Chủ nhật, 10/11/2024, 09:33[GMT+7]

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Thứ 3, 28/03/2017 | 08:30:45
1,598 lượt xem
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và hành lang an toàn giao thông diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là do ý thức và sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Để nâng cao kiến thức pháp luật góp phần thực hiện tốt công tác giải tỏa và tránh tình trạng người dân, tổ chức tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hành lang ATGT, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh.

Vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Trần Tuấn

Phóng viên: Thưa luật sư, chức năng của vỉa hè, lòng đường được pháp luật quy định như thế nào?

Luật sư Hoàng Văn Vinh: Khoản 9, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và vỉa hè. Tại Điều 36, Khoản 1 của Luật cũng quy định: lòng đường và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khoản 2 nêu: các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 36 của Luật; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Phóng viên: Những hành vi nào được xem là vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thưa luật sư?

Luật sư Hoàng Văn Vinh: Những hành vi được coi là vi phạm quy định chi tiết tại Khoản 2, Điều 35; Khoản 3, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đó là: họp chợ, mua, bán hàng hóa; tụ tập đồng người trái phép; thả rông súc vật; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; sử dụng bàn trượt, pa - tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; hành vi khác gây cản trở giao thông; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường.

Phóng viên: Vậy việc xử phạt với các trường hợp vi phạm được pháp luật quy định ra sao, thưa luật sư?

Luật sư Hoàng Văn Vinh: Theo Điều 12, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường, vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép…; họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động dịch vụ khác trái phép…; phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị…; bày bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường, hè phố; chiếm dụng lòng đường hoặc hè phố từ 5 đến dưới 10m làm nơi trông giữ xe. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải dỡ bỏ các công trình vi phạm, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa để khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.

Các hình thức xử phạt được quy định tại Điều 21, Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và trục xuất.

Phóng viên: Thưa luật sư, những cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?

Luật sư Hoàng Văn Vinh: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1; Điểm d, Khoản 2; Điểm d, Khoản 3, Điều 38; Điểm c, Khoản 3; Điểm d, Khoản 4; Điểm d, Khoản 5, Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính, những cá nhân sau có thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm hành chính: Chủ tịch UBND các cấp; trưởng công an cấp xã; trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát phản ứng nhanh, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Khắc Duẩn (thực hiện)