Chủ nhật, 10/11/2024, 05:24[GMT+7]

Ánh vàng Bạch Lãng

Thứ 2, 21/01/2019 | 08:53:46
3,355 lượt xem

Phúc Thắng tự và từ Thượng là di chỉ Phật giáo của hương Mần Để xưa.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ IX, vùng đất hương Mần Để, hay còn gọi là Bạch Lãng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư ngày nay) đã được nhà phong thủy Cao Biền nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) khi làm Thứ sử Giao Châu phát hiện mạch đất phát tích rồi ghi chép thành sách và tiên đoán vùng đất này sẽ “địa phát khôi khoa”. Nhưng phải đến thế kỷ thứ XV, mạch nguồn văn chương mới thực sự nổi trội và tỏa sáng. Sự linh ứng “địa phát” ở hương Mần Để đạt đỉnh cao của “khôi khoa” phải kể đến trường hợp hai anh em ruột họ Đỗ được dân gian lưu truyền là “lưỡng nhân huynh đệ đăng khoa”...

Theo các nguồn khảo luận, hương Mần Để xưa phần lớn thuộc phần đất của các xã Song Lãng, Hồng Lý, Hiệp Hòa, Minh Lãng (huyện Vũ Thư ngày nay). Ngày xưa, vùng đất này còn có tên Nôm là Giai Lạng. Trong sách “Địa ký Cao Biền” có ghi sự tiên đoán: “Ngũ mã đồng quần/Thất tinh ủng hậu/Chiểu Lãng, Ba Đậu/Địa phát khôi khoa”. Theo sách “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh thì Ba Đậu chính là vị thuốc nam có tên gọi khác là Mần Để. Theo cách gọi chệch của Hán tự trong ghi chép của Cao Biền hương “Mần Để” cũng chính là “Ba Đậu” là một cách ghi chép đánh dấu địa danh đầy thâm ý của nhà địa lý phong thủy này. 


Trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVIII) có giai thoại về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn lúc đi sứ nhà Thanh, khi đến địa phận tỉnh Quảng Tây, quan đề đốc tỉnh này thân chinh ra đón tiếp. Vốn là học giả “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” lại biết tài trí của Lê Quý Đôn nên trong bữa tiệc đón tiếp sứ An Nam ông này liền quay sang hỏi Lê Quý Đôn: “Tiên sinh có thể cho biết Chiểu Lãng ở Nam quốc là vùng đất nào vậy?”. Bị hỏi bất ngờ, Lê Quý Đôn vẫn bình tĩnh ứng đối: “Xưa, Giao Châu lệ thuộc vào thiên triều, các nhà quyền uy của thượng quốc thường thay đổi địa danh, có vùng đất thay đổi vài ba lần tên gọi, bản quan cũng ghi hàng ngàn địa danh thay đổi!”. Câu trả lời mang tính ngoại giao của nhà bác học Lê Quý Đôn tuy xứng với danh xưng bác học và giữ thể diện quốc gia nhưng chưa đạt được sự hài lòng của đám quan lại Quảng Tây. Thực tế vùng đất Chiểu Lãng, Ba Đậu (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) đã được Cao Biền (vốn là nhà địa lý phong thủy nối tiếng của Trung Hoa) được triều đình nhà Đường cử sang Giao Châu (thời điểm những năm 868 - 874) giữ chức đô hộ Tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ, sau đổi thành Tiết độ sứ phát hiện, ghi chép thành sách và đem về Trung Quốc. Khi ở Giao Châu, Cao Biền rất tích cực “đi cơ sở” để nắm địa hình đất đai, cương vực nhằm phát hiện các huyệt vị phát đế, phát vương để trấn yểm triệt tiêu mầm đế vương mà chỉ để lại các huyệt vị phát tướng, phát khôi khoa. Cao Biền đã phát hiện ra vùng đất gọi là Chiểu Lãng, Ba Đậu (Mần Để) ở Giao Châu, mạch đất kỳ tú phát vương nhưng chủ ý chỉ để Giao Châu phát tướng và khôi khoa nên Cao Biền đã cho trấn yểm huyệt phát đế vương chỉ còn lại huyệt vị phát khôi khoa. Các văn bản ghi chép của Cao Biền khi gửi về “Bắc quốc” đều được triều đình Trung Hoa lưu giữ và theo dõi chặt chẽ. Sự linh ứng phát khôi khoa của vùng đất hương Mần Để theo tiên đoán của Cao Biền thực chất đã phát từ thế kỷ thứ V sau công nguyên, đến thế kỷ X mạch đất đã chuyển động và đến thế kỷ XI - XII bắt đầu phát khôi khoa nhưng cũng phải thế kỷ XV mới nở rộ đăng khoa. Sử cũ chép sự xuất hiện “cặp bài trùng” hai anh em nhà họ Đỗ là Đỗ Lý Khiêm và Đỗ Oánh (Vinh) đều đỗ tiến sĩ trong khoa thi Hội nguyên tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 đời Lê Uy Mục (1508) là đỉnh cao của vùng đất phát khôi khoa Chiểu Lãng, Ba Đậu. Trước đó, tiến sĩ Đặng Nghiễm (năm sinh 1155, năm mất không rõ) người làng An Để, hương Mần Để, Châu Hoàng (nay thuộc xã Hiệp Hòa) nổi tiếng thần đồng, ông đỗ Minh Kinh bác học và được bổ nhiệm làm quan triều Lý. Ông cũng là thầy dạy của nhiều bậc hiền tài. Sau này cháu nội của ông là Đặng Diễn được chọn vào học ở Ngự Diên. Năm 1231, Đặng Diễn giữ chức Ngự Diên bút thư trong phái đoàn vua Trần hành hương về Tức Mặc (Nam Định) bái yết tổ tông. Thái học sinh Đỗ Nguyên Chương cùng làng nhận tước vị Hạ thư lệnh của triều đình nhà Trần. Tiến sĩ Nguyễn Bảo cùng hương đỗ tiến sĩ khoa thi Nhâm Thìn (1472) đời vua Lê Thánh Tông cách trung tâm Mần Để vài quãng đồng. Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Hoàng Giang phong thổ thị môn sinh” nghĩa là vịnh phong thổ miền Hoàng Giang để chỉ bảo cho học trò còn lưu chính sử. Học trò của Nguyễn Bảo là Trần Củng Uyên người làng Ngoại Lãng (xã Song Lãng nay) đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức (1496) đời vua Lê Thánh Tông, hai thầy trò cùng viết chung tập thơ “Châu Khê thi tập” nổi tiếng văn đàn... Ngoài ra, các triều đại sau đều có người đỗ đạt cao như: cha con tiến sĩ Doãn Khuê, Đệ nhị giáp tiến sĩ Đỗ Duy Đê (1817 - 1853)... Danh tướng lừng danh như Doãn Uẩn (1795 - 1849); văn thân yêu nước nổi tiếng như Đốc Phước (1829 - 1887), Doãn Vị (1855 - 1910)... Đặc biệt, hương Mần Để còn là nơi Phật pháp hoằng dương. Nhiều thiền sư nổi tiếng như Đỗ Pháp Thuận (915 - 990), Đỗ Đô (Đạo hiệu Đạt Mạn Thiền sư)... đã dốc công xây dựng Chiểu Lãng, Mần Để thành trung tâm Phật giáo lớn mạnh của nước ta bởi nhà Lý đạo Phật được coi là quốc giáo. Cách trị sở Phật giáo Mần Để (Phúc Thắng tự) khoảng một cánh đồng lớn là chùa Ông Lâu (Phúc Minh tự) nay thuộc xã Hiệp Hòa là nơi phối thờ Hoàng hậu của vua Lý Nam Đế (Lý Bí) Đỗ Thị Khương. Lần giở cảo thơm, trong sách “Xã chí Vũ Lãm” ghi: Bố Hải (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình nay) xưa là nơi tiêu nước của dòng Lãng Khê. Hương Mần Để còn có tên gọi khác là Lãng Xuyên hoặc Bạch Lãng. Dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý) cũng chính là con đường thủy tốt nhất mà các nhà sư Ấn Độ khi cập địa bằng đường biển đã lưu lại ở Bố Hải sau đó tiếp tục di chuyển bằng thuyền đến Chiểu Lãng, Mần Để hội ngộ với Thiền sư Đỗ Đô ở đây. Câu đối tối cổ còn lưu ở chùa Ngàn (nay thuộc phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) có ghi: “Lạc Đạo kiến già lam sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự/Bồ tân duyên Bố Hải từ phàm kinh độ Ấn Hồ tăng”. Nghĩa là: Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang. Bến Bồ theo cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Độ đã qua đây. 


Dấu tích trị sở hoằng dương Phật pháp ở hương Mần Để ngày xưa nay chỉ còn lưu lại Phúc Thắng tự (chùa Phúc Thắng nơi Thiền sư Đỗ Đô trị sở và hóa) và từ (đền) Thượng. Ngay từ bậc cửa bước vào chùa Phúc Thắng là bức đại tự: Thánh trung vương (nghĩa là bậc quân vương trung thánh), đặc biệt là đôi câu đối: “Phúc địa danh lam thịnh Lý hất kim nhưng thắng tích/Kim thân sắc tướng Hán triều tự tích uyển di dung”. Tạm dịch là: Danh lam đất phúc thịnh Lý (triều tiền Lý - Lý Bí) đến nay còn thắng tích. Thân vàng sắc tướng Chiêu Lãng, Mần Để từ Hán triều xưa dung nhan vẫn đẹp đến bây giờ. Còn ở đền Thượng liền kề Phúc Thắng tự có bức hoành phi: “Đăng nhật nguyệt minh”, nghĩa là “Ánh sáng đạo Phật như mặt trời mọc”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thời Bắc thuộc, đất Bạch Lãng hương Mần Để (Ba Đậu) thuộc quận Giao Châu. Khi Phật giáo du nhập vào nước ta các Thiền tăng Ấn Độ, Trung Quốc từ đường biển vào cửa Bố Hải rồi từ đó ngược dòng Bạch Lãng lên đất Lạng (hương Mần Để) lưu lại ở đây rồi tiếp tục đi ra sông Hồng ngược lên Thăng Long và thành Luy Lâu (Bắc Ninh). Khi từ Giao Châu sang Tây Trúc thỉnh kinh thì trị sở Mần Để cũng lại là điểm dừng chân vì thời Bắc thuộc Mần Để tồn tại một trung tâm Phật giáo lớn có sức cuốn hút các thiền sư. Hương Mần Để thời thuộc nhà Lương lại là quê hương của bà Đỗ Thị Khương vợ vua Lý Nam Đế, đây là tiền đồn cuộc khởi nghĩa chống nhà Lương thắng lợi lập nên nhà nước Vạn Xuân.

Ông Hoàng Xuân Liên, thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Di sản của trung tâm Phật giáo lớn nhất quận Giao Châu còn lưu lại đến bây giờ chính là lễ hội xuân làng Ngoại Lãng (từ mùng 9 đến mùng 11 tháng Giêng), hội có tục thi cỗ chay thường gọi là cỗ chay hội Lạng.

Ông Đỗ Liên, tộc trưởng họ Đỗ, thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Người dân hương Mần Để không quên công lao của Đạt Mạn thiền sư Đỗ Đô, dù khó khăn đến mấy cứ 2 năm 1 lần vào khóa hội chính, nhân dân trong làng lại mở hội thi cỗ chay. Việc này đã trở thành thói quen trong tâm thức của người dân làng Lạng.


Quang Viện