Hùng Vương linh từ: Nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng
Theo Ngọc phả làng Thượng Ngạn: Vào thời Hùng Nghị Vương, giặc Ô Lý ở Châu Bố Chính liên kết với bọn giặc Đại Man, Quỳnh Sơn Man, Tấn Châu Man, Liêu Động Man (6 giặc Man) chia quân đến xâm lược nước ta. Quân giặc cờ bay rợp đất, giáo mác rợp trời, quan văn, quan võ nghe tin đều sợ hãi không có kế gì hay. Vua ban hịch kêu gọi nhân dân chống giặc. Các ông Chiêu Công, Trấn Công, Uy Công, Thông Công và Ly Công vào triều bái yết, vua cấp cho 30 vạn hùng binh, lại giao cho các ông chiếc búa tượng trưng cho quyền chỉ huy. Thuở ấy ở vùng Tháp Khu (nay là làng Thượng Ngạn) có 39 người của 8 họ Đinh, Nguyễn, Lê, Phạm, Bùi, Đặng, Hoàng, Đỗ trong gia thần cùng 5 ông chia quân làm 2 đạo tiến đến địa phận 16 châu, cắm trại, cho quân nghỉ 10 ngày rồi mới giao chiến. Trong lúc đánh nhau, bọn tướng giặc dùng phép yêu quái bỗng trời đất tối tăm, những loài hổ báo, voi tê giác và các yêu quái vây kín 30 vạn quân ở 16 châu. Quân thám mã báo về, Vua Hùng Nghị Vương ngửa mặt lên trời than thở, liền cho 3 vạn quân, lại cho 16 châu chi viện. Đức Phật Đại Đạo Thiên tôn và 12 vị Dương niên Hành Khiển và các phật ở tứ phương đều cầm gậy tích trượng, đáp xuống giữa đám quân của Lục Man, chuyển tối thành sáng, phá tan đạo quân Lục Man. Nghị Vương khen Đức Đại Đạo Thiên Tôn. Ngài tạ từ vua rồi bay lên trời. Vua và các ông trở về Tháp Khu mổ trâu bò ăn khao cả quân và dân vào ngày 12/11. Vua chuẩn y cho dân ở Tháp Khu được miễn tô thuế và tạp dịch để phụng thờ Đức Đại Đạo Thiên Tôn và khi các ông trăm tuổi cũng được thờ cúng...
Hiện nay, ngoài đình và chùa, làng Thượng Ngạn còn có các ngôi đền thờ ngũ vị Thành Hoàng. Riêng Hùng Vương linh từ là nơi phụng thờ Đức Phật Đại đạo Thiên tôn và Hùng Nghị Vương. Theo lệ, ngày 12/11 (âm lịch) hàng năm là ngày lễ “Kỳ Phúc chúc Thánh” của làng và làng mở lễ hội để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng. Trong lễ hội, vẫn còn lưu giữ tục lệ bắt chim cuốc có từ thời xa xưa để nhắc nhớ công ơn và ôn lại truyền thống đánh giặc cứu nước.
Là ngôi đền cổ có trên 2.500 năm lịch sử nhưng do bom đạn chiến tranh và phong hóa thời gian, đền thờ Vua Hùng Nghị Vương được dân làng tu bổ nhiều lần nhưng đã xuống cấp. Dấu xưa còn lại là gò đất cao nổi lên giữa cánh đồng và ngôi đền nhỏ. Năm 2018, được UBND huyện Hưng Hà cấp phép trùng tu tôn tạo để bảo tồn di tích trên khuôn viên đền cổ từ nguồn xã hội hóa. Với tấm lòng tri ân nguồn cội, gia đình kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện, bà Bùi Thị Vực Mai là người con quê hương Thượng Ngạn đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng cùng con cháu của ông bà trong và ngoài nước phát tâm công đức toàn bộ chi phí tôn tạo, nội thất của đền. Trong quá trình tôn tạo đền còn nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và có sự cúng tiến công đức bằng vật chất, ngày công của nhân dân, con em xa quê và du khách thập phương. Sau 1 năm khởi công, đền thờ Vua Hùng Nghị Vương đã được phục dựng khang trang ngay trên nền ngôi đền cổ, đáp ứng được nguyện vọng cũng như nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến chiêm bái.
Gia đình Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện tiếp nhận các linh vật từ đền Trần Thái Bình do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà trao tặng cho đền thờ Vua Hùng Nghị Vương.
Dù mới được tôn tạo và xây dựng lại nhưng không vì thế mà ngôi đền mất đi vẻ uy nghi vốn có. Đền hiện nay xây theo kiểu chữ đinh, rộng 200m2, tọa lạc trên khuôn viên rộng 2.500m2 với lối kiến trúc cổ mái cong, hai mái chồng diêm, chồng đấu hoa sen; cửa gỗ lim chạm khắc tứ linh tinh xảo. Hai bên tả, hữu có giếng nước, tựa mắt rồng. Ngôi đền tựa như con rồng đang vươn mình hướng về đất tổ Phong Châu. Điểm nhấn của đền thờ Vua Hùng Nghị Vương chính là hai pho tượng Đức Phật Đại Đạo Thiên tôn và Hùng Nghị Vương, mỗi pho tượng nặng 1.000kg, cao 2,12m. Với đặc trưng riêng của đền là thờ Phật và thờ Vua nên trong hậu cung thờ Phật vẫn còn nguyên câu đối cổ:
“Phật Thánh nguy nguy thiên cổ càn khôn thiên cổ Phật
Thiên cao đãng đãng tứ thời nhật nguyệt tứ thời thiên”
(Ý là: Phật Thánh linh thiêng, trường tồn muôn thuở cùng trời đất
Trời xanh bát ngát ngày đêm rực rỡ ánh hào quang)
Chính điện thờ Hùng Nghị Vương có bức đại tự “Hùng Vương bảo điện” với đôi câu đối:
“Hồng Bàng khai quốc giang sơn cẩm tú truyền hậu thế
Linh tích Hùng triều bảo điện huy hoàng vạn niên xuân”
(Ý là: Hồng Bàng dựng nước non sông giàu đẹp truyền con cháu
Dấu tích vua Hùng đền thờ hoành tráng mãi đẹp tươi)
Có thể nói, đền thờ Vua Hùng Nghị Vương mang một sắc thái riêng biệt, với những giá trị lịch sử của ngôi đền đã góp thêm sự phong phú trong văn hóa tín ngưỡng của mảnh đất, con người Hưng Hà địa linh nhân kiệt. Gắn với những câu chuyện dân gian độc đáo, đình, đền, chùa làng Thượng Ngạn nói chung, đền thờ Vua Hùng Nghị Vương nói riêng đã trở thành nơi thực hành tín ngưỡng thờ Phật và thờ cúng Vua Hùng, thể hiện lòng tri ân hướng về cội nguồn dân tộc và những khát vọng hướng đến hòa bình, làm rạng danh cho quê hương của nhân dân làng Thượng Ngạn hôm nay và mai sau, tựa đôi câu đối ở cột hiên cửa đền thờ Vua Hùng Nghị Vương:
“Thánh địa tối linh thiên thu lưu tích cổ
Văn Lang cẩm tú bách thế xuất tinh anh”
(Ý là: Đất thánh linh thiêng ngàn năm lưu tích cổ
Văn Lang giàu đẹp muôn thuở xuất tài hoa”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Theo khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở Thái Bình, tục thờ Vua Hùng không nhiều như các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Tôi cho rằng giá trị phi vật thể của đền thờ Vua Hùng Nghị Vương có một đền thờ riêng chỉ có ở Thái Bình, trước đây có thể có nhưng các nơi khác không duy trì được mà làng Thượng Ngạn lại duy trì được. Trước đây vì thiết chế của di tích không lớn nên được xếp hạng di tích vào trong quần thể đình làng nhưng với quy mô và kiến trúc hiện nay, tôi cho rằng địa phương nên xếp hạng riêng. Ngôi đền không chỉ mang dáng dấp nguy nga, lộng lẫy của thời hiện đại và giá trị lâu bền của công trình, đặc biệt, ở Thái Bình có thể coi là “độc nhất vô nhị”. Kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện, trưởng ban quản lý dự án, chủ đầu tư xây dựng đền thờ Vua Hùng Nghị Vương Cả cuộc đời cống hiến cho thành phố cảng, chúng tôi vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương, về xứ Nhà Vua nơi mình sinh ra và lớn lên. Điều đó đã thôi thúc vợ chồng tôi cùng con cháu hướng tâm chung sức cùng quê hương tôn tạo ngôi đền thờ Vua Hùng Nghị Vương mà người dân quen gọi là đền Nhà Vua thêm khang trang, bề thế như ngày hôm nay. Cùng với việc công đức toàn bộ kinh phí tôn tạo đền thờ Vua Hùng Nghị Vương, chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND xã Văn Lang và được địa phương đồng ý cho thành lập quỹ khuyến học Hùng Vương với mong muốn quỹ khuyến học sẽ phát triển và duy trì mãi mãi để góp phần thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài, chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho mai sau. Ông Đinh Tiến Tấn, trưởng ban văn hóa xã Văn Lang, Phó ban Quản lý di tích đền thờ Vua Hùng Nghị Vương Với trách nhiệm được giao, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng di tích đền thờ Vua Hùng Nghị Vương trở thành điểm đến văn hóa tâm linh cũng như địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay; đồng thời, kết nối với các di tích lịch sử văn hóa lớn trên địa bàn huyện Hưng Hà như đền Trần Thái Bình, đền Tiên La, khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn... Tuy nhiên, để hoàn thiện một số hạng mục công trình liên quan của đền rất mong có sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân, con em xa quê và du khách thập phương cùng với Ban Quản lý di tích đền thờ Vua Hùng Nghị Vương. Bà Đinh Thị Gấm, thôn Thượng Ngạn 1, xã Văn Lang Còn gì ý nghĩa hơn khi lễ khánh thành đền thờ Vua Hùng Nghị Vương đúng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương 10/3 năm nay. Là một người con của Thượng Ngạn đang sinh sống ở quê hương, tôi xin cảm ơn đến các tập thể, cá nhân đã công đức tôn tạo đền thờ Vua Hùng Nghị Vương xứng tầm với công lao của các bậc tiền nhân. |
Thiên Ân - Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026