Thứ 4, 13/11/2024, 05:30[GMT+7]

“Gậy ông đập lưng ông”

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:51:14
3,633 lượt xem
Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, tuyến đường Trường Sơn ngày đêm chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trước tầm quan trọng của tuyến vận tải đặc biệt quan trọng này, ngay từ năm 1959, Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Quân ủy Trung ương thành lập Đoàn 559 quy mô cấp tiểu đoàn. Đến giai đoạn 1970 - 1975 gọi là Bộ đội Trường Sơn, quy mô cấp quân khu.

Lính Mỹ thả cây nhiệt đới từ máy bay xuống đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Cùng cả nước, lớp lớp những người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã có mặt trên các trọng điểm, từng cung đoạn để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Hòng chặt đứt tuyến giao thông huyết mạch này, lực lượng không quân chiến lược và không quân hải quân Mỹ được huy động tối đa trong các nhiệm vụ trinh sát, thu thập tin tức tình báo, chỉ điểm ném bom đánh phá cầu, đường và các đoàn xe vận tải của ta. Trong cuộc chiến sinh tử, đối phương không từ một thủ đoạn nào. Và cùng với bom rải thảm, chất độc da cam/Điôxin, biệt kích, thám báo..., cuộc chiến tranh điện tử cũng được Mỹ tiến hành trên đường Trường Sơn. Ngoài hàng rào điện tử Mc.Namara, trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, là mạng lưới 20.000 thiết bị trinh sát rải khắp Trường Sơn và ở nước bạn Lào. Trong đó, thiết bị trinh sát nổi tiếng nhất chính là “cây nhiệt đới” được không quân Mỹ thả xuống từ máy bay (Air Delivered Seismic Intrusion Detector).  

Những bộ óc chiến tranh hàng đầu của Mỹ thiết kế ra “cây nhiệt đới” thật sự hoàn hảo và tinh vi. Đặc biệt nguy hiểm ở thiết bị này, đó là nhìn như cây thật. Đầu nhọn của “cây nhiệt đới” được lắp cảm biến địa chấn cắm vào trong đất. Phần còn lại trên mặt đất là 5 ăng-ten dạng râu, bọc nhựa mềm để truyền tín hiệu. Khả năng phát hiện chấn động của “cây nhiệt đới” từ 25 đến 35m đối với người và từ 200 đến 300m đối với ô tô. Nguyên lý hoạt động là thu tín hiệu rung chấn, thu nhận mùi amôniac từ mồ hôi người, sau đó truyền thẳng về trung tâm tác chiến của quân đội Mỹ đóng trên đất Thái Lan. Chỉ cần vài phút sau khi nhận được thông tin, máy bay Mỹ ngay lập tức lao đến dội bom vào những nơi được “cây nhiệt đới” chỉ định. Phương thức tác chiến mới này của Mỹ đã gây cho Bộ đội Trường Sơn rất nhiều tổn thất. Hoạt động vận tải quân sự bằng ô tô trên đường Trường Sơn bị gián đoạn nghiêm trọng một thời gian, dù ta đã ngụy trang và di chuyển hết sức bí mật. Khi mới xuất hiện, đúng như mong đợi của người Mỹ, “cây nhiệt đới” tỏ ra cực kỳ hiệu quả.

Ảnh tư liệu.

Không chịu bó tay, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức săn lùng “cây nhiệt đới” để nghiên cứu tính năng, nguyên lý hoạt động, ưu điểm và nhược điểm của loại khí tài tinh vi và đặc biệt nguy hiểm này. Sau khi “giải mã” xong, bộ đội ta được phổ biến cách khắc chế rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Đó là khi phát hiện được “cây nhiệt đới”, chỉ cần dùng dao gọt nhẹ lớp nhựa bọc ngoài của những chiếc ăng ten, sau đó buộc tất cả chúng lại với nhau thành một chùm. Thế là ngày đêm, “tên gián điệp” này liên tục truyền tín hiệu nhiễu về trung tâm chỉ huy. Còn lực lượng giao liên, dân quân, du kích lại có cách làm rất sáng tạo. Họ bắt những con tắc kè còn sống, buộc chúng vào “cây nhiệt đới”. Tắc kè kêu, cây nhiệt đới cứ vậy mà thu, phát trong nhiễu loạn âm thanh, làm cho không quân Mỹ “dở khóc dở cười”.

 Hoặc “tương kế tựu kế”, lợi dụng ngay độ nhạy của “cây nhiệt đới”, bộ đội công binh, thanh niên xung phong chuyển chúng đến những nơi đèo cao, dốc đứng mà ta cần mở đường, nhưng lại không có phương tiện cơ giới hỗ trợ. Vậy là, từ việc tạo rung chấn giả sẽ có ngay một trận bom Mỹ “giúp mở đường”. Kế này còn hiệu quả gấp hàng nghìn, hàng vạn sức người. Sau những đợt ném bom “Mỹ làm, ta nghỉ”, bộ đội, thanh niên xung phong chỉ cần san lấp lại một chút, thế là có tuyến đường mới.  

Nhờ tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử mà các binh đoàn, quân đoàn đã hành quân thần tốc, cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào tận Tây Nguyên, bất ngờ tiến công mở màn chiến dịch mang tên Bác kính yêu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột, lần lượt đánh tan các vùng chiến thuật của quân đội Việt Nam cộng hòa. Dũng mãnh tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, kết thúc 21 năm chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuyến đường là biểu tượng ý chí sắt đá, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.  

Vậy là từ hàng rào điện tử Mc Namara đến các thiết bị tinh vi, vũ khí hùng hậu, quân Mỹ cũng không thể ngăn cản được bước chân thần tốc của cả dân tộc Việt Nam trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, cả nước vang khúc khải hoàn: Như có Bác trong ngày vui đại thắng!

Trần Nam

  • Từ khóa