Thứ 7, 23/11/2024, 14:07[GMT+7]

Tiết liệt Trinh Quốc công

Thứ 2, 06/05/2019 | 09:25:29
3,307 lượt xem
Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng là một tướng tài giúp Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ông mất ngày 15 tháng 6 năm 1018 tại ấp Hàm Châu (nay là làng Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình).

Dấu tích ấp Hàm Châu 10 thế kỷ trước giờ chỉ còn hồ nước trong cụm di tích đình, đền, chùa Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình.

Từ đường Bùi Quang Dũng còn lưu giữ thạch linh bi ký ngự đề của Lý Thái Tổ với Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng, một tướng tài giúp Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ông mất ngày 15 tháng 6 năm 1018 tại ấp Hàm Châu (nay là làng Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) và đôi câu đối đánh giá công lao của ông tại từ đường: “Bất sự nhị quân trung liệt cao phong Trinh Thạch động tam thập niên quán cổ/Lực phù nhất thống vân lôi chính khí Hàm Châu ấp thiên vạn tải như sinh” (Không thờ hai vua nêu cao phẩm giá trung thành nghĩa liệt vào động Trinh Thạch ba mươi năm đứng đầu từ xưa đến giờ/Hết sức vì nền thống nhất chính khí như sấm sét mây mưa ở ấp Hàm Châu nghìn vạn năm sống mãi).

Sử cũ chép: Năm Tân Mùi (971) niên hiệu Thái Bình thứ 2 ở xứ Kỳ Bố hải khẩu (nay là phường Kỳ Bá và Trần Lãm, thành phố Thái Bình) xảy ra biến loạn. Ngô Văn Kháng là con trai Ngô Văn Trấn một hạ tướng của Trần Lãm (Trần Minh Công) khởi binh chống lại triều đình. Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) cử tướng quân Bùi Quang Dũng đánh dẹp. Bằng đức độ, uy danh và tài trí tướng công Bùi Quang Dũng đã chinh phục Ngô Văn Kháng khiến Ngô Văn Kháng đem quân quy hàng. Đinh Tiên Hoàng vô cùng cảm kích liền phong cho Bùi Quang Dũng làm Trấn đông Tiết độ sứ trị sở tại Kỳ Bố kiêm chỉ huy ba đạo quân thuộc vùng Đông đạo và thăng chức “Đặc tấn Khai quốc thiên sách thượng tướng tước Tĩnh an hầu”. Tiên Hoàng còn phong tặng cho thân phụ Bùi Quang Dũng là Khải tá hầu, thân mẫu là Khải tá hầu phu nhân...

Tướng quân Bùi Quang Dũng không chỉ là nhà quân sự tài uy mà ông còn là nhà kinh tế có “tầm nhìn xa trông rộng”. Đất nước vừa trải qua binh biến, kinh tế suy vi ông liền kêu gọi dân chúng thực hiện kế sách bền sâu gốc rễ khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp. Ông nhận thấy vùng đất tây bắc Kỳ Bố hải khẩu màu mỡ nhưng hoang hóa, lau lách lấp đầu người, cọp beo lẩn trú, thuồng luồng, rắn rết hại dân chúng... ông liền dâng sớ về triều xin đức vua cho phép đem quân sĩ khai khẩn, lập ấp. Ngồi thuyền khảo địa, ông chọn chỗ đất có hình trán con rồng, phía trước có hai hồ nước như mắt rồng xây dựng tòa nhà nhìn ra dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý nay) cũng là nơi ông đánh rơi viên ngọc “Minh Châu” khi đem uy quân thu phục Ngô Văn Kháng. Chọn được thế đất, ông đưa quyến thuộc về sinh sống và đặt tên “Ấp Hàm Châu”. Một thời gian khai khẩn, đất đai được mở rộng, cọp beo biến mất, thuồng luồng, rắn rết bỏ đi... cư dân khắp nơi đổ về gia nhập nguyên mộ cùng chung tay xây ấp, lập làng. Thấy thế, Đinh Tiên Hoàng phấn khởi xuống chiếu ban cho tướng công Bùi Quang Dũng thực ấp làm “đất ăn lộc vua ban” và đổi tên thành “Thái ấp Hàm Châu”. Tướng công Bùi Quang Dũng cùng binh gia tích cực khai khẩn vùng đất hoang vu đầy sú vẹt, lau lách vùng Đông đạo thành các đồng lúa tốt tươi thu hút cư dân khắp nơi đổ về thau chua, rửa mặn làm cho đất đai thêm màu mỡ tạo nên những cánh đồng trù mật. Khi dân số đông lên, Bùi Quang Dũng tấu với vua xin được tách đất, lập làng lấy gốc họ Bùi chia gia nô thành 5 làng. Nhân dân cảm tạ tướng công Bùi Quang Dũng liền có dân ca:

“Mừng thay trong cõi hải tần
Giặc ma đã dẹp, cá thần cũng xuôi
Vì ai dân được yên vui
Ấy quan thượng tướng họ Bùi phải chăng?”

Triều Đinh đang đà thịnh vượng, bỗng triều chính gặp bọn phản loạn, “họa vô đơn chí” đúng lúc lao đao thì Đinh Tiên Hoàng đột ngột băng hà, triều đình nghiêng ngả. Thái hậu Dương Vân Nga thay vua nhiếp chính cũng chẳng được bao lâu nội triều mục ruỗng, phản loạn được đà lấn tới triều đình nguy cơ sụp đổ, Thái hậu liền trao quyền cho tể tướng Lê Hoàn điều hành triều chính. Thấy Lê Hoàn soán ngôi nhà Lý lập nên triều Lê sơ, giữ tiết liệt với nhà Đinh, tướng công Bùi Quang Dũng liền đưa toàn bộ gia quyến và thuộc hạ thân tín rời Thái ấp Hàm Châu vào động Trinh Thạch để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối của một khai quốc công thần Đinh triều với nhà Đinh. Triều Lê sơ cũng chẳng trụ được lâu, năm Kỷ Dậu 1009, sau 30 năm trị vì triều Lê sơ sụp đổ, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, dựng lên triều Lý. Biết tiếng tướng công Bùi Quang Dũng trung thần tiết liệt đang ở ẩn trong động Trinh Thạch, Lý Thái Tổ sai người đem thư vào động Trinh Thạch mời ông về triều nhưng cả ba lần ông đều chối từ. Năm Canh Tuất (1010) niên hiệu Thuận Thiên thứ 2, vùng Kỳ Bố hải khẩu lại có phiến loạn nổi dậy chống triều đình. Lý Thái Tổ ba lần sai tướng quân về dẹp loạn mà không được. Lần thứ tư, vua sai Nguyễn Uy, một tướng tài xuất quân nhưng cũng giống ba lần trước, Nguyễn Uy đành nếm mùi thất bại. Trong lúc giao chiến, Nguyễn Uy nghe quân phản loạn loa rằng “Uy mặc Uy, chẳng sợ chi, có ông Dũng đến vậy thì mới kinh...”. Nguyễn Uy dẫn quân về triều nhận tội trước vua Lý đồng thời tấu lên Lý Thái Tổ sự tình nghe được. Lý Thái Tổ cử ngay Nguyễn Uy trực tiếp mang thư vào động Trinh Thạch gặp Bùi Quang Dũng thuật lại sự tình và tha thiết mời Bùi Quang Dũng về triều giúp vua. Đến lúc này, Bùi Quang Dũng mới phụng thư theo Nguyễn Uy trở về triều. Lý Thái Tổ vô cùng cảm kích, ban phục tước cũ của Bùi Quang Dũng lại tấn phong con trai của ông là Bùi Quang Anh là Anh Dực tướng quân, lĩnh chức Trấn Đông tiết độ sứ lệnh cho Quang Anh đem quân về dẹp loạn ở Kỳ Bố. Cử quan triều dẫn Bùi Quang Dũng về Thái ấp Hàm Châu. Bùi Quang Dũng cảm ơn ân điển của nhà vua ông cũng xin nhà vua cho mình được cùng con trai dẹp giặc phản loạn. Về tới Kỳ Bố, hai cha con Bùi Quang Dũng đem lời nhân đức phủ dụ, khuyên giặc quy hàng triều đình. Nghe tiếng Bùi Quang Dũng trở về, cảm phục uy danh và ân đức của ông ở ấp Hàm Châu, Kỳ Bố 30 năm trước, tướng giặc đã làm lễ quy hàng.

Đất nước vào buổi thanh bình không lâu, giờ dần, ngày 13 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018) năm Thuận Thiên thứ 9, Anh Dực tướng quân, Ðiện tiền Chỉ huy sứ, kiêm thiêm sự, Trấn đông tiết độ sứ, Ðặc tiến Khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tiến tước Tĩnh an hầu Bùi Quang Dũng do tuổi cao, bệnh trọng đã “khuất núi”. Vua Lý Thái Tổ thương tiếc sai người đem quan đồng tụ, quách gỗ Ngọc Am... về khâm liệm ông. Năm Canh Thân (1020) Lý Thái Tổ tuần thú vùng Kỳ Bố hải khẩu, nhà vua ghé thăm ấp Hàm Châu, viếng mộ Bùi Quang Dũng, đích thân vua Lý Thái Tổ tự tay ngự đề văn bia sự trạng Bùi Quang Dũng gồm 148 câu, trong đó có đoạn: “Trẫm cho rằng công cuộc mở nền dựng nước dù là chủ trương của bậc nhân quân, song việc dẹp loạn binh nhung phần lớn trông cậy vào sự nỗ lực của các tướng soái tài ba. Từ xưa đến nay đều như thế... Oai hổ đánh đông dẹp bắc, mà cáo cày tan tác dấu chân. Thiên hạ đều ngợi ca là bậc anh hùng hào kiệt. Khi Ðinh Tiên Hoàng thống nhất giang sơn một mối, bước lên chín bậc cửu trùng lấy Mỗ (cách gọi thân mật) từ chức Anh Dực tướng quân sung vào Ðiện tiền Chỉ huy sứ, kiêm thiêm sự; triều nghi rực rỡ, công huân lẫy lừng. Thế rồi bọn giặc bể ở Kỳ Bố lại khởi loạn, Mỗ lại được sung chức Trấn đông tiết độ sứ. Mỗi khi Mỗ tới thì giặc biển liền tan. Trẫm lại cho thăng lên Ðặc tiến Khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tiến tước Tĩnh an hầu. Kế đó ban sách tặng phong tiên phụ của Mỗ là Khải tá hầu, tiên mẫu là Khải tá hầu phu nhân”.


Ông Bùi Xuân Sính, hậu duệ đời thứ 34, chủ tịch hội đồng gia tộc Bùi Quang Dũng, thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình

Gia tộc họ Bùi làng Đồng Thanh, xã Tân Bình từ Thái tổ Bùi Quang Dũng trở xuống đã hơn 10 thế kỷ trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều kế thừa và phát huy truyền thống tổ tiên truyền lại là trung quân, ái quốc, dòng tộc đã có nhiều con cháu nổi tiếng trong lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... đúng như ngự đề sự trạng của Lý Thái Tổ khi về thăm mộ phần cụ tôi Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng: “Liệt sự trạng lên hàng bia ký/Những nguyện cùng thiên địa xét soi/Giúp cho con cháu họ Bùi/Anh hùng hào kiệt đời đời sinh ra”.

Ông Bùi Ngọc Xiển, hậu duệ đời thứ 32 Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng

Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đến nay, con cháu họ Bùi ấp Hàm Châu khắp nơi vấn tổ tầm tông về quê Đồng Thanh bái yết tổ tông. Đây không chỉ là niềm tự hào riêng của con cháu Bùi gia ấp Hàm Châu.
Ông Bùi Quang Minh, hậu duệ đời thứ 32 Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng

Hiện nay đường vào di tích quốc gia từ đường Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng vẫn là ngõ nhỏ nên khó khăn cho du khách tìm đến tham quan, nghiên cứu, học tập... gia tộc họ Bùi chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để di tích phát huy tốt giá trị lịch sử, văn hóa.


Lê Quang 

  • Từ khóa

Mr Tea - 5 năm trước

Tác giả có phân biệt được Triều Tiền Lê và Lê Sơ không vậy.... Thế mà cũng đòi viết về lịch sử.

Tải thêm