Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

Hóa Giang vọng hải đài

Thứ 2, 08/07/2019 | 08:56:41
3,331 lượt xem
Đền Chòi (thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) lạc trên một gò đất cao nhìn ra biển Đông, tương truyền nơi đây xưa là vị trí tiền đồn cảnh giới của triều đình.

Đền Chòi hay còn gọi là đền Dinh hoặc đền Tam Tòa (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy).

Ngọc phả đền Chòi (thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) có ghi đền thờ “Hai vị đại vương càn chỉ thượng đẳng thời vua Hùng, bộ thứ nhất trong bộ Lễ của nhà nước chính bản”... Thời nhà Trần “mùa xuân năm 1285, quân Nguyên - Mông sang xâm lược, hai người con trai của vương phụ Trần Công Chỉ bồ là Trần Điển Công và Trần Đông Công dùng thuyền không thả trôi trên biển, đánh lừa quân giặc cứu thoát các vua Trần. Vua Trần Nhân Tông cảm kích tài trí Điển Công và Đông Công đã phong cho hai vị là tướng quân, trấn giữ vùng cửa biển Đại Bàng”.

Đền Chòi là di tích lịch sử văn hóa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật đặc trưng phong cách thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX. Dưới triều vua Thành Thái, đền Chòi được xây dựng quy mô lớn, từ ngoài vào trong có tòa tắc môn được kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các ba tầng hướng nhìn ra cửa biển Hóa Giang. Qua sân tế đến tòa Đại bái năm gian có giang án, bàn thờ, hoành phi, đại tự, câu đối sơn son thếp vàng. Các mảng cốn, thành rường... đều được chạm trổ tứ linh, tứ quý nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Tòa điện Đệ nhị gồm năm gian. Tòa điện Đệ tam (Thượng điện) là nơi bài trí bài vị của các vị thần. Các đồ tế khí đều có từ đời Lê và đời Nguyễn.

Đền Chòi tọa lạc trên một gò đất cao nhìn ra biển Đông, tương truyền nơi đây xưa là vị trí tiền đồn cảnh giới của triều đình. Bước vào đền, ngay chính giữa tòa Đại bái là đôi câu đối:

Đức kỳ thịnh hồ chính trực thông minh nhỉ nhất
Tòa chí chí đã cao minh bác hậu dữ tham

Tạm dịch

Đức cả thịnh thẳng ngay sáng suốt chung làm một
Dân suy tôn gương cao dày rộng kết tham gia

Đền Chòi hay còn gọi là đền Dinh hoặc đền Tam Tòa thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, đền được truyền tụng là chốn linh thiêng. Đền Chòi là một trong những công trình kiến trúc nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bao gồm đền Chòi, chùa Bến, chùa Chỉ Bồ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1989, do đền còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa và có quy mô nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đền Chòi thờ Tam phủ, nhân thần thờ vương phụ Trần Công Kỷ, vương mẫu Đào Thị Riêu, hai người con trai là tướng công Trần Điển Công và Trần Đông Công sự tích. Nơi cấm điện có một cuốn thư sơn son thếp vàng 4 chữ: “Từ thần đẳng thượng”, nghĩa là “Thượng đẳng đền thiêng”. 

Theo thần phả, thuở ấy giặc “Xích Tụy” dân gian gọi là giặc mũi đỏ dấy binh ở Đông Hải tràn vào nước ta, binh lính đông hàng vạn người chuyên cướp của dân về ăn lại còn gọi gió hú mưa, biến hóa trăm điều. Trước nguy cơ bị giặc Xích Tụy xâm lược, tàn phá đất nước, triều đình cử văn thần, võ tướng ra trấn áp nhưng đều thất bại. Nhà vua bèn lập đàn cầu đảo thiên địa, chợt thấy một cụ già đầu râu tóc bạc từ ngoài đi vào, đến trước đàn cầu thiên địa chắp tay vái lạy. Thấy lạ, nhà vua liền ra chào và hỏi: “Nay nước nhà có quỷ mũi đỏ xâm hại, được thua như thế nào xin nguyện cho”. Cụ già liền hành lễ, lúc lâu quay sang nói với nhà vua: “Khí số là như vậy nên có giặc này, trời đã sinh kỳ nhân, hiện nay đang ở đạo Sơn Nam, nhược cầu được thì lũ giặc này không đáng sợ”. Nói xong, cụ già bỏ đi. Vua biết đó là ý trời bèn sai sứ giả qua đạo Sơn Nam để treo bảng chiêu mộ, ai là người anh tài, có mưu trí, có nhiều thần thuật pháp bình được Xích Tụy quỷ quái thì được bệ hạ trọng thưởng. Một hôm, sứ giả đi đến khu Chỉ Bồ rao chỉ, hai Công nghe thấy mừng lắm liền thấy một trận cuồng phong, trên không trung chễm chệ hai vị nói với Điển Công và Đông Công rằng: “Hai chúng ta là Đế Thích Phạm vương và Niêm La Thiên tử bảo hai khanh kịp ra diệt giặc. Khi đến gần nơi giặc đóng quân nên lập đàn kỳ đảo, hai ta ắt xuống cứu đấy”. Hai Công cả mừng bèn làm lễ bái tạ rồi thẳng tiến kinh đô bái yết nhà vua. Thấy hai anh em tướng mạo đường đường, oai phong lẫm liệt vua bèn phong cho Điển Công làm Điển tước Đại nguyên soái; Đông Công làm Nguyên soái quản các dinh kiêm thủy bộ Đại tướng quân, lĩnh mười vạn quân đến thẳng Đông Hải. Quân giặc Xích Tụy chỉ nhìn thấy uy tướng hai vị Đại nguyên soái đã hồn bay phách lạc rút chạy thục mạng. Tin báo về triều, nhà vua mừng khôn xiết. Nhưng Điển Công và Đông Công tâu với nhà vua rằng công lao do Đế Thích Phạm vương và Niêm La Thiên tử trợ giúp, tấu xin nhà vua cho lập đền thờ ở khu Chỉ Bồ. Nhà vua chuẩn y nhưng phán rằng: Đế Thích là Trời, Niêm La là đất, ta đâu dám sắc phong. Vua bèn sai sứ thần về Chỉ Bồ hành lễ, đem tiền vàng ban cho làng Chỉ Bồ xây đền chính (đền Chòi nay), chia cho 4 làng: Chỉ Bồ, Tri Chỉ, Tam Tri và Lỗ Trường bạc vàng để sửa sang đền miếu phụng thờ hai vị tiên công. Hồ sơ đề nghị công nhận đền Chòi là di tích lịch sử cấp quốc gia đã khẳng định: “Trải qua 700 năm ở nơi đầu sóng ngọn gió, dấu vết thành luỹ trên mặt đất không còn song những truyền thuyết, ký ức dân gian có liên quan đến đền Chòi cũng như những trận chiến oanh liệt của quân và dân thời Trần tại cửa biển Đại Bàng vẫn còn ghi lại qua các thần phả của đình, đền. Hiện tại, quanh khu vực gò đất cao của ngôi đền này còn tồn giữ được nhiều dấu vết của hệ thống giếng nước thời Trần...”. 

Sử cũ chép “Mùng 8, tháng 1, năm Mậu Thân (1288), hai Công đã cùng nhân dân Đại Việt đoàn kết kháng chiến chống quân Nguyên - Mông bạo tàn, đánh tan âm mưu xâm lược nước ta qua cửa biển Đại Bàng của quân giặc. Sau khi đánh tan quân Nguyên - Mông, người dân sinh sống quanh cửa biển Đại Bàng gặp phải trận dịch tả, hai vị huy động người dân đào giếng lấy nước cho dân, nhưng tất cả các giếng đều không có nước, giếng nào có thì nước cũng ngang, hoặc mặn chát, không dùng được. Trong lúc dân làng nguy cấp, hai vị đã cho mời thầy địa lý về để chọn lựa chỗ có mạch nước ngầm, đào giếng lấy nước cho dân ăn. Kỳ lạ là sau khi sử dụng nước ở giếng đào này người dân thấy khỏe mạnh, dịch bệnh cũng được đẩy lùi”. Hai giếng như hai mắt rồng còn trong đền Chòi.

Hai cột bên tòa Đệ Nhị có đôi câu đối ca ngợi công đức của hai nam tử họ Trần là Điển Công và Đông Công:

Hữu công đắc tự chi hãn tai lạc hoạn Xích Tụy quỷ thôn thanh dân đáo ư thụ tứ
Bất ngẫu kỳ sinh dã huy vụ phức hương hoàng y quan cựu chuyện thánh bất khả tri vị thần

Tạm dịch:

Có công được phụng thờ, ngăn chặn dịch bệnh, loại trừ dịch quỷ đỏ, nay dân đến chịu ơn sâu nặng

Không ngẫu nhiên mà sinh được, do lòng trời nên quan áo vàng ứng mộng, đây là bậc thánh đâu phải là thần

Lễ hội đền Chòi được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch hàng năm.


Ông Bùi Hữu Đặng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy

Từ xa xưa dân gian làng Chỉ Bồ vẫn truyền tụng câu ca: Đông từ, Tây tự án ngữ Đồ Sơn/Lịch đại đế vương viên tiêu cảnh giới (nghĩa là đền Chòi xưa là vị trí tiền đồn cảnh giới quân sự bảo vệ kinh thành, đất nước chống giặc ngoại xâm mà các bậc đế vương đã chọn). Còn có câu: Đông từ, Tây tự huyệt tại kỳ trung/Tứ đại tiến sĩ, bát vị quận công (ý nói làng Chỉ Bồ là đất phát khôi khoa, nhiều vị đỗ đại khoa và danh tướng được phong quân công).

Cựu chiến binh Mai Công Mần, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chỉ Bồ, thủ từ đền Chòi, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy

Những năm qua, nhờ tấm lòng công đức của người dân địa phương, con em xa quê, khách thập phương, xã Thụy Trường đã đầu tư tu bổ, nâng cấp nhiều hạng mục công trình của khu di tích đền Chòi. Hội đền Chòi hiện nay được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính, không chỉ là lễ hội của riêng người dân Thụy Trường mà là của nhiều người dân quê biển tưởng nhớ tri ân những vị thần linh, tướng quân có công dẹp giặc cứu nước, cứu dân và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ông Phạm Bá Phong, Phó ban Quản lý di tích đình Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy

Nhân dân thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường chúng tôi luôn mong muốn ngoài nguồn kinh phí xã hội hóa, Chính phủ và tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để tu bổ, nâng cấp các hạng mục của di tích đền Chòi đang có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, mở rộng khuôn viên của ngôi đền cho xứng tầm với một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia có ý nghĩa lớn về lịch sử và văn hóa tâm linh như đền Chòi.


Quang Viện 

  • Từ khóa