Thứ 4, 27/11/2024, 00:45[GMT+7]

Về bên đồng đội

Thứ 3, 25/07/2017 | 17:58:16
1,200 lượt xem
Từ một bức không ảnh bỏ quên 10 năm, tình người đã tạo nên điều kỳ diệu kết nối và xóa nhòa mọi khoảng cách để những con người xa lạ đến với nhau cùng giải mã những câu hỏi của lịch sử, để sau gần nửa thế kỷ những người lính đã anh dũng hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa tết Mậu Thân năm 1968 được trở về đoàn tụ cùng đồng đội.

Những nắm đất quê hương và hoa được thân nhân thả xuống mộ tiễn biệt các liệt sĩ.

Chuyện từ bức không ảnh bỏ quên

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, trận đánh sân bay Biên Hòa từ đêm ngày 31/1 đến ngày 2/2/1968 với sự tham gia của Tiểu đoàn 1/UH Biên Hòa, Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5, Quân khu 7 được coi là một trong những trận đánh ác liệt. Để bảo vệ căn cứ quân sự chiến lược bậc nhất miền Nam này, địch đã dùng máy bay dội bom, pháo kích, dùng xe tăng vây hãm cùng lực lượng tăng cường khiến rất nhiều chiến sĩ của ta hy sinh. Gần nửa thế kỷ trôi qua, dù vẫn biết có hố chôn liệt sĩ trong sân bay nhưng địa hình, địa vật đã nhiều thay đổi, sân bay rộng lớn,  không thể xác định được vị trí chính xác để cơ quan chức năng tìm kiếm, quy tập.

Các chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đưa di cốt liệt sĩ vào mộ tập thể.

Nhưng điều kỳ diệu bất ngờ đã xảy ra từ một tấm không ảnh. Tấm không ảnh sân bay Biên Hòa được đăng trên một trang mạng internet. Là một người đam mê ảnh địa lý, ông Nguyễn Xuân Thắng, kiến trúc sư tại Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến tấm ảnh trong suốt 10 năm. Tình cờ vào ngày 3/10/2016, ông đọc được một bình luận của một người Mỹ có tên Bob Connor: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay này, rồi rẽ phải - nơi đó có lô cốt, gọi là hill 10 (đồi 10), nơi đây đã xảy ra một trận chiến đấu dữ dội ngày 31/1/1968… Trận đánh xảy ra tại đồi 10. Đối phương đã để lại 153 xác chết và 2 ngày sau thì phải chôn họ ở đường băng. Bây giờ nghĩ lại, sau 50 năm tôi vẫn còn ớn lạnh…”. Bob Connor là thượng nghị sĩ Mỹ, nguyên trung sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa trong chiến tranh Việt  Nam. Cũng có người thân hy sinh trong chiến tranh chưa tìm thấy hài cốt, những bình luận của Bob Connor đã tác động mạnh đến ông Thắng, nhen nhóm trong ông ý tưởng về việc tìm kiếm hố chôn liệt sĩ mà Bob đã nhắc đến. Ông Nguyễn Xuân Thắng đã nhờ một người bạn từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam là cựu chiến binh Chế Trung Hiếu liên lạc với Bob Connor đề nghị giúp đỡ thông tin tìm hố chôn liệt sĩ. Từ đây, những cuộc trao đổi giữa những người bạn đồng cảm Việt Nam và Mỹ diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, với sự hỗ trợ thông tin tích cực từ Martin E. Strones, người từng là chỉ huy bay tại sân bay Biên Hòa và trực tiếp đánh giá tình hình thương vong trong trận chiến đêm ngày 31/1/1968 tại sân bay Biên Hòa, đồng thời trực tiếp tổ chức hố chôn tập thể liệt sĩ mà những thông tin đã được hé lộ. 

Những thông tin quý giá này được chuyển đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai. Sau quá trình xác minh, 2 cựu chiến binh Mỹ là Bob Connor và Martin E. Strones đã được mời sang Việt Nam phối hợp tìm kiếm và xác định vị trí hố chôn. Từ ngày 18/3 - 17/5/2017, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai phối hợp với thành phố Biên Hòa tổ chức tìm kiếm hố chôn tập thể liệt sĩ, diện tích tìm kiếm 3,5ha tại khu vực sân bay Biên Hòa thuộc phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa). Qua gần 1 tháng tìm kiếm, những người anh hùng phơi phới tuổi xuân đã ngã xuống trong đêm mùa xuân khi chưa trọn niềm vui ngày toàn thắng đã kiêu hùng trở về trong một buổi sáng đầy nắng. Vào lúc 10 giờ 20 phút ngày 13/4/2017, hố chôn tập thể liệt sĩ được phát hiện tại khu vực vườn tràm trên hướng Đông sân bay Biên Hòa với nhiều phần hài cốt liệt sĩ và nhiều di vật.

Sau đó, Martin E. Strones tiếp tục nhận lời vẽ sơ đồ tác chiến và chỉ thêm nhiều vị trí hố chôn liệt sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tại thành phố Biên Hòa và tại tỉnh Bình Phước. Những dữ liệu này đã phần nào giải tỏa trăn trở của bao người về hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó, chưa tìm thấy.

Trở về bên đồng đội

Cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà soát, xác minh thông tin liệt sĩ tại 63 tỉnh, thành phố, 23 tỉnh, thành phố xác minh được 72 trường hợp có danh sách liệt sĩ địa phương đang quản lý trùng khớp, trong đó có 11 liệt sĩ quê Thái Bình cùng ở đơn vị d1 e4 KB, hy sinh đêm ngày 31/1/1968. Do mộ tập thể liệt sĩ chôn cất cách nay đã 49 năm, chịu tác động của ngoại cảnh nên xương cốt gần như bị phân hủy, mục nát thành đất lẫn lộn vào nhau nên không thể xác định được số lượng hài cốt liệt sĩ và không thể sắp xếp theo từng bộ hài cốt. Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ vào một ngôi mộ chung tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai và khắc tên các liệt sĩ vào bia chung để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Còn nhiều trường hợp liệt sĩ hy sinh trong trận đánh này do sai lệch thông tin nên cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục xác minh làm rõ danh sách và thân nhân để thực hiện các hoạt động tri ân và khắc tên vào bia mộ tập thể với tinh thần cố gắng cao nhất.

“Con ở nhà ngoan, nghe lời ông bà mẹ, thầy cô giáo, cố gắng chăm làm, học giỏi. Bố đi công tác miền Nam, bao giờ đánh hết giặc, đất nước thống nhất bố sẽ về với các con…” - đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Phạm Thị Thủy vẫn nhớ như in những lời người cha thân yêu căn dặn trước lúc lên đường nhập ngũ, nhớ những bàn tay bé nhỏ của học sinh Trường Tiểu học Nam Thanh vẫy chào tiễn thầy đi. Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, năm 1966, thầy giáo Phạm Quang Hoạt, xã Tây Tiến (Tiền Hải) đã viết huyết thư tình nguyện lên đường nhập ngũ, để lại quê hương người vợ trẻ và 4 con thơ dại. Tin thầy giáo Phạm Quang Hoạt ngã xuống ở Biên Hòa xé từng khúc ruột người ở hậu phương. Hơn nửa đời người mẹ tôi mòn mỏi ngóng tìm, tâm nguyện biết nơi cha tôi hy sinh, biết chỗ cha yên nghỉ cùng đồng đội, với gia đình tôi nay đã thành hiện thực - bà Thủy chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Thạc, anh trai liệt sĩ Nguyễn Hữu Phác, xã Minh Lãng (Vũ Thư) tâm sự: Từng chiến đấu tại Trường Sơn, tôi thấu hiểu biết bao xương máu, hy sinh để có độc lập, tự do ngày nay. Tháng 9/1965, em trai tôi lên đường nhập ngũ, năm 1968 nhận được tin em hy sinh ở Biên Hòa. Nhiều năm qua, gia đình đã nỗ lực đi tìm mộ em nhưng không thấy. Nhờ Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập, nay em trai tôi đã thanh thản về bên đồng đội, đó là sự mãn nguyện của cả gia đình tôi.

Sáng tháng 7 - tháng tri ân, khói hương quyện xanh trời Biên Hòa, lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa đêm ngày 31/1/1968 được long trọng tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Trời Biên Hòa bất chợt đổ mưa, nước mưa quyện cùng nước mắt dòng người đưa tiễn như xóa nhòa hành trình gần nửa thế kỷ ly biệt. Những nắm đất đỏ nặng phù sa của quê lúa Thái Bình cùng mọi miền quê trên cả nước được thân nhân trải xuống mộ, nâng giấc những người con thân yêu yên nghỉ ngàn đời trong lòng đất mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày