Thứ 7, 23/11/2024, 18:37[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 5, 10/08/2017 | 08:53:15
4,589 lượt xem
Vụ mùa năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy trên 80.000ha lúa, trong đó giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 25% diện tích, lúa năng suất cao chiếm 75%. Hiện đang là thời kỳ lúa mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa nếu không có các biện pháp chủ động phòng, trừ.

Nông dân huyện Đông Hưng phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa mùa.

Thời vụ gieo cấy vụ mùa năm nay khá tập trung, đến ngày 25/7, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong, kết thúc sớm hơn 5 - 7 ngày so với vụ mùa năm 2016. Lúa mùa năm nay được đánh giá sinh trưởng và phát triển ở mức độ trung bình và không đồng đều giữa các trà lúa, đặc biệt, một số đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện sớm với mật độ cao hơn so với trung bình nhiều năm. 

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo số liệu điều tra ngày 24/7, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 ra rộ nhất trên đồng ruộng từ ngày 2 - 8/8, sâu non nở rộ từ ngày 10 - 17/8 gây hại lá đòng và lá công năng. Dự báo ở đợt này, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ rất cao, trung bình từ 60 - 100 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2, cá biệt có nơi 700 - 800 con/m2; diện tích nhiễm khoảng 63.000ha. Sâu đục thân hai chấm cũng là một trong những đối tượng gây hại có mật độ cao hơn so với vụ mùa năm 2016, tập trung ở một số huyện như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và thành phố. Sâu đục thân lứa 4 có 2 cao điểm gây hại, trong đó đợt 1 sâu nở từ ngày 7 - 19/8 chiếm khoảng 70% số sâu, trùng với sâu cuốn lá nhỏ nên ở những vùng có mật độ sâu đục thân hai chấm cao cần tổ chức phun trừ kết hợp với sâu cuốn lá nhỏ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 18.000ha lúa nhiễm rầy, chủ yếu là rầy lưng trắng với mật độ trung bình 300 - 800 con/m2, nơi cao 1.500 - 3.000 con/m2, cá biệt có nơi 5.000 - 10.000 con/m2

Dự báo từ nay đến cuối vụ, rầy còn phát sinh 2 lứa: đầu tháng 9, giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 với mật độ cao, diện phân bổ rộng, quy mô lớn trên đồng ruộng. Ngoài ra, một số đối tượng bệnh hại như: lùn sọc đen, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông… đã xuất hiện và gây hại cục bộ.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 3/8/2017 yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo phòng, trừ rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen và các đối tượng gây bệnh hại khác; phát động chiến dịch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân hai chấm từ ngày 12 - 15/8, tùy vào đối tượng phòng, trừ của từng địa phương có thể phun sớm hơn hoặc muộn hơn 1 ngày.

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Vừa qua, tại xã Đông Xá đã phát hiện cục bộ một số diện tích lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen. Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, người dân đã tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy, đồng thời phun thuốc phòng, trừ rầy để ngăn chặn kịp thời nguồn môi giới lây truyền vi rút lùn sọc đen. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân cần thường xuyên kiểm tra trên tất cả các trà lúa, đặc biệt chú ý chân ruộng nhiễm rầy ở vụ trước, nếu phát hiện có mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên phải dùng thuốc đặc hiệu khoanh vùng phòng, trừ ngay, không để lây lan ra diện rộng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp, huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo trên hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện và hệ thống truyền thanh các xã tăng thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về thời gian, kỹ thuật phòng, trừ và các loại thuốc đặc hiệu phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa.

Nước là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác phòng, trừ sâu bệnh, ông Bùi Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Để bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời phục vụ cho công tác phun trừ sâu bệnh, Công ty đã phối hợp với các địa phương đánh giá thực trạng nước tưới của các trà lúa, khoanh vùng, điều tiết nước linh hoạt, phù hợp với mọi tình huống trên toàn hệ thống, bảo đảm đủ nước nông mặt ruộng để công tác phun trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày