Thứ 4, 13/11/2024, 05:30[GMT+7]

Tôn thần làng Hú

Thứ 2, 02/12/2019 | 08:45:51
6,486 lượt xem
Cụm di tích đình, chùa Hú là cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng lớn nhất huyện Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà), cạnh “chái” đình còn căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, do đó làng Hú được Chủ tịch nước tặng “Bằng có công với nước”.

Cụm đình, chùa làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà.

Ngọc phả đình Hú (làng Hú, xã Bái Trạch, tổng Hồng Vũ, huyện Ngự Thiên, đạo Sơn Nam (nay là làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà) chép “Trải các triều đại từ Hùng Duệ vương đến Đinh, Lý, Trần, Lê... đời nào cũng ban sắc phong, gia phong mỹ tự cho làng Hú, cho cụm đình, chùa, miếu làng Hú. Đợi đến đời vua Trần Thái Tông, khi quân Nguyên Mông tràn sang xâm chiếm nước ta, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương đã đến cung sở của tứ vị Đại vương làng Hú dâng hoa đăng quả thực cầu thần linh phù hộ đánh thắng quân giặc Nguyên Mông bạo tàn hiệu quả linh nghiệm. Vua Trần gia phong mỹ tự linh ứng tôn thần cho tứ vị Đại Vương là "Vạn cổ phúc thần"...

Tương truyền, ở làng Hú có đôi vợ chồng họ Nguyễn, húy danh Bảo Công sống lương thiện được thiên đình cho thủy thần linh ứng đầu thai đợi đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Thìn giáng sinh một bào thai có 4 người con trai tuấn tú, lớn lên làm tì tướng giúp Hai Bà Trưng đánh tan quân giặc Đông Hán thu non sông về một mối. Ngày ca khúc khải hoàn, 4 vị linh thần cáo từ song thân phụ mẫu hóa về thủy cung, Hai Bà Trưng thương xót cho dựng đền, miếu ở làng Hú phụng thờ... Cụm di tích đình, chùa làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đình Hú thờ tứ vị Đại vương thành hoàng làng có công phò giúp Hai Bà Trưng đánh tan giặc Đông Hán bảo vệ non sông, bờ cõi. 4 anh em con ông Nguyễn Bảo Công và bà Trần Thị là Đông Mậu, Hải Đáp, Phổ Chiếu và Cự Gia. Sau khi đánh tan giặc Đông Hán, Hai Bà Trưng lên ngôi đã phong tước cho 4 anh em họ Nguyễn, ban thưởng nhiều vàng, bạc, châu báu và phong thái ấp ở làng Hú, xã Bái Trạch. Không bao lâu sau chiến thắng, 4 anh em họ Nguyễn đột ngột hóa về trời, Hai Bà Trưng thương xót gia phong thần hiệu “Đại vương thượng đẳng phúc thần”, sắc phong cho nhân dân làng Hú dựng miếu, xây đình, chùa thờ phụng tứ vị Đại vương.

