Thứ 4, 04/12/2024, 02:19[GMT+7]

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Thứ 5, 01/02/2018 | 10:14:05
1,164 lượt xem
Tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội), chân dung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng 3 đại biểu dự hội nghị thành lập Đảng đặt trang trọng dưới chân dung đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí có công to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, tổ chức lực lượng cách mạng trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, đào tạo cán bộ cho Đảng thời kỳ 1928 - 1931.

Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam xuất bản năm 2003 đặt chân dung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sau Bác Hồ, Bác Tôn. Lịch sử đã ghi: “Công hội đỏ Việt Nam ra đời trong bối cảnh độc đáo gần như trùng khít với sự ra đời của chính đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ngày 28/7/1929, hội nghị đại biểu lần thứ nhất Tổng Công hội tại 15 Hàng Nón, Hà Nội thông qua chương trình điều lệ, phương hướng của Tổng Công hội đỏ và bầu ban chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Ngày 25/8/1983, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công hội đỏ cả nước và Công đoàn Việt Nam lấy ngày này làm ngày truyền thống... Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội ghi: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những đồng chí sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Nội; trên cương vị Ủy viên Trung ương lâm thời, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, thời kỳ 1929 - 1930, đồng chí đã hết sức chăm lo xây dựng Đảng bộ Hà Nội và giúp đỡ phong trào Hà Nội vượt qua khó khăn, thử thách.

Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng ghi: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng, thành lập Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Tại Bảo tàng Hải Phòng, tượng đồng bán thân lớn đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặt giữa phòng lịch sử cách mạng với vai trò Nguyễn Đức Cảnh thời kỳ 1927 - 1930. Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trân trọng đặt tượng, ảnh đồng chí người có công với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930 - 1931.

Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đảng ở Trung ương, Hà Nội, Hải Phòng... Hội thảo khẳng định: “Nguyễn Đức Cảnh là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với cách mạng vô sản, con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên ở trong nước, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; người sáng lập ra Công hội Đỏ và Đoàn Thanh niên cộng sản; một cán bộ lãnh đạo tài năng mẫu mực, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình đã xuất bản tập sách “Nguyễn Đức Cảnh - Tiểu sử và sự nghiệp”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn thanh niên quê hương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tình nguyện “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”. Những đoàn viên thanh niên mang truyền thống Nguyễn Đức Cảnh, những đơn vị tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51 mang tên Nguyễn Đức Cảnh đã lên đường chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập công xuất sắc, nhiều người trở thành dũng sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn thanh niên xung phong mang tên Nguyễn Đức Cảnh dũng cảm, kiên cường bảo đảm giao thông các tuyến đường sắt phía Bắc, đường Trường Sơn với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, vượt qua mưa bom bão đạn, bảo đảm thông đường, thông xe, góp phần để quân đội ta, nhân dân ta đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Cũng những năm ấy, tại Thái Bình, với truyền thống của Nguyễn Đức Cảnh, quân dân Thái Bình đã đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ, bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương, làm nên chiến công 5 tấn, 6 tấn, 7 tấn, những cánh đồng 10 tấn. Chúng ta không bao giờ quên Bùi Quang Thận quê hương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ngày 30/4/1975 đã vượt qua mưa bom bão đạn đánh chiếm Sài Gòn, kéo cờ trên dinh Độc Lập, buộc ngụy quyền đầu hàng, giải phóng miền Nam.

Sau năm 1975 và thời đổi mới, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình đặt tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trên những đường phố lớn, những khu công nghiệp mới. Năm 2003, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình) ra đời trên diện tích 102ha với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước, số vốn đầu tư ban đầu 5.600 tỷ đồng, thu hút hơn 2 vạn lao động, giá trị sản phẩm làm ra hàng năm khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng. Sản phẩm chủ yếu là ngành dệt may xuất khẩu, một số công ty xí nghiệp cơ khí, điện tử, lắp ráp ô tô, máy nông nghiêp,... Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh ra đời làm thay đổi diện mạo thành phố Thái Bình, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, để Thái Bình sớm trở thành tỉnh công nghiệp.

Tại thành phố Thái Bình, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh thành lập năm 1985. Vào Trường là thấy ngay tượng đài và khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh trước hiệu bộ; đồng thời với hệ thống cơ sở vật chất đàng hoàng nhà cao 3, 4 tầng được xây dựng khang trang, đủ bàn ghế chuẩn, đồ dùng dạy học tốt; có phòng truyền thống, thư viện, phòng máy tính, phòng thực hành, sân thể dục thể thao. Đặc biệt, Trường có bài học riêng và sinh hoạt chuyên đề về học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia. 7 năm liền gần đây là đơn vị dẫn đầu khối THPT của tỉnh; hơn 80% học lực khá, giỏi; 96% học sinh đạo đức khá và tốt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm trên 90% (năm 2017 99,6%), tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên 50%, có năm, có lớp thi đỗ tới 90%. Trường có truyền thống bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều năm qua, học sinh giỏi của Trường đứng đầu bảng của tỉnh, là đơn vị dẫn đầu về bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành đã có 14.500 học sinh tốt nghiệp, 55 - 60% vào đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đến Trường, thấy không khí ấm cúng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, thế hệ trẻ Thái Bình.

Tại Hải Phòng, nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gieo mầm cách mạng, nơi đồng chí hy sinh, cũng có trường tiểu học mang tên Nguyễn Đức Cảnh (53 Phạm Huy Thông, quận Lê Chân) quy mô nhất nhì thành phố: 50 lớp, hơn 2.000 học sinh, có cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học tốt, đội ngũ giáo viên giỏi.

Nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2018), 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), chúng ta tỏ lòng thành kính đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con của quê hương Thái Bình, một trong những người cộng sản đầu tiên của Đảng ta, người sáng lập tổ chức công đoàn Việt Nam, người cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Phạm Tầm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày