Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Đất mẹ, quê cha

Thứ 2, 24/02/2020 | 09:33:07
3,536 lượt xem
Tương truyền, bị giặc Đông Hán truy đuổi đến cùng đường, nữ tướng Cẩm Hoa thời Hai Bà Trưng trước khi “quẳng thoa” trẫm mình xuống dòng sông Rèm quê mẹ của bà ở làng Lộ Xá (nay là xã Thăng Long, huyện Đông Hưng), đã rút gươm, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Ta sinh vì việc nước nay chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy”. Thi hài bà được dòng nước sông quê cuốn trôi đưa về quê cha của bà ở làng Thượng Phán (nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ).

Cụm chùa miếu làng Thượng Phán, nơi thờ nữ tướng Cẩm Hoa và đôi câu đối tối cổ vẫn còn hoang sơ.

Dân gian ghi nhận công lao nữ tướng Cẩm Hoa đối với cuộc chiến chống quân Đông Hán năm 42 thế kỷ I, đặc biệt cuốn “Đinh gia thế phả” còn lưu giữ được của dòng họ Đinh, xã Đông Đô, Bình Lăng, huyện Hưng Hà có ghi: “… khi Lê Lợi sai tướng quân Đinh Liệt và Lê Sát cùng đạo quân Thiết Đột đi chặn đánh 15 vạn quân nhà Minh xâm lược do Liễu Thăng và Mộc Thạch tràn sang. Trước khi vào trận, Đinh Liệt có vào miếu thờ nữ tướng Cẩm Hoa ở làng Thượng Phán (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ nay) thắp hương cầu nguyện bà linh ứng phù hộ quân tướng đánh thắng giặc. Quả nhiên quân Minh bị đánh tan tác, thật đúng như lời nữ tướng Cẩm Hoa truyền lại “ta chết như sống”.

Nữ tướng Cẩm Hoa tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Hoa, sinh năm Canh Thân (năm thứ 10 sau Công nguyên), cha là Nguyễn Hậu làm quan Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), mẹ là Trần Thị Đức. Theo sử cũ chép, ông Nguyễn Hậu quê ở làng Thượng Phán (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ nay), bà Trần Thị Đức quê ở làng Lộ Xá (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng). Hai ông bà lấy nhau nhiều năm mới sinh hạ được một người con gái đặt tên là Cẩm Hoa, ý mong mỏi đứa con gái yêu quý của ông bà sau này lớn lên xinh đẹp như hoa gấm. Cẩm Hoa lớn lên trong vòng tay yêu thương vô hạn của ông bà Nguyễn Hậu, càng lớn Cẩm Hoa càng xinh đẹp, nết na. Nhưng, quân giặc Đông Hán tràn sang đô hộ, giày xéo nước ta gây bao cảnh lầm than khổ cực, chính sách đồng hóa của giặc Hán tàn bạo với dân ta. Tuy làm quan Châu Ái dưới quyền cai trị của giặc nhưng ông Nguyễn Hậu không chịu khuất phục quân Đông Hán, tính khí cương cường, thương dân, yêu nước nên bị Thái thú Tô Định giết hại, lại còn sai quân đi tìm bắt hai mẹ con bà về làm nô tỳ. Cẩm Hoa cùng mẹ phải chạy về quê ngoại Lộ Xá. Trong chuyến điền dã về làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ tìm hiểu về dòng tộc họ Nguyễn thân phụ nữ tướng Cẩm Hoa, nhóm nghiên cứu chúng tôi được ông Đào Văn Mưu, 89 tuổi dẫn đi tham quan khu lăng mộ bà chúa Cẩm Hoa tại cánh đồng chùa miếu đầu làng Thượng Phán và cụm chùa, miếu của làng, nơi phối thờ nữ tướng Cẩm Hoa. Bên phải ngôi chùa là ngôi miếu nhỏ đơn sơ chỉ có ban thờ nhỏ không hương án mà theo người dân nơi đây từ thời các cụ xưa truyền lại đây là nơi thờ nữ tướng Cẩm Hoa. Trải qua bao năm tháng phôi pha, miếu vẫn còn đôi câu đối được khắc chìm trong vữa trát tường: “Nghĩa phụ Trưng Vương vong Bắc quốc/Linh phù Đinh tướng phục Nam bang”. Tạm dịch là: “Bậc nghĩa phụ lớn Trưng Vương dẹp tan quân giặc Bắc/Linh thiêng hãy phù giúp Đinh tướng khôi phục nước Nam”. 

Theo các tài liệu khảo cứu và truyền ngôn, Cẩm Hoa được thừa hưởng chí khí của người cha Nguyễn Hậu không chịu khuất phục quân giặc, lại có tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng. Chứng kiến cảnh giặc Đông Hán áp bức dân lành, hãm hiếp phụ nữ nhằm thực hiện chính sách đồng hóa, sẵn lòng căm thù giặc Cẩm Hoa ngày đêm luyện rèn võ thuật, quyết tâm đền nợ nước, trả thù nhà. Nghe tin Trưng Trắc, Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, Cẩm Hoa chiêu mộ anh hào trong vùng rồi cùng 30 gia thân lên Phong Châu yết kiến hai bà. Ngắm nhìn gương mặt đẹp như trăng rằm, ngọc thể tỏa mùi hương thơm lạ, Hai Bà Trưng có phần ái ngại nhưng khi thử tài ứng đối và võ thuật, Hai Bà thật sự ngỡ ngàng trước tài ứng đối và thao lược binh quyền của Cẩm Hoa. Hỏi ra mới biết, Cẩm Hoa là con gái duy nhất của một vị quan vùng Châu Ái vì yêu nước, thương nòi chống lại giặc Đông Hán mà bị hãm hại, cùng chung mối thù Tô Định nên Hai Bà nhận Cẩm Hoa xung quân. Tương truyền, trước khi hội về Phong Châu, Cẩm Hoa đã về quê cha ở làng Thượng Phán bái yết tổ tông. Bà để lại nơi đây một mũi tên đồng với lời thề đền nợ nước, trả thù nhà. Bà trở lại quê mẹ ở Lộ Xá trút bỏ trâm thoa, tạm biệt dân làng rồi cùng các gia thân, anh tài, hào kiệt trong vùng phất cờ đào lên đường giết giặc. Để tưởng nhớ ngày bà xuất quân theo Hai Bà trưng dựng cờ khởi nghĩa, dân trang Lộ Xá viết đôi câu đối tặng bà trước lúc đi xa:

Quỳnh Côi di chỉ tiêu dư hậu
 Lộ Xá đầu thoa nhân cố lư.

Nghĩa là:
Dấu tích Quỳnh Côi lưu hậu thế
Quăng thoa (Thoa là vòng trang sức đeo cổ bằng vàng) Lộ Xá nhớ muôn đời.

Bà nhận đôi câu đối mà dân trang Lộ Xá dâng tặng, cảm tạ các vị bô lão cùng các dân trang đã dành tặng tình cảm chứa chan và gửi gắm niềm hy vọng ở nơi bà. Bà cưỡi hồng mã, lặng nhìn dân trang lần cuối, ánh mắt rực cháy lòng căm hận quân thù. Đội quân do bà chỉ huy phất cờ hành quân hướng về đất Phong Châu. Gia nhập đội quân của Hai Bà Trưng, Cẩm Hoa được phong nữ tướng đảm trách đánh thành Mai Lĩnh. Chỉ huy đội quân được tôi luyện, bà nhanh chóng hạ thành Mai Lĩnh góp phần cùng các cánh quân trong đội quân hùng hậu của Hai Bà dẹp tan quân giặc, giải phóng hoàn toàn 65 quận, thành thu lại đất Lĩnh Nam, giặc Đông Hán bại trận chạy toán loạn về nước. Bị thua đau, quân Đông Hán không nguôi mộng bá vương quyết tâm quay lại cai trị đất Lĩnh Nam. Vào năm 42 (sau Công nguyên), Hán Quang Vũ (tức Hán Quang Vũ Đế), tên thật là Lưu Tú, là hoàng đế sáng lập nhà Đông Hán đồng thời là vị hoàng đế thứ 16 của nhà Hán sai Mã Viện quay trở lại đánh chiếm Lĩnh Nam.

Trước thế giặc mạnh như chẻ tre, Hai Bà Trưng hạ lệnh cho Cẩm Hoa bên cạnh Hai Bà chiến đấu bảo vệ thành Cấm Khê. Thành Cấm Khê thất thủ, Hai Bà Trưng cùng đội quân của Cẩm Hoa rút chạy đến bến sông Hát. Tại đây, Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết. Còn bà Cẩm Hoa cũng bị thương nhưng bà đã cố gắng cùng vệ binh vừa đánh giặc vừa tìm cách rút về Lộ Xá. Khi về đến Lộ Giang (khúc sông ở cạnh Lộ Xá, nay thuộc xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) thì cùng đường. Quân Đông Hán vẫn đuổi riết sau lưng. Trước tình thế giặc Đông Hán truy sát, để giữ khí tiết và cũng để giữ cho dân trang Lộ Xá thoát khỏi cảnh tàn sát của quân giặc, nữ tướng Cẩm Hoa đã chọn cách tuẫn tiết. Trước khi chết, bà rút gươm ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Ta sinh vì việc nước, nay chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy” rồi bà trẫm mình xuống dòng sông. Thi hài ngậm oan được dòng nước Lộ Giang làng Rèm đưa tiễn trôi về quê cha làng Thượng Phán. Dân làng Thượng Phán thương xót mai táng bà và xây lăng miếu thờ bà. Rất tiếc, trải thăng trầm biến cố, lăng miếu thờ nữ tướng Cẩm Hoa đã phôi pha dấu tích. Dòng họ Đào ở làng Thượng Phán truyền ngôn cho con cháu trong dòng tộc rằng họ là hậu duệ của bà chúa Hoa. Dòng tộc họ Đào làng Thượng Phán hàng năm vẫn cử người về làng Rèm dự lễ hội đền Rèm vào đầu tháng 2 và giỗ nữ tướng Cẩm Hoa vào tháng 8 âm lịch


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin
Nữ tướng Cẩm Hoa thời Hai Bà Trưng thế kỷ I có quê cha được sử cũ ghi ở làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ. Thời nhà Trần thế kỷ XIII, vua Trần Thái Tông lập Đệ tứ cung phi với Hoàng Thị Hằng người xứ Bồng Lai của huyện Từ Liêm (Hà Nội), sau sinh được người con gái xinh đẹp, năm 18 tuổi gả cho Nguyễn Minh, một trang tướng quân nhà Trần quê làng Thượng Phán. Cả công chúa và phò mã nhà Trần đều “Bất đắc kỳ tử”, dân làng Thượng Phán thờ hai người trong đình làng.

Ông Đào Văn Mưu, 89 tuổi, thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ
Tôi cũng vài lần theo các cụ trong dòng tộc họ Đào làng Thượng Phán sang dự hội làng Rèm, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng và dự ngày giỗ bà Cẩm Hoa, vì theo lệ cũ truyền từ đời nọ sang đời kia làng Thượng Phán là quê cha của nữ tướng Cẩm Hoa.

Ông Đào Văn Vân, ban quản lý di tích lịch sử văn hóa từ đường dòng họ Đào, làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ
Từ đường họ Đào chúng tôi phối thờ danh nhân Đào Nguyên Phổ. Hiện dòng họ Đào chúng tôi đã công đức xây khu lăng mộ bà chúa Hoa, công chúa nhà Trần cùng phò mã Nguyễn Minh ở làng Thượng Phán. Chúng tôi cũng rất mong các cấp chính quyền và các nhà nghiên cứu giúp đỡ chúng tôi làm sáng tỏ hơn về tâm linh dòng tộc.

Quang Viện 



  • Từ khóa