Thứ 5, 14/11/2024, 23:56[GMT+7]

Tỷ phú chạm bạc

Thứ 2, 24/07/2017 | 08:54:26
1,562 lượt xem
Bất chấp những khó khăn, thăng trầm của làng nghề, chị Tạ Thị Tươi, thôn Hữu Bộc, xã Hồng Thái (Kiến Xương) vẫn duy trì và phát triển cơ sở chạm bạc với doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm, trở thành hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương.

Chị Tươi truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ trong làng.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, ít người có thể hình dung chị Tươi lại là người quyết đoán, có ý chí vượt lên khó khăn trong phát triển kinh tế. Chị tâm sự: Từ khi thành lập cơ sở chạm bạc Thái Úy (năm 1995) đến nay, vợ chồng chị nhiều phen điêu đứng, nợ nần bởi thị trường xuất khẩu sang Thái Lan, Lào bị mất, sự cạnh tranh giữa mặt hàng thủ công với hàng công nghiệp về giá rất khốc liệt, thiếu vốn đầu tư, khan hiếm thợ lành nghề… Nhưng mỗi lần đứng trước thất bại, chị lại động viên chồng và cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm và tìm cách vượt qua.

Với nghề chạm bạc, chạm đồng, để tồn tại được, theo chị Tươi, người làm nghề phải sản xuất ra sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường; ngoài ra, sản phẩm bảo đảm độ tinh xảo do bàn tay người thợ thủ công làm ra để tạo sự khác biệt với mặt hàng sản xuất công nghiệp sử dụng máy móc. Để giải quyết những bài toán đó, chị Tươi đã tận tâm truyền dạy bí quyết làm nghề cho người lao động và tranh thủ thời gian, cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Chị Tươi say sưa giới thiệu sản phẩm của mình cho khách hàng.

Nhờ làm ăn có uy tín, hàng hóa đẹp, chất lượng nên hiện nay các sản phẩm của gia đình chị Tươi làm ra có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi năm cơ sở đạt doanh thu từ 4 - 4,2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. 

Chị Đặng Thị Thúy, thôn Đắc Chúng Nam, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) là công nhân làm việc tại cơ sở của chị Tươi chia sẻ: Không chỉ được truyền dạy nghề, chị Tươi còn tạo việc làm ổn định cho công nhân với thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều anh chị em thành thạo tay nghề muốn ra lập cơ sở sản xuất riêng đều được gia đình chị Tươi ủng hộ, hỗ trợ nguyên liệu và nhận bao tiêu sản phẩm.

Một bức tranh đồng quê được chạm trổ tinh xảo và đẹp mắt.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi được hội nông dân các cấp khen thưởng, được UBND tỉnh tặng bằng khen, chị Tươi còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của hội nông dân. Đặc biệt, chị tích cực hưởng ứng, ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới và hoạt động từ thiện, “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. 

Khi được hỏi, sau hơn 20 năm làm nghề, sản phẩm nào chị thấy tâm đắc nhất? Chị Tươi mỉm cười trả lời ngay đó là tác phẩm bức tranh đồng “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” chị đã tiến cúng và được treo trang trọng tại Đền thờ Liệt sĩ huyện Kiến Xương.

" Thôn Hữu Bộc có hơn 100 hộ làm nghề chạm bạc, chạm đồng thì có tới 50 hộ được chị Tạ Thị Tươi dạy nghề và hỗ trợ ban đầu khi khởi nghiệp. Chị không lo làng nghề phát triển mạnh về quy mô sẽ cạnh tranh thị trường của gia đình mà lấy đó làm niềm vui vì cùng nhau bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của ông cha không bị mai một và gây dựng thương hiệu chạm bạc Đồng Xâm ngày càng nổi tiếng, trở thành điểm đến tham quan du lịch làng nghề ở Thái Bình."

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày