Thứ 7, 23/11/2024, 13:50[GMT+7]

Ngọc sáng Vương triều

Thứ 2, 17/06/2019 | 08:36:38
2,605 lượt xem
Năm 1988, trong một lần đào đất san lấp mặt bằng canh tác, người dân làng An Phúc, xã Song An, huyện Vũ Thư vô tình làm phát lộ phần mộ công chúa Gia Thục, con gái vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh triều Lê được an vị trên cánh đồng Ô Cách rộng chừng 12ha cách ngày nay hơn 500 năm. Gia Thục công chúa được sử sách chép rằng: Công chúa đức quý, nhu thiện, nhân từ, tuy sinh ở cung vua nhưng không kiêu đài, đối đãi trên dưới đẹp lòng, thấy kẻ khốn khó không tiếc của riêng trợ giúp.

Lăng mộ Gia Thục công chúa mới được nhân dân làng An Phúc xây dựng lại.

Khi phát lộ chi mộ người dân phát hiện một tấm bia đá khắc chữ Nho đặt dưới mộ. Vì trong làng không ai đọc được chữ nên người dân đoán rằng đây là tấm bia sự tích nên đem về gắn cạnh tường rào đền Gia Thục cạnh chùa Kiếu. Sau này các chuyên gia nghiên cứu văn bia thuộc Viện Hán Nôm quốc gia đã dịch và công bố nội dung văn bia. Theo tài liệu dịch thì đó là tấm bia “Gia Thục công chúa mộ chí” đặt tại đồng Ô Cách,  tổng An Lão, huyện Thư Trì (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư) do Hiển Cung đại phu Hàn lâm viện Thị thư kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục ti huấn thần Lương Thế Vinh phụng soạn vào ngày 11 tháng 10 năm Hồng Đức 14 (1483), viết về tiểu sử Gia Thục công chúa, húy Thanh Trục, con gái trưởng của vua Lê Thánh Tông vì mẹ là Tu Nghi mất sớm nên được Đông triều Hoàng thái hậu nuôi dưỡng, sau gả cho con trai Thái bảo Kiến Dương Hầu Lê Cảnh Huy vào năm Hồng Đức 5 (1474). Gia Thục công chúa sinh được 1 người con trai, 1 người con gái nhưng đều yểu mạng. Lâm bệnh trọng khi ở quê ngoại, Gia Thục công chúa mất vào năm Hồng Đức 14, di hài được an táng tại cánh đồng Ô Cách, tổng An Lão, huyện Thư Trì, nguyên là quê mẹ của Hoàng thái hậu Quang Thục Ngô Thị Ngọc Giao. Bia ca ngợi đức độ công chúa. Bà tuy là con vua nhưng rất quan tâm đến người cùng khốn. Ngày bà mất mọi người tiếc thương than khóc... Gia Thục công chúa được an táng cách Đốc Hồ điện khoảng 1km và do chính Thái bảo Kiến Dương Hầu về trực tiếp chỉ đạo xây lăng mộ cho bà.

Các tài liệu điền dã về Gia Thục công chúa quá ít ỏi, chỉ biết rằng bà là người đức nhân rộng lượng. Việc bà có mặt liên tục tại quê ngoại An Lão cũng là câu hỏi lớn cần được giải đáp. Trở về quá khứ cách đây gần 600 năm, Đốc Hựu điện xây dựng đồng thời với Phúc Dụ điện ở Y Đún - Đô Kỳ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Bấy giờ vua Lê Thánh Tông sai con trai út của Bân quốc công Đinh Lễ là Đinh Vĩnh Thái về An Lão trông coi hương khói họ Đinh (bà ngoại vua Lê Thánh Tông là Đinh Thị Ngọc Kế) và điện Đốc Hựu, vua Lê Thánh Tông còn cho công chúa Bảo Thanh (Gia Thục công chúa, con trưởng của vua) góp tiền hương đăng tổ tiên họ Đinh và điện Đốc Hựu. Nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật đều có chung một nhận xét di tích có niên đại gần 600 năm như thế chắc phải có nhiều tư liệu nhưng tại sao không thể tìm thấy gì ngoài 1 tấm bia mộ chí của công chúa Gia Thục. Cũng rất may, khi phát lộ mộ chí, nhân dân làng An Phúc với tinh thần bảo vệ di sản văn hóa cao cho rằng tấm bia này có thể liên quan tới điện Đốc Hồ nên họ đã mang về đền Gia Thục. Bia không chân không trán. Văn bia chép trên tảng đá hình chữ nhật có kích thước 76cm x 36cm, tổng số chữ là 254 chữ, chữ còn rất rõ nét nên thuận lợi cho việc vỗ dịch. Tên bia Gia Thục công chúa mộ chí. Nội dung văn bia kể về cuộc đời Gia Thục công chúa là con gái lớn của vua Lê Thánh Tông, mẹ là người họ Phạm hiệu Tu Nghi chủ cung Trường Xuân. Công chúa ra đời thì mẹ mất, phải nhờ Hoàng thái hậu nuôi 5 năm. Năm Giáp Thân được nhận sắc phong, tới năm Hồng Đức 5 (1474) công chúa được gả cho con trai Thái bảo Kiến Dương Hầu Lê Cảnh Huy tên là Tòng. Công chúa là người phụ nữ nết na, hiền hậu, xuất thân con hoàng đế, khi lấy chồng tầm thường nhưng vẫn giữ đạo làm vợ, không ai có lời chê trách. Bà đã có sinh con nhưng vô dưỡng, đoản mệnh tuổi 22. Đám đàn bà con gái trong cung ai ai cũng sụt sùi thương tiếc, thậm chí có kẻ khóc tru trời. Vậy mới có minh rằng: Thất bảo hoa hoa/Lục châu phiến phiến/Hốt lai thốt thệ/Thục cứu huyền thiên. Tạm dịch: Thất bảo lung linh/Lục châu óng ánh/Bỗng đâu khuất núi/Hỡi trời thấu chăng? (Thất bảo: có 4 thuyết của nhà Phật về 7 vật quý, có thuyết tiêu biểu là: kim ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô, pha lê). Theo người dân làng An Phúc, khi phát lộ mộ chí Gia Thục công chúa có rất nhiều ngọc quý. Những viên ngọc quý Gia Thục công chúa mang theo về thế giới bên kia đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia mang về Hà Nội trưng bày, chỉ còn lại viên ngọc luôn tỏa sáng trong cõi nhân gian đó là đức hạnh của Gia Thục công chúa gửi lại nơi cánh đồng Ô Cách.

Lại nói về vị vua anh minh nhất triều Lê là vua Lê Thánh Tông. Đau đáu nỗi trở trăn khi giang sơn bờ cõi bị giặc phương Bắc nhòm ngó, xâm lăng, năm 1471, vua Lê Thánh Tông chỉ dụ với quan Thái bảo Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự nhiên vứt đi được. Phải kiên quyết tranh luận, không để họ (ý chỉ phương Bắc) lấn dần. Nếu họ còn không theo, có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, kẻ ấy phải bị trị tội tru di”. Các sử gia đều trân trọng khi đưa ra nhận xét rằng một dân tộc mà giang san của tổ tiên để lại luôn bị mối đe dọa xâm lăng thường trực từ phương Bắc thì lời căn dặn ấy của vị vua được cho là tài giỏi nhất trong lịch sử dân tộc luôn đúng đắn và phải được khắc ghi. Có lẽ thế mà vua Lê Thánh Tông đã gả con gái trưởng đoan thục hiếu đễ của mình cho con trai Thái bảo Lê Cảnh Huy cho thắm tình thông gia, tiện việc gìn giữ biên cương. Và Gia Thục công chúa đã về làm dâu con nhà Thái bảo, cũng từ đó vị thế gia tộc Thái bảo Lê Cảnh Huy được nâng tầm “danh gia vọng tộc”. Cũng theo nhiều ý kiến nhận định của các nghiên cứu, học giả Trần Trọng Kim khi nhận định về Lê Thánh Tông trong cuốn Việt Nam Sử Lược rằng: “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam... bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”.

Sinh ra nơi điện ngọc, xuất thân “lá ngọc, cành vàng” nhưng Gia Thục công chúa lại gần gũi dân nghèo, nhu thiện và nhân từ.


Ông Khiếu Hồng Chuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song An (Vũ Thư)

Năm 1987, tôi rời quân ngũ về nghỉ hưu tại quê nhà thôn An Phúc, xã Song An. Năm 1988, đang làm đồng thì mọi người nói với tôi là ông Khiếu Văn Tự cùng làng trong lúc san lấp đất đã làm bật nắp ngôi mộ cổ, cần tôi về đó giúp. Tôi thấy trong hầm mộ có tấm bia đá khắc chữ Nho còn sắc nét và rất nhiều vật tùy táng. Chúng tôi hội ý nhanh phải bảo vệ di mộ cẩn thận. Những vật tùy táng được chúng tôi bảo vệ cẩn thận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Hiện tại phần lăng mộ của Gia Thục công chúa đã được trùng tu, tôn tạo bằng đá, thể hiện ý thức bảo vệ di tích lịch sử văn hóa rất cao của người dân.
 
Bà Hoàng Thị Lai, thôn An Phúc, xã Song An (Vũ Thư)

Từ lúc tấm bé tôi đã biết khu rừng đầy những cây cổ thụ, có đủ loài chim muông, cầy, cáo, nai, hoẵng nhưng tuyệt nhiên không có hổ báo. Rừng có hai khu đất vuông vức nhưng không có cây cối mọc, chỉ có cỏ lưa thưa, dân gian gọi là Súc hay bàn cờ. Hai bàn cờ này có một cái nổi và một cái trũng. Thời kỳ cuối những năm 1980, thực hiện chính sách khoán 10, nhân dân được chia đất tập trung san lấp mặt bằng mới phát lộ ngôi mộ cổ của Gia Thục công chúa. Nhân dân An Phúc chúng tôi rất tự hào về truyền thống lịch sử quê hương nơi sinh ra Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, người đã sinh ra vị vua anh minh triều Lê sơ. Gia Thục công chúa lại là người hiếu đễ với dòng tộc họ Đinh, bà là người phụ nữ đức quý, nhu thiện, nhân từ.

Bà Nguyễn Thị Cháu, 87 tuổi, hội trưởng Phật giáo thôn An Phúc, xã Song An (Vũ Thư)

Lăng mộ Gia Thục công chúa dân gian vẫn quen gọi là “Mả Chúa” bởi những truyền thuyết mang màu sắc tâm linh. Nhân dân và tín đồ Phật tử chúng tôi trân trọng lịch sử, cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu.


Quang Viện