Thứ 2, 25/11/2024, 20:38[GMT+7]

Tác phẩm "Công nhân vận động": Giá trị lý luận và thực tiễn

Thứ 5, 01/02/2018 | 16:16:34
2,709 lượt xem
Những ngày tháng cuối cùng của đời mình trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dồn hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng, với những hiểu biết sâu sắc về công nhân Việt Nam và những kinh nghiệm trong công tác vận động công nhân đấu tranh, xây dựng tổ chức công đoàn để viết tác phẩm “Công nhân vận động”.

Các em học sinh dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản trẻ tuổi kiên cường, là một trong những người sáng lập Đảng ta, cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Công đoàn Việt Nam. Đồng chí đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng; để lại trong lòng những người cộng sản, công nhân, cán bộ công đoàn Việt Nam tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, hoạt động không mệt mỏi, phấn đấu quên mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Những ngày tháng cuối cùng của đời mình trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dồn hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng, với những hiểu biết sâu sắc về công nhân Việt Nam và những kinh nghiệm trong công tác vận động công nhân đấu tranh, xây dựng tổ chức công đoàn để viết tác phẩm “Công nhân vận động”. Tác phẩm được chia thành 5 vấn đề lớn:

Vấn đề thứ nhất là “Định nghĩa chữ vô sản giai cấp”. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nêu định nghĩa về giai cấp công nhân, theo nghĩa cũ, đó là “những người cùng khổ mà quyền duy nhất là sinh con đẻ cái để kế tục mình, phục vụ các giai cấp khác trong xã hội”; còn theo nghĩa mới, thì giai cấp công nhân là “những người làm việc bằng tay chân hay điều khiển máy trong xí nghiệp của bọn tư bản, bán sức lao động cho chúng lấy một số tiền công để sinh sống”. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ ra đặc trưng bản chất của giai cấp công nhân, là những người sinh sống bằng lao động làm thuê, trong điều kiện cụ thể khi đó là làm thuê cho nhà tư bản. Bằng việc bán sức lao động cho nhà tư bản, người công nhân được nhận một số tiền công nhất định để duy trì cuộc sống, tái sản xuất sức lao động.

Vấn đề thứ hai là “Điều kiện và tính chất người vô sản”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nêu lên bốn dấu hiệu (điều kiện) để nhận biết người công nhân, đó là: Phải là người không có phương tiện sản xuất, hay không có tài sản để chiếm đoạt các tư liệu sản xuất; phải là người có lao động làm ra của cải cho xã hội; phải là người bị bóc lột bằng chế độ trả tiền công; phải thuộc những người chỉ có quan hệ với nhau trong sản xuất, chứ không quan hệ với nhau về hàng hóa và tiền bạc. Từ bốn điều kiện như trên đã hình thành nên ba tính chất nổi bật của những người công nhân là: Nguyện vọng thống nhất, xu hướng và tư tưởng thống nhất, ý chí và hành động thống nhất.

Vấn đề thứ ba là “Những nét đặc thù của giai cấp công nhân Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chỉ ra rằng: Giai cấp công nhân Việt Nam mới ra đời từ khi đế quốc Pháp xâm lược và thống trị nước ta…; xuất thân chủ yếu từ những người nông dân, thợ thủ công và họ ra đời trước giai cấp tư sản bản xứ; bị nhiều tầng áp bức, bóc lột: đế quốc, tư bản, phong kiến…

Từ việc phân tích những đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh chỉ ra chỗ mạnh, chỗ yếu của họ. Đó là: “Giai cấp công nhân Việt Nam tuy số lượng ít, nhưng lại tập trung trong những cơ sở kinh tế trọng yếu của bọn đế quốc nên thấy khi mình giác ngộ đấu tranh có thể làm rung chuyển bộ máy kinh tế và chính trị của đế quốc” và “khi đã giác ngộ, đấu tranh thì họ rất hăng hái vì họ sống cực khổ và còn chỗ dựa ở nông thôn”. Trong những điểm mạnh nêu trên của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng chỉ ra những nhược điểm, như do nguồn gốc xuất thân mà mang nặng tư tưởng tiểu nông, trình độ văn hóa thấp, lại không có công đoàn bảo vệ quyền lợi nên chậm giác ngộ.

Vấn đề thứ tư là “Làm thế nào mà giai cấp công nhân Việt Nam có thể lãnh đạo được cách mạng”, Nguyễn Đức Cảnh đã phân tích rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới, đồng thời chỉ ra những nhân tố bảo đảm việc thực thi vai trò, sứ mệnh đó là: Giai cấp công nhân là bộ phận dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng nhất, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh hơn bất cứ giai cấp nào trong nước. Họ cũng không có quyền lợi riêng gì để thỏa hiệp với bọn đế quốc như giai cấp tư sản, hay bồng bột căm phẫn nhất thời như nông dân.

Giai cấp công nhân Việt Nam có đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, có đường lối cách mạng đúng đắn. Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh, trước mắt vì những quyền lợi hàng ngày, từ đó nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của họ, lãnh đạo họ đánh đổ bọn đế quốc và phong kiến giành lại độc lập dân tộc, tước đoạt những nhà máy của đế quốc và tư bản nước ngoài... Giai cấp công nhân Việt Nam tuy còn yếu nhưng được giai cấp công nhân thế giới ủng hộ. Sự đàn áp của bọn đế quốc đối với các cuộc đấu tranh của công nhân Việt Nam bị công nhân thế giới và công nhân Pháp phản đối.

Vấn đề thứ năm là “Phương pháp vận động công nhân”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nêu lên những phương pháp vận động, tổ chức công nhân. Đó là hệ thống các cách thức thâm nhập quần chúng, cách tuyên truyền, cách vận động và tổ chức đấu tranh, rút kinh nghiệm đấu tranh.

Như cách thức thâm nhập quần chúng công nhân, đồng chí Nguyễn Đức cảnh chỉ rõ muốn vận động công nhân, trước hết phải thâm nhập vào công nhân. Vào làm trong các xí nghiệp của tư bản để hiểu sự bóc lột của chúng và đời sống của công nhân, từ đó tiến hành tuyên truyền, vận động; tìm cách sống trong các xóm lao động nếu không có điều kiện làm trong các xí nghiệp của tư bản; bắt mối với anh em công nhân tốt để giác ngộ, rồi từ những người đó mà tiến hành vận động.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đề xuất chỉ ra cách tuyên truyền là phải chỉ ra cho người công nhân hiểu rõ cảnh sống cơ cực của họ. Lấy việc bị áp bức trực tiếp mà tuyên truyền. Nâng dần trình độ giác ngộ giai cấp, tìm người tốt kết nạp vào Công hội đỏ.

Từ thực tiễn hoạt động, Nguyễn Đức Cảnh chỉ ra cách vận động và tổ chức đấu tranh, khi đã giác ngộ được số đông quần chúng thì chuẩn bị đấu tranh. Phải nhân việc gì chủ hay tay sai gây công phẫn với anh em mà tổ chức bãi công. Khi tiến hành bãi công phải nêu khẩu hiệu thiết thực. Phải cử đại biểu trình bày các yêu cầu và phải có kế hoạch bảo vệ đại biểu.

Trong trường hợp đấu tranh thắng lợi thì tùy theo tình hình của anh em mà đòi chủ nhượng bộ các khẩu hiệu nêu ra. Nếu thắng lợi một phần thì lấy đó để tuyên truyền động viên. Nếu thắng lợi lớn thì tránh chủ quan. Trong trường hợp đấu tranh thất bại thì phải sâu sát anh em, giải thích cặn kẽ nguyên nhân để nuôi dưỡng tinh thần. Khi có người bị đuổi việc, bị bắt giam, bắn giết thì phải vận động các nơi giúp đỡ… Lúc này, cán bộ phụ trách phải tìm cách gặp gỡ, sâu sát quần chúng, không được hoang mang, bỏ rơi quần chúng.

Về rút kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh yêu cầu phải rút kinh nghiệm mỗi cuộc đấu tranh để phổ biến cho các nơi khác. Chi bộ với sự giúp đỡ của cấp trên phải kịp thời tiến hành công việc rút kinh nghiệm, không để thời gian trôi qua, nhạt nguội dần đi.

Tác phẩm “Công nhân vận động” thực sự là tác phẩm lý luận có giá trị đối với những người cộng sản Việt Nam về công tác vận động, tổ chức công nhân. Công nhân vận động khẳng định cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam, được đặt trong bối cảnh Đảng mới ra đời, trình độ lý luận còn hạn chế, kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng còn ít. Tác phẩm “Công nhân vận động” thể hiện tư duy lý luận sắc bén, trí tuệ sáng suốt và nỗ lực phi thường của một tử tù còn rất trẻ, được viết trong xà lim án chém không những đã để lại cho Đảng ta và giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng chí đối với giai cấp công nhân Việt Nam.

           Nguyễn Viết Hiển

            (Giám đốc Trường Chính trị tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày