Thứ 4, 13/11/2024, 05:27[GMT+7]

Những người phụ nữ có gan làm giàu

Thứ 2, 07/03/2011 | 08:41:28
2,180 lượt xem
Trên quê hương 5 tấn, đi tới đâu cũng bắt gặp những người phụ nữ giản dị, chân phương, mộc mạc nhưng luôn cháy bỏng khát vọng làm giàu chính đáng và điều đặc biệt là họ đã biết biến khát vọng đó thành hiện thực. Nhiều chị  trở thành tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm đưa cả gia đình thoát nghèo bền vững.

Chị Phạm Thị Lan chủ cơ sở may Bình Lan, Quỳnh Hội, điển hình làm kinh tế giỏi huyện Quỳnh Phụ đang kiểm tra vải tại xưởng

Ngay từ lúc mới lớn, chị Phạm Thị Thu, thôn Khuốc- cái nôi hát chèo, xã Phong Châu (Đông Hưng) đã được bà và mẹ dạy: là người phụ nữ chỉ cần thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ. Lớn lên, lấy chồng, chị là người phụ nữ “tam tòng, tứ đức”. Nhưng nhìn chồng còm cõi, tần tảo một thân, một mình trên đồng ruộng sớm hôm, chị không đành lòng. 

Khi nghe đài, biết Đảng, Nhà nước đang tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống để khẳng định mình, chị thu xếp việc nhà chu đáo, quyết định tham gia vào các hoạt động xã hội, làm kinh tế giúp chồng, đưa gia đình thoát khỏi cảnh bữa đói.

Chị không bỏ sót một buổi tập huấn nào do hội phụ nữ, hội nông dân... tổ chức; tranh thủ học hỏi kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình khoa học; chuyển giao KHKT vào sản xuất, đặc biệt là kiến thức chăm sóc lúa thuần ngắn ngày, trồng cây đậu tương, dưa hấu, bí đao, su hào.

Sau khi thu hoạch lúa xong, chị Thu cùng chồng hăm hở cày cuốc 7 sào ruộng trồng đậu tương, 4 sào trồng bí đao, 3 sào dưa hấu, một sào su hào và hành hoa. Hàng ngày nhìn những luống rau tươi tốt, trĩu quả, chị Thu quên cả vất vả, mệt nhọc. Vụ đông đó, gia đình chị thu được gần 19 triệu đồng, một số tiền mà từ nhỏ đến giờ chị chưa dám mơ tới.

Đến vụ đông năm 2010, ngoài ruộng của nhà, chị còn mượn thêm cả ruộng người thân để trồng. Chị vận động, con cháu, chị em phụ nữ trong thôn trồng cây vụ đông, hướng dẫn kỹ thuật làm bầu bí đao, dưa hấu, thụ phấn cho dưa hấu. Năm đó chị vẫn thắng lớn, thu về 21 triệu đồng.

Ngoài ra, chị còn nuôi 3 con bò sinh sản , sau một năm chị bán được  3 bê con, cộng với hai vụ lúa, một vụ đông, trừ chi phí gia đình chị tích cóp được 50- 60 triệu đồng.  Và niềm vui đó như được nhân đôi, bởi nhiều chị em khác nhờ có sự giúp đỡ của chị Thu, như chị Ngoan, chị Liên... cũng thu lãi được 11- 12 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm giàu, chị Thu còn nuôi dạy con cái trưởng thành, gia đình nhiều năm liền đạt “Gia đình văn hóa”.

Chia tay chị Thu, chúng tôi xuôi đường lớn tới Hùng Dũng- Hưng Hà, thăm mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Tám, thôn Cập. Chẳng cần mời khách vào nhà, chị Tám dẫn luôn chúng tôi ra thăm chuồng trại.

Chị vừa đi, vừa kể: Ngày trước lúc nào cũng chân lấm tay bùn nhưng chỉ tròng trọc cấy 2 vụ lúa, đâm đói. Từ khi có nghị quyết của tỉnh, của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mừng như bắt được vàng, phấn khởi lên ngay một kế hoạch táo bạo- làm giàu từ đất. Chị xung phong nhận đổi 8 sào ruộng cơ bản về khu ruộng trũng nằm cạnh bờ sông, cấy lúa kém năng suất, chẳng ai nhận khoán để làm trang trại. Thời đó cả xã nói anh chị bị khùng. Còn bây giờ, mọi người nhìn xem- chị Tám nói rồi nhanh tay mở cửa trang trại dẫn chúng tôi vào.

Cơ ngơi của người đàn bà “khùng” thật đáng kính nể:  ao cá rộng 6 sào, hàng trăm con vịt đẻ đang bơi lội bên dưới, đàn lợn béo tròn ủn ỉn trong các ô chuồng, cây cối xanh tốt đâm hoa, kết trái bao bọc xung quanh, đàn gà chăm chỉ tìm sâu dưới những tán cây. Ngắm nhìn thành quả của chị Tám, mọi người trong đoàn phấn chấn hẳn lên, bước chân như nhanh hơn. Đúng là “có chí làm quan, có gan làm giàu”.

Đồng hồ đã chỉ 10 giờ trưa, nhưng cả đoàn vẫn hăm hở lên đường về xã Đông Hải (Quỳnh Phụ), chia vui với chị Phạm Thị Hoài, chi hội trưởng phụ nữ thôn Đồng Kỷ - một trong 100 phụ nữ điển hình tiên tiến của toàn tỉnh được Hội LHPN tỉnh biểu dương, khen thưởng tại hội nghị thi đua đầu năm 2010.

Người đàn bà quê lúa, chân phương, giản dị - Phạm Thị Hoài trên con đường chinh phục đói nghèo, chưa từng thất bại, dù mở mang, phát triển rất nhiều ngành nghề cùng một lúc. Nào là cửa hàng cung ứng thuốc trừ sâu, phân bón cho bà con; sản xuất bún tươi bằng dây chuyền hiện đại, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, thu nhập 1,2- 1,5 triệu đồng/người/tháng, mỗi ngày tiêu thụ 1- 1,5 tấn bún, cung cấp cho khu An và Đông Hưng; xay sát, chế biến gạo; chuyển đổi 7 sào ruộng kém hiệu quả làm trang trại VAC, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chị luôn nêu cao quyết tâm: Đã không làm thì thôi, làm thì phải ra trò, thắng không kiêu, bại không nản.

Bận rộn là thế nhưng chị vẫn cùng chồng- phó trưởng thôn Đồng Kỷ, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với các chị em và tham gia hoạt động tình nghĩa của thôn, của xã, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Gia đình hàng năm đều đạt “Gia đình văn hóa”.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày