Chủ nhật, 24/11/2024, 07:36[GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong lòng người dân thành phố cảng

Thứ 6, 02/02/2018 | 09:52:01
2,091 lượt xem
Với công nhân viên chức lao động cả nước nói chung và công nhân lao động thành phố cảng nói riêng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản chân chính. Tri ân sâu sắc công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng không ngừng phấn đấu trong lao động sản xuất, xây dựng thành phố ngày càng phát triển, giàu mạnh...

Phối cảnh nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại thành phố Hải Phòng sẽ được xây dựng mới.

Người đặt nền móng cho phong trào công nhân thành phố cảng

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Đồng chí là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng.

Trong những ngày đầu gây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người cộng sản đầu tiên đề ra “Vô sản hóa”, đưa hội viên vào hầm mỏ, bến cảng, nhà máy để rèn luyện và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, biến nhà máy, công xưởng thành những trường học cách mạng. Là công nhân trực tiếp lao động tại nhà máy Ca-rông Hải Phòng, đồng chí gây dựng và phát triển cơ sở cách mạng ở Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh, đặt những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Cuối năm 1928, để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết nhiều tài liệu lưu hành trong giai cấp công nhân, trong đó có cuốn “Tổ chức Công hội” được lưu hành khá rộng rãi. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động thành phố cảng phát triển mạnh mẽ và đều khắp trên địa bàn, góp phần tạo nên cao trào đấu tranh cách mạng trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1931. Trước khi bị thực dân Pháp thi hành án tử hình, đồng chí vẫn dành thời gian trong xà lim, tập trung sức lực viết cuốn “Công nhân vận động” nhằm làm sáng tỏ vai trò và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước và thành phố, hiện nay, tại trung tâm thành phố Hải Phòng có một con phố mang tên Nguyễn Đức Cảnh, hai ngôi trường vinh dự mang tên Nguyễn Đức Cảnh nằm trên địa bàn quận Lê Chân và huyện Kiến Thụy. Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, một công trình văn hóa khang trang do Công đoàn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (trước đây) dành tặng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân thành phố.

Năm 2008, thể theo nguyện vọng của cán bộ, giai cấp công nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân, được sự đồng ý của Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo xã hội hóa xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại nơi tìm thấy hài cốt hai đồng chí (xã An Đồng, huyện An Dương). Ngày 10/5/2009, đúng dịp kỷ niệm 54 năm giải phóng Hải Phòng, công trình nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân được khánh thành.

Nhà tưởng niệm được thiết kế theo phong cách truyền thống với các đao cong, vật liệu chính sử dụng gỗ lim, mái lợp ngói mũi, hoa văn trang trí trên hệ khung chịu lực là các đề tài, họa tiết hoa văn mang phong cách các di tích cổ Việt Nam. Nhà tưởng niệm gồm hậu cung, bái đường, cổng tam quan, sân, đường vào, tường bao, với tổng diện tích hơn 2.600m2. Trong đó, gian chính có diện tích 190m2, được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc cổ truyền và hiện đại, có mái cổ diêm, cửa bức bàn, thượng song, hạ bản, mái lợp ngói mũi hài phục chế. Không gian nội thất tiền đường được sử dụng đặt hệ thống các tủ kính trưng bày tài liệu, sách báo, công trình nghiên cứu về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân. Mảng tường nhà tưởng niệm có trưng bày nhiều tài liệu, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về quê hương, cuộc đời, những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân đối với cách mạng, dân tộc. Kiến trúc tòa tiền đường được thiết kế hai tầng mái, mái lợp ngói mũi, thể hiện