Các bậc cao niên làng Hú vẫn “thuộc lòng” câu chuyện truyền ngôn về sự tích tứ vị Đại vương thành hoàng bản cảnh làng Hú. Truyền ngôn rằng, xưa kia làng Hú có gia đình họ Nguyễn, húy Bảo Công và Trần Thị. Hai vợ chồng làm nhiều việc thiện tích phúc, hiềm nỗi ông bà muộn đường con cái. Một ngày hè trời nóng bức, bà Trần Thị ngồi hóng mát ở bờ sông, bỗng dưng dưới sông có con Giao Long to lớn lao tới quấn chặt người bà. Bà Trần Thị ngất đi, dân làng thấy vậy chạy về báo cho Bảo Công biết. Bảo Công lo sợ liền lập đàn cầu đảo. Đêm ấy, Bảo Công nằm mộng chiêm bao thấy cụ già râu tóc bạc phơ nói với Bảo Công: “Đó là điềm lành, Thượng thiên thấy nhà ngươi chăm chỉ, hiền lành, làm nhiều việc thiện tích phúc nên ban phước cho 4 vị thủy thần giáng thế đầu thai làm con cái”. Rồi bà Trần Thị hoài thai, nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Thìn sinh ra một bọc, bọc nở ra 4 người con trai khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên 4 người con trai của Bảo Công chăm chỉ dùi mài kinh sử, tập luyện cung kiếm. Một hôm, các vị chức dịch trong làng họp bàn xây dựng hành cung bảo vệ làng xóm. 4 người con trai Bảo Công được dân làng phân công trấn ải bốn phương và đặt phiên hiệu: Đệ Nhất Đông Mậu cung; Đệ Nhị Hải Đáp cung; Đệ Tam Phổ Chiếu cung; Đệ Tứ Cử Gia cung. Nhận nhiệm vụ làng giao, 4 anh em họ Nguyễn đồng thanh: “Ta vâng lệnh Thượng Thiên tháo nhập làm con trai họ Nguyễn, để bảo vệ dân làng cần nhanh chóng “xúc tinh binh lương, âm đồ đại sự” mới có thể diệt trừ Tô Định, bảo vệ nước Nam. Rồi quân giặc kéo đến, trên là phủ Khoái Châu, dưới là phủ Tân Hưng 4 anh em họ Nguyễn cùng hương binh giao chiến với quân Tô Định 20 trận đều toàn thắng. Uy thế 4 anh em họ Nguyễn nức tiếng xa gần. 4 anh em họ Nguyễn lại nói với dân làng rằng: “Chúng ta có chí lớn mà chưa được sánh cùng người trung chính làm sự nghiệp lớn nên nghiệp lớn khó thành. Xem thiên văn chúng ta biết, đất Tây phương nước Việt ta có nữ tướng thánh nhân, hiềm vì vua tôi chưa gặp nhau nên chưa dung đạt ý đồ lớn”. Rồi một ngày ở “Hát Môn giang khẩu” huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai có nữ tướng là Trưng Trắc cháu ngoại vua Hùng cùng em gái Trưng Nhị chuẩn bị khởi binh “đền nợ nước, trả thù nhà”  quyết giết sạch giặc Đông Hán, giết Thái thú Tô Định trả thù cho chồng là Thi Sách. Nghe tiếng 4 anh em họ Nguyễn ở làng Hú, Trưng Trắc sai Trưng Nhị về làng Hú thỉnh mời 4 anh em họ Nguyễn về Hát Môn tụ nghĩa. 3 vạn binh mã cùng 4  vị chủ tướng trẻ tuổi rầm rập kéo quân về Hát Môn hội nghĩa cùng nữ tướng Trưng Trắc. Theo ngọc phả, thần phả, thần tích đình, chùa, miếu (làng Hú, xã Bái Trạch) và truyền ngôn: Thời nhà Hán sau khi đánh chiếm nước ta, Hán Vũ Đế đã cử Thái thú Tô Định sang cai trị và áp dụng chính sách hà khắc của nhà Hán để đàn áp nhân dân ta, chúng cướp đoạt của cải, châu báu, trong đó có việc bắt dân Giao Chỉ lên rừng tìm sản vật quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, trầm hương và xuống biển mò ngọc trai khiến cho lòng dân oán thán, căm thù. Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em ruột, con gái Lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi vua Hùng. Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách tính kế khởi binh chống nhà Hán, bảo vệ non sông. Theo các nguồn khảo luận khi chưa có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Thái thú Tô Định đã vô cớ giết chết Thi Sách, hành vi bạo ngược của Tô Định càng làm cho Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ “đền nợ nước, trả thù nhà”, dựng lại cơ nghiệp xưa của các vua Hùng. Ba năm sau, nhà Hán cử tướng Phục Ba Mã Viện sang nước ta để tiếp tục cuộc xâm chiếm. Nhiều trận đánh nổi tiếng đã diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau kéo dài từ Phú Thọ xuống tận đất Ngự Thiên...

Sử cũ ghi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thu hút sự hưởng ứng của các lạc hầu, lạc tướng và nhân dân ta. Xuất phát từ Hát Môn, Hai Bà đánh phá đô úy trị của giặc ở Hạ Lôi (Mê Linh) sau đó kéo quân từ Mê Linh xuống Tây Vu đánh chiếm Cổ Loa, từ  Cổ Loa, quân của Hai Bà Trưng vượt sông Hồng, sông Đuống đánh chiếm thành Luy Lâu (nay là Bắc Ninh) là châu trị và quận trị của bọn đô hộ nhà Hán và truy quét tàn quân đến tận cửa biển Thái Bình nay. Hoảng sợ trước khí thế ngút trời của nhân dân ta, bọn địch không thể chống cự được đành bỏ chạy tháo thân về nước. Thái thú Tô Định cũng lẻn bám theo lũ tàn quân về nước. Chỉ trong vòng hai tháng, nghĩa quân Hai Bà Trưng đã giải phóng toàn bộ 65 quận, huyện, thành giành lại chủ quyền dân tộc. Mùa hè năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) Trưng Trắc được tướng sĩ tôn làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng Nhị được phong là Bình khôi Công chúa. Các tướng sĩ khác đều được phong thưởng chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Dân cả nước được miễn thuế hai năm liền.

Ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Cụm di tích lịch sử văn hóa đình, chùa, miếu (ngôi miếu cổ đã bị phá) làng Hú được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là nơi hội họp và hoạt động bí mật của Chi bộ đảng xã Hòa Hú, tổng Hiệu Vũ, huyện Ngự Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Chi ủy chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Kiểm và Nguyễn Văn Bảy (người làng Hú) đã đứng ra thành lập “Hội cùng đinh” nhằm tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn cường hào, địa chủ gian ác, phá bỏ hủ tục lạc lậu, xây đời sống mới. Ngày nay, lực lượng cựu chiến binh xã Hòa Tiến nói chung và thôn Hú nói riêng luôn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho các thế hệ tiếp nối.


Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tấn, thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Đình Hú được xây dựng với lối kiến trúc chạm khắc gỗ nghệ thuật độc đáo, tuy nhiên một số cột đình đã xuống cấp và được tôn tạo vào năm 2009 chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Thời xa xưa, đình Hú được xây dựng nhỏ và được xây dựng lại thời hậu Lê, đến đời các vua triều Nguyễn đình đều được tu bổ, tôn tạo và sắc phong, do vậy cụm di tích đình, chùa Hú mang đậm dấu ấn kiến trúc hậu Lê và Nguyễn.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tháp, thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Cụm di tích đình, chùa Hú là cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng lớn nhất huyện Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà), cạnh “chái” đình còn căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, do đó làng Hú được Chủ tịch nước tặng “Bằng có công với nước”.


Quang Viện 

  • Từ khóa