ tướng dáng mạo đường đường, phi ngựa múa kiếm miệng hét lớn đánh nhau với Cội Công đến ba hiệp vẫn không thắng bại, đôi bên đều tạm lui. Nữ tướng cưỡi ngựa thét lớn: ta là Thủy thần, quán tại quận Cửu Chân, tên gọi Cô Bến (Bến Nương), cha là Lương Sùng, mẹ là Trần Thị Hòa. Dân gian lưu truyền, vào một đêm mẹ Cô Bến nằm mơ ra sông tắm bắt được viên ngọc ở bến nước thì bỗng tỉnh giấc, sau sinh ra mới đặt cho là Bến Nương. Nghe tin Bắc Địch xâm lược bờ cõi, cô tập hợp được hơn năm ngàn dũng sĩ đi giết giặc cứu nước. Từ đấy, hai tướng hiệp lực tấn công địch một trận quyết chiến. Giặc thua, chạy thục mạng về nước. Duệ Vương đại mừng lệnh cho quân khải hoàn. Cội Công và Bến Nương đi tới địa đầu trang Minh Lương (tức Mỹ Lương), huyện Diên Hà, đã thấy long kiệu, cỗ bàn thịt xôi bày la liệt, phụ lão nhân dân đứng bên đường chào mừng, xin làm thần tử. Vua phong thực ấp cho họ tại đây để lúc sống thì hưởng lộc, chết hưởng thần do dân hương khói thờ cúng muôn đời. Vua phong Bến Nương là Quốc Vương Thanh Lãng Đài Vàng Bến Nước Uy Linh Đại Vương. Cội Công là Quốc Vương Thanh Lãng Đài Vàng Cây Cối Uy Linh Đại Vương. 

Tại vùng cửa Vàng, Thượng Hộ (xã Hồng Minh) là hợp điểm của dân chài và dân trồng trọt. Trên bãi lầy cửa sông Hồng có rừng Màn Để, cư dân thời ấy đã biết sử dụng làm bả cá rất hiệu nghiệm. Trên các dải cát ven bờ nhiều loại nhuyễn thể sinh sống, nhiều đến mức trở thành địa danh. Nhiều vùng đất như làng Cáp (Phương Cáp, Hiệp Hòa) có nghĩa là trai, hến; làng Chép (Chiếp Đông, Chiếp Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà) là làng có nhiều tôm, cá. Lớp cư dân sông nước này đã để lại tín ngưỡng thờ thủy thần. Làng An Lại (xã Chí Hòa, Hưng Hà) thờ Minh Công thủy thần, Lan Nương thủy thần. Làng Đức Hiệp (xã Hiệp Hòa, Vũ Thư) thờ Thủy Hải đại vương, Thần Long đại vương. Lớp cư dân nông nghiệp đã biết khai thác rừng Búng (Việt Hùng) làm lương thực. Làng Gạo (làng An Nghiệp, xã Hồng An, Hưng Hà) biết cấy lúa rất sớm trên cồn cao, được mệnh danh làng “Đống Gạo”. Tương truyền khoai lang được trồng từ thời Hùng nên có làng “Nang” (Hồng Lý, Vũ Thư). Điểm tụ cư ban đầu của lớp cư dân trồng trọt có thể là các địa chỉ như làng “Bản” (Thanh Bản, Vũ Thư), Cổ Sách (Cổ Trai), Thâm Động, Hồng Minh và các xá như Bùi, xá Lại thuộc Song Lãng, Minh Lãng (Vũ Thư). Giao điểm hai ngành trồng trọt và đánh cá đã tạo ra thị trường, tả ngạn sông Trà là kẻ Giai, kẻ Nhội (Hồng Minh); hữu ngạn là kẻ Búng, cứ liệu khẳng định vùng Cửa Vàng, Thượng Hộ là địa bàn kinh tế của vùng đất hình thành tỉnh ta có lịch sử phát triển ít nhất ngót 3.000 năm lịch sử. 

Chỉ tính phạm vi 1.000 năm lịch sử từ thời Hùng vương (tính từ thời con người xuất hiện trong vùng đất “3 mặt sông, 1 mặt biển”), nhân dân vùng đất lầy tỉnh ta cũng sáng tạo cho mình một bản sắc văn hóa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đồng bằng, không thể lẫn với văn hóa vùng cồn điệp hoặc vùng trung du. Những vị thủy thần được người dân khắp nơi trọng vọng như lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền Chòi và hệ thống “cửu vị long thần“ trong hệ “thập bát long thần” với món gỏi nhệch, gỏi cá, với trò đánh cọp, reo ống... 

Quang Viện