Ký ức ngày giải phóng
Ông Nguyễn Văn Bồi (người bên trái), xã Vũ Trung (Kiến Xương) xúc động kể lại ký ức hào hùng ngày 30/4/1975 khi đơn vị ông tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vũ Trung (Kiến Xương) giàu truyền thống cách mạng, giống như bao thanh niên lúc bấy giờ, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bồi có biết bao hoài bão, ước mơ được học tập để đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Thế nhưng giữa lúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn cam go và ác liệt nhất, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã gác lại những dự định còn dang dở để lên đường tòng quân khi vừa mới 18 tuổi. Nhập ngũ ngày 16/8/1967, trải qua 3 tháng huấn luyện, ông là thành viên của đơn vị C6, D75, B5 - một đơn vị pháo phòng không 12,7mm. Nhận lệnh đi B (là nhiệm vụ bí mật, biệt danh của cán bộ trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam), khi đang trên đường hành quân, đơn vị ông lại được lệnh quay ngược ra chiến trường Quảng Trị để trực tiếp chiến đấu trong cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Được giao nhiệm vụ vây ép Tà Cơn, Khe Sanh và làng Vây, tại đây ông cùng các đồng đội đã trải qua những trận chiến ác liệt, tưởng như một đi không trở lại. Riêng đơn vị ông đã có 68 đồng chí hy sinh.
Từ năm 1969 trở đi, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chuyên chặn đánh máy bay địch đổ bộ đường không. Đến đầu tháng 3/1975, ông trực tiếp tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng; sau đó tiếp tục tiến công giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, làm bàn đạp tiến vào Sài Gòn. Lúc này, đơn vị của ông được chuyển về E84, Quân đoàn 2 với lực lượng gồm 3 sư đoàn, 2 trung đoàn xe tăng và 1 trung đoàn pháo binh. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra là những ngày không thể nào quên của ông Bồi và đồng đội khi tiếng pháo nổ rền trời, tiếng súng giòn giã, tiếng rôm rốp của bánh xích xe tăng quân giải phóng. Quân ta cũng hy sinh rất nhiều nhưng niềm tin về cuộc tổng tiến công thần tốc sẽ toàn thắng đã thôi thúc những người lính tiếp tục xông lên. Với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đơn vị của ông đã vượt sông Cát Lái tiến vào Thủ Thiêm chiếm đồn cảnh sát An Khánh; quân địch hoảng loạn bỏ chạy. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Ông Bồi và đồng đội cùng reo hò hân hoan trong niềm vui chiến thắng. Ông chia sẻ: Đây là giây phút không thể nào quên trong cuộc đời bởi được chứng kiến giờ phút chiến thắng hào hùng của dân tộc nhưng cũng là thời khắc xen lẫn đau thương, rưng rưng nước mắt nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong suốt chặng đường chiến đấu, trong đó có cả những đồng đội đã hy sinh ngay trước thời khắc toàn thắng.
Ông Phạm Ngọc Đại, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) với bức ảnh kỷ niệm những người đồng đội từng vào sinh ra tử trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đối với ông Phạm Ngọc Đại, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình), mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng những ký ức về thời khắc quân ta tấn công vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là thước phim lịch sử không thể phai nhòa trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Năm 1968, cuộc chiến tranh giữa ta và đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt ở khắp các mặt trận; chàng thanh niên Phạm Ngọc Đại quê ở xã Tự Tân (Vũ Thư) lúc đó mới tròn 17 tuổi. Vì hoàn cảnh đất nước, gác lại ước mơ được đi học lớp trung cấp truyền thanh, ông Đại xung phong ra chiến trường. Trải qua khóa huấn luyện đặc công khô lẫn đặc công nước, ông chính thức đi B tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Nói về ký ức ngày 30/4/1975, ông Đại xúc động chia sẻ: Bấy giờ tôi đang là Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 113 đặc công, được giao nhiệm vụ tiến công chiếm đóng cầu Ghềnh (Đồng Nai). Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt; lực lượng địch được trang bị vũ khí hiện đại với hỏa lực mạnh đã gây ra biết bao khó khăn cho quân ta. Đơn vị của tôi có 31 chiến sĩ thì 26 người hy sinh, còn lại 5 người thì bị thương 3 người. Đau thương, mất mát là vậy song tất cả đều nhất tề xông lên quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thành công trong việc chiếm đóng cầu Ghềnh là bàn đạp rất quan trọng để quân ta từ mặt trận Xuân Lộc tiến lên và tiếp tục thọc sâu vào Sài Gòn. Trong giây phút chiến thắng đó, chúng tôi ôm chầm lấy nhau - nước mắt hòa nụ cười. Đất nước đã độc lập, non sông thu về một mối nhưng bên trong niềm hân hoan ấy là nỗi đau quặn thắt. Bao đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, không kịp nhìn thấy ngày toàn thắng. 50 năm đã trôi qua, giờ đây ký ức về không khí sục sôi chiến đấu khắp các chiến trường miền Nam khiến tôi không thể nào quên mỗi dịp tháng tư về.
Những người lính đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như ông Bồi, ông Đại đều nhắc lại ngày 30/4/1975 với niềm tự hào vô bờ bến. Họ đã sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ký ức ngày tiến vào Sài Gòn, chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng và xúc động nhất trong cuộc đời họ. Bên cạnh niềm vui chiến thắng là nỗi niềm đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống. Có người không kịp thấy ngày giải phóng, có người để lại quê hương, gia đình, người yêu... Những mất mát ấy khiến ký ức về ngày 30/4/1975 không bao giờ chỉ là một niềm vui trọn vẹn mà luôn xen lẫn nỗi xót xa và lòng biết ơn sâu nặng.
Đỗ Hồng Gia
Tin cùng chuyên mục
- Vẹn nguyên ký ức một thời 29.04.2025 | 10:23 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 6: Thái Bình xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức 30.01.2025 | 11:19 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 5: Đảng bộ Thái Bình - những chặng đường vinh quang 30.01.2025 | 10:54 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 3: Thành tựu đổi mới đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới 27.01.2025 | 19:59 PM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 26.01.2025 | 09:45 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc 25.01.2025 | 17:24 PM
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
Xem tin theo ngày
-
Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội