Chủ nhật, 10/11/2024, 05:33[GMT+7]

Ai về cầu Sắt Nha Xuyên

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:35:27
6,284 lượt xem
“Ai về cầu Sắt Nha Xuyên còn nghe bến Lở bừng lên căm hờn”. Cầu Sắt, thôn Nha Xuyên và bến Lở, thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, nơi đây giặc Pháp và tay sai đã sát hại nhiều cán bộ du kích và người tham gia kháng chiến rồi hất xuống sông Trà cho xác trôi ra biển.

Cầu Sắt Nha Xuyên xưa nay là cầu bê tông.

Hồi nhớ về một thời oanh liệt của quê hương Thái Phúc anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sang xuân này cựu du kích thôn Kỳ Nha, cụ Phạm Văn Kiêu 92 tuổi dẫn chúng tôi ra khu bến Lở, chỉ tay xuống dòng sông Trà và xúc động: “Nơi này linh thiêng lắm”, những năm 1950 thế kỷ trước bến Lở không mấy ngày không có cán bộ, du kích và người tham gia kháng chiến của ta bị thực dân Pháp hành hình. Nhiều xác cán bộ, du kích của ta bị giặc Pháp hành hình rồi hất xuống sông. Bến Lở đây và cây hương này là cây hương căm hờn của người dân Thái Phúc với thực dân Pháp. 

Theo dấu lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Thái Phúc, cựu du kích thôn Kỳ Nha Phạm Văn Kiêu kể lại: Xã Thái Phúc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp gọi là xã Phúc Khê với các thôn Nha Xuyên, Phúc Tiền, Kỳ Nha và Xuân Phố. Địa bàn xã Thái Phúc rất quan trọng bởi có trục đường 219 chạy qua kết nối giữa khu du kích Thần Đầu, Thần Huống với khu kháng chiến Tiên, Duyên, Hưng, kiểm soát ba huyện Thái Ninh, Thụy Anh và huyện Kiến Xương. Đánh chiếm được xã Thái Phúc năm 1950 thực dân Pháp cho xây dựng bốt cầu Sắt thuộc địa phận thôn Nha Xuyên. Từ đây quân Pháp khống chế phong trào cách mạng và lực lượng vũ trang xã Thái Phúc, chúng kiểm soát không cho nhân dân tự do đi lại, khống chế bến Lở, biến địa danh này thành bãi bắn người nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng. 

Cụ Kiêu kể thêm: Hàng ngày, bọn lính Pháp thường cho tay sai ăn mặc giả danh dân thường, lang thang trà trộn ngã ba, ngã tư, khu chợ phố khi phát hiện người khả nghi là chúng bắt đưa về bốt cầu Sắt tra tấn dã man, những ai khai báo hoặc không khai báo đều bị bọn giặc xiên dây thép qua bàn tay từ 5 - 7 người rồi dong ra bến Lở để bắn, chém hoặc thủ tiêu, sau đó chúng hất xác xuống sông cho trôi ra biển. 

Từ khi đánh chiếm và xây dựng bốt cầu Sắt, đến ngày 30/5/1953 xã Thái Phúc được giải phóng, kết thúc 460 ngày vây hãm và 1.076 ngày đêm chiếm đóng của quân Pháp với quê hương. Quân và dân Thái Phúc vẫn “một tấc không đi, một ly không rời” quân, dân đoàn kết, kiên trì bền gan đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, 99 tên lính Pháp và tay sai đã bỏ mạng ở mảnh đất này, hàng trăm tên giặc khác bị thương, lực lượng vũ trang Thái Phúc thu được 55 khẩu súng các loại, thu gỡ và phá hủy 181 quả mìn của giặc Pháp. 

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đã có 210 người gồm bộ đội, cán bộ và dân quân, du kích những người con ưu tú của quê hương Thái Phúc đã hy sinh. Đảng bộ và nhân dân xã Thái Phúc được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trở lại Thái Phúc

Cầu Sắt xưa nay đã được thay bằng cầu bê tông vĩnh cửu, bốt cầu Sắt xưa thực dân Pháp xây cao 4 tầng giờ chỉ là dấu tích chiến tranh, gần đó giờ là Trường THPT Thái Phúc. Dọc đường 219 ra bến Lở, nhà tầng san sát, chợ Thượng ngày ba, ngày bảy tấp nập đông vui, người người buôn bán khắp nơi tìm về. Bến Lở xưa đau thương đã đi vào quá khứ, bây giờ sầm uất, là bến kinh doanh vật liệu xây dựng, cống Thái Phúc được xây mới hiện đại phục vụ điều tiết nước cho sản xuất không chỉ của xã Thái Phúc mà nhiều xã trong huyện Thái Thụy và phục vụ công tác phòng, chống úng, lũ, bão. 

Lời cụ Kiêu nhận xét: Thái Phúc đã đổi thay ngàn lần và vững bước trên con đường đổi mới. 

Còn ông Đỗ Tiến Lịch, Chủ tịch UBND xã Thái Phúc mừng vui khi nói với chúng tôi: Đảng bộ và nhân dân Thái Phúc hôm nay luôn trân trọng và kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương. Trong những tháng năm cả nước đánh Mỹ, Thái Phúc cũng là địa phương dẫn đầu của huyện Thái Thụy “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, nhiều năm vượt kế hoạch giao quân từ 30 - 40%. Người dân Thái Phúc siêng làm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, năng suất lúa bình quân những năm gần đây đều đạt gần 13 tấn/ha; chỉ còn 0,42% hộ nghèo theo tiêu chí mới, 100% số hộ sử dụng nước sạch. 

Bằng sức dân, 112 tuyến đường thôn, xóm của Thái Phúc được bê tông hóa, đường vào khu di tích quốc gia danh nhân văn hóa Thám hoa Quách Đình Bảo và Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm rộng thênh thang. Thái Phúc có 12 cơ sở may, các tổ sản xuất, nghề mây tre đan, đan cói, gấp giấy tiền góp phần phá thế thuần nông tạo việc làm cho gần 400 lao động. Đảng bộ Thái Phúc với 365 đảng viên luôn đoàn kết, nhiều năm liên tục là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, mỗi đảng viên là hạt nhân trong mọi phong trào của địa phương. Năm 2015, xã Thái Phúc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Trong chặng đường đổi mới và đi lên của Thái Phúc, ông Chủ tịch UBND xã nhiều lần nhấn mạnh: Đó là tinh thần cách mạng của người dân Thái Phúc luôn tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, đoàn kết khắc phục khó khăn, người ra mặt trận chiến đấu dũng cảm lập công xuất sắc, người ở lại hậu phương sản xuất giỏi đóng góp vượt mức cho nhà nước. Đổi thay của Thái Phúc hôm nay, có máu xương của lớp người đi trước, Thái Phúc một miền quê với dân số trên 7.300 người mà qua các cuộc chiến tranh của dân tộc đã có 465 người là liệt sĩ, có 53 bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 người được công nhận lão thành cách mạng, hàng trăm gia đình được suy tôn là cơ sở kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích.

“Ai về cầu Sắt Nha Xuyên, còn nghe bến Lở bừng lên căm hờn”. Bài viết này nhắc về địa danh cầu Sắt (bốt cầu Sắt), thôn Nha Xuyên và bến Lở thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc là nhắc nhớ về một thời hào hùng của quê hương Thái Bình nói chung, quê hương xã Thần Khê xưa, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy nay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và những con số minh chứng về xã anh hùng, dấu xưa hòa quyện cùng công cuộc đổi mới hôm nay.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)