Thứ 4, 13/11/2024, 05:27[GMT+7]

Viết tiếp nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ

Thứ 2, 26/08/2019 | 08:38:08
1,127 lượt xem
Báo Thái Bình chủ nhật ngày 28/7/2019 đăng bài “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ”, ngay sau khi báo phát hành bạn đọc trong và ngoài tỉnh và rất nhiều cựu chiến binh đã điện hỏi tác giả có hay không một tình yêu lãng mạn của nữ thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngọc Điệp với người lính có tên Thợi ở quê hương Thái Bình? Sau những kỳ công tìm kiếm chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc phần tiếp theo của câu chuyện tình yêu thời chiến vắt qua hai thế kỷ.

Ảnh minh họa.

Theo nỗi day dứt tìm người lính có tên Thợi


Báo Thái Bình phát hành buổi sáng 29/7/2019 thì ngay buổi chiều Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh gọi điện cho tôi thông báo tin rất vui: Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình có hội viên Vũ Văn Thợi hiện đang sinh sống ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Ông Thợi sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1967, kết thúc chiến tranh năm 1975 ông Thợi chuyển ngành về công tác ở Trường Kinh tế kỹ thuật tỉnh nay là Trường Đại học Thái Bình. Năm 1993 về nghỉ hưu sinh sống ở xã Quốc Tuấn. Đại tá Nguyễn Văn Hán nói thêm, đây có thể là trường hợp anh Thợi mà nữ thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngọc Điệp đã thao thức và day dứt hơn nửa thế kỷ đi tìm. Hơn mười vạn hội viên cựu chiến binh tỉnh Thái Bình chỉ có một hội viên tên là Thợi sao? Tôi đặt câu hỏi và tìm cách trả  lời.
Tìm đến ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh tế kỹ thuật tỉnh Thái Bình để nắm thêm một số thông tin về cựu chiến binh Vũ Văn Thợi. “Anh Thợi sống hiền, chất phác thật thà…” - ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định. Mang theo tình yêu day dứt của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp tìm về thôn Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn và rất đúng với thông tin ban đầu tôi có được về anh Thợi dù đã ở tuổi 77 nhưng anh có phong thái nhanh nhẹn, nụ cười hiền, chất phác chân quê. Ngồi tiếp chuyện tôi có thêm vợ anh là chị Phạm Thị Rúm, chị kém anh Thợi 5 tuổi nhưng lại là bạn học thuở thiếu thời. Hai anh chị đều được kết nạp Đảng năm 1966, cùng làm công tác đoàn ở địa phương, đến năm 1967 anh Thợi nhập ngũ rồi vào miền Nam chiến đấu. Năm 1971, anh được về nghỉ phép, đôi bạn học Thợi - Rúm nên vợ nên chồng, anh chị có ba người con đều yên bề gia thất - anh Thợi thật thà khoe như vậy. Khi tôi gợi hỏi anh về những kỷ niệm chiến tranh anh chỉ nhớ về những người đồng đội đã nằm lại chiến trường, tất thảy không có câu chuyện nào anh nhắc tới tình yêu đôi lứa. Khi tôi đưa anh đọc được nỗi day dứt của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp gửi anh Thợi quê Thái Bình, mặt anh thoáng đỏ. Anh nói thế này thì thương chị Điệp quá, cảm phục chị Điệp nhưng tôi không quen và không gặp chị Điệp trong chiến trường - anh Thợi quả quyết. Câu nói của anh Thợi chạm vào tâm của chị Rúm, chị Rúm nói chen vào câu chuyện: Giá anh quen biết chị Điệp thì có hay không? Nhà mình có thêm người bạn tri kỷ, ta sẽ mời chị ấy ra Thái Bình và về thăm gia đình… Cựu chiến binh Vũ Văn Thợi quê xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương không phải là người để lại cho chị Hoàng Thị Ngọc Điệp nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ… Tôi chia tay anh chị Thợi và tiếp tục cuộc dò tìm người lính có tên Thợi quê Thái Bình.


Day dứt của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp đã…


Tỉnh Thái Bình chỉ có ba liệt sĩ có tên là Thợi, đó là khẳng định của chị Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Liệt sĩ Nguyễn Đức Thợi quê ở xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1953. Trường hợp này chắc chắn không phải là người chị Điệp tìm kiếm. Liệt sĩ Giang Văn Thợi quê xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy nhập ngũ năm 1968 đơn vị C10, D16, E282, F367 hy sinh năm 1971 cũng không phải là bạn yêu chiến trường chị Điệp day dứt vì anh Thợi của chị nhập ngũ năm 1967. Như vậy chỉ còn lại trường hợp liệt sĩ Vũ Văn Thợi sinh năm 1949 quê xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ nhập ngũ năm 1967, hy sinh năm 1969 có thể là người mà chị Điệp day dứt trăn trở hơn nửa thế kỷ qua. Tôi chụp hình tờ giấy báo tử liệt sĩ Vũ Văn Thợi và mang theo day dứt của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp tìm về gia đình ông Vũ Xuân Hoằng, thôn An Ấp, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ. Ông Hoằng là em trai có trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ Vũ Văn Thợi. Nâng bức chân dung liệt sĩ Vũ Văn Thợi trên tay, ông Hoằng cho biết bức ảnh truyền thần chân dung liệt sĩ Vũ Văn Thợi khuôn mặt có béo hơn so với dáng người thực của anh. Trước khi nhập ngũ, anh Thợi là con trưởng trong gia đình có 11 anh chị em, tính rất hiền và thanh tú như thư sinh. Anh Thợi cũng có tài văn nghệ, giọng nói truyền cảm có duyên và dễ gần ai cũng yêu quý. Chụp lại bức chân dung liệt sĩ Vũ Văn Thợi tôi niệm tâm “Anh Thợi khôn thiêng nếu anh là người cuối năm 1967 trước ngày vào miền Nam chiến đấu có ước hẹn yêu chị Hoàng Thị Ngọc Điệp nữ thanh niên xung phong người con gái Nghệ An thì mách bảo bởi hơn nửa thế kỷ chị Điệp đã day dứt đi tìm anh, anh Thợi ơi…”. Tôi đưa ông Vũ Xuân Hoằng tờ Báo Thái Bình số ra ngày chủ nhật 28/7/2019 đăng bài “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” và những day dứt của chị Điệp từ hơn nửa thế kỷ qua, ông Hoằng đọc xong và thốt lên: Đúng rồi. Chuyện này là của anh tôi đó. Ghi lại cảm xúc của ông Vũ Xuân Hoằng khi tiếp nhận thông tin chị Hoàng Thị Ngọc Điệp hơn nửa thế kỷ đi tìm người yêu, tôi kết nối điện thoại để ông Hoằng và chị Điệp trực tiếp trao đổi thông tin chị Điệp cần, mọi thông tin hai người trao đổi với nhau trùng khớp về liệt sĩ Vũ Văn Thợi. Qua điện thoại tôi chuyển tới chị Điệp bức chân dung liệt sĩ và em trai liệt sĩ. Từ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, giọng chị Điệp nấc nghẹn, chị nói với tôi: Đúng rồi nhà báo ạ, đúng là anh Thợi của tôi rồi, tôi nhìn chân dung - nhất là người em trai là tôi nhận ra ngay anh Thợi. Tôi quá xúc động, nước mắt cứ tuôn trào. Tôi không tin được dù đó là sự thật đau thương. Mấy chục năm qua tôi tham gia đi tìm phần mộ liệt sĩ mà không tìm được nơi anh Thợi đang nằm. Ôi trời đất! Lại là kết nối âm dương bây giờ tôi chỉ ước mong anh Thợi của tôi linh thiêng chỉ cho tôi và gia đình anh ấy phần mộ nơi anh nằm mà tờ giấy báo tử số 420/c do Bộ CHQS tỉnh Thái Bình báo tử ngày 1/8/1974 có ghi: Chúng tôi rất thương tiếc báo tin và chứng nhận đồng chí Vũ Văn Thợi cấp bậc thượng sĩ, chức vụ a trưởng quê quán xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, sinh năm 1949, nhập ngũ tháng 8/1967 đã hy sinh ngày 19/3/1969 tại mặt trận phía Nam vì sự nghiệp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Thi hài đã mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận.


Như vậy 50 năm qua anh Thợi nằm ở đất rừng phương Nam giờ đã được quy tập vào nghĩa trang nào trở thành tâm nguyện của chị Điệp. Anh Thợi luôn sống mãi trong trái tim tôi, chị Điệp nhiều lần thốt lên như vậy và quả quyết sẽ thu xếp về quê hương An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để thắp hương cho anh Vũ Văn Thợi, cho tình yêu không thành đôi của mình. Còn tôi người làm báo cũng hoàn thành tâm nguyện xóa đi nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ của chị Hoàng Thị Ngọc Điệp.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa