Thứ 7, 23/11/2024, 05:10[GMT+7]

Linh thiêng vọng về từ Lâm Sum

Thứ 2, 09/09/2024 | 08:32:46
8,048 lượt xem
“Tôi đang vo gạo dưới suối, nghe tiếng u uôm..., chưa kịp ngẩng mặt lên thì đã nghe tiếng bom như sấm rền dội xuống khu vực của đơn vị. Rá gạo tuột khỏi tay tung hết xuống suối. Cùng lúc ấy, tiếng Đại đội trưởng Bộc thất thanh: Thường ơi, các anh em ơi, ra hiện trường cấp cứu đồng đội, B52 nó rải thảm trúng đơn vị mình rồi...

Các cựu thanh niên xung phong Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy vào dâng hương viếng đồng đội tại di tích nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ thanh niên xung phong tại xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 19/8/1972 bi thương

Tôi nhao ngay lên bờ rồi chạy thẳng ra hiện trường, một khung cảnh kinh hoàng trước mắt nhan nhản hố bom, người hy sinh, người bị thương nằm la liệt, khói đen khét lẹt, bụi mù cả một khu vực. Tôi nhận ra Đúc người bạn thân quê ở xã Thụy Dũng nằm bất tỉnh. Đầu Đúc nghẹo sang một bên, tôi sụp xuống ôm lấy Đúc rồi dùng băng cố định cho đầu ngay ngắn lại, được một anh bộ đội hỗ trợ đưa Đúc nằm trên vai tôi và cứ thế tôi vác Đúc về phía sân kho gần sát núi. Tôi ngã vật xuống bên Đúc mà khóc lịm đi...” - đó là hồi nhớ của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Quách Thị Thường, 74 tuổi, hiện đang ở số nhà 35, tổ 5, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình), quê gốc xã Thái Phúc (Thái Thụy). Bà kể về ngày bi thương 19/8/1972 máy bay B52 của Mỹ rải thảm vào đội hình TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trong “tọa độ lửa” trên đường 15A địa phận thôn Lâm Sum, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đoạn từ Km 472+600 nay là Km 884+380 đường Hồ Chí Minh, làm 8 chiến sĩ TNXP hy sinh và 53 người bị thương.

Còn cựu TNXP Lê Văn Trọng, 71 tuổi, quê xã Thụy Sơn (Thái Thụy), nguyên là chiến sĩ liên lạc Đại đội 892 kể lại giờ phút bi thương của đơn vị: Tôi đang trực ở xê bộ đóng ở nhà ông Tề, thôn Lâm Sum, thời điểm diễn ra trận bom B52 rải thảm khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 19/8/1972; ngay sau tiếng bom, tôi cùng Đại đội trưởng bất chấp nguy hiểm chạy ra hiện trường. Một khung cảnh tan hoang, khói đen nghi ngút, người hy sinh, người bị thương lúc ấy không biết là bao nhiêu. Nhận ra đồng đội Cao Thị Viên người xã Thái Thủy, tôi chạy tới đưa thi thể Viên về khu tập kết. Tới 16 giờ cùng ngày thêm thi thể của 7 đồng đội mới được thu gom đầy đủ là Nguyễn Thị Nguyên quê xã Thái Giang, Trần Thị Thoa quê xã Thái Hưng, Nguyễn Thị Đúc quê xã Thụy Dũng, Vũ Thị Ngữ quê xã Thụy Dũng, Nguyễn Thị Én quê xã Thụy Dân (Thái Thụy), Trần Văn Mạnh quê xã Nam Hưng (Tiền Hải), Hoàng Đình Phòng quê xã Vũ Thắng (Kiến Xương) và 53 đồng đội được điểm danh là đã bị thương. 19 giờ hôm đó, thi thể 8 TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy được khâm liệm chu đáo rồi đưa về an táng tại xóm Tương Xá, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Tôi có mặt ở Lâm Sum - nơi đặt nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy trước một ngày Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tổ chức ngày giỗ chung 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 và công bố quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình công nhận nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Xin ghi nhận ở nơi này tình cảm nặng sâu nói lời tri ân các liệt sĩ TNXP quê Thái Bình đã không tiếc tuổi xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đứng bên cạnh hố bom trong khuôn viên nhà bia tưởng niệm với tôi, ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp không nén được cảm xúc: Đảng bộ và nhân dân xã Hóa Hợp mãi biết ơn sự hy sinh của các anh chị TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Các anh, các chị đã hy sinh và để lại cho mảnh đất Hóa Hợp chúng tôi một địa chỉ đỏ linh thiêng cho mãi mai sau.

Còn ông Đinh Như Đống năm nay đã ở tuổi 76, người thấm đẫm đau thương trên quê hương Hóa Hợp, nay được địa phương tiến cử hàng ngày hương khói và trông coi di tích nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP ngậm ngùi: Em trai tôi là Đinh Sỹ Lâm cũng bị chết trong trận bom Mỹ rải thảm ngày 19/8/1972 trong lúc chặt cây để làm hầm. Và nay tôi vinh dự được làm nhiệm vụ trông coi, hương khói hương linh các liệt sĩ TNXP là một trách nhiệm cao cả để tri ân các liệt sĩ.

Linh thiêng vọng về từ Lâm Sum

Lâm Sum là tên cũ, còn bây giờ thôn có tên mới gọi là thôn Lâm Hóa. Lâm Sum từ 52 năm trước hoang tàn trong bom đạn, Lâm Sum nay đã “thay da đổi thịt”. Từ làng quê có tên “tọa độ lửa” nay cuộc sống nghìn lần đổi thay, mặt đất đã liền da, cây cối đã xanh chồi nảy lộc. 52 năm trước, người dân Hóa Hợp phải rút lên rừng, vào ở cùng lèn sâu, bên khe suối dựng nhà cửa để bám đất sản xuất và chiến đấu, dành nhà để đón bộ đội, đón TNXP cùng ăn, cùng ở, cùng bảo đảm giao thông. Lâm Sum bây giờ đã hiển hiện những căn nhà mái bằng, nhà gỗ khang trang, ban đêm làng đẹp như phố trong ánh điện sáng lung linh, trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi đều được chuẩn hóa xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong sự thay đổi của làng quê nằm trên trục đường 15 (đường Hồ Chí Minh) từ nay có thêm dấu ấn lịch sử, địa chỉ đỏ - di tích nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh của tỉnh Quảng Bình kể từ ngày giỗ lần thứ 52 của các anh chị TNXP (19/8/2024).

Dâng nén tâm nhang tri ân đồng đội, cựu TNXP Lê Văn Trọng nghẹn ngào: Tôi thật xúc động khi nơi này trở thành địa chỉ đỏ, vì sự hy sinh của đồng đội tôi ở nơi này cũng giống như sự hy sinh của các anh chị TNXP ở Truông Bồn hay ở ngã ba Đồng Lộc, đồng đội tôi xứng đáng được Tổ quốc và nhân dân ghi danh.

Ông Trọng trải lòng, tháng 8/2003, ông và một số đồng đội vào thăm lại nơi hy sinh của 8 TNXP Đại đội 892 và nhận ra rằng trên nền các hố bom phế tích của chiến tranh còn đó hương linh các liệt sĩ TNXP quê Thái Bình. Ông mong muốn có một nhà bia tưởng niệm được xây dựng trên chính nền các hố bom và nơi hy sinh của đồng đội. Ý tưởng của ông Trọng được trình đến các cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và cơ quan chức năng của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trung tuần tháng 5/2009, được sự đầu tư kinh phí của UBND huyện Thái Thụy 100 triệu đồng, sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và sự hỗ trợ ngân sách của UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, công trình nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy được khởi công và chỉ sau 70 ngày xây dựng, ngày 16/8/2009 nhà bia đã hoàn thành.

Máu xương của 8 TNXP đã hóa vào đất thiêng của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, hóa thành bất tử trên mảnh đất Lâm Sum, xã Hóa Hợp anh hùng. Di tích nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ TNXP Đại đội 892 - Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy thêm một cõi thiêng vọng mãi ngàn sau cùng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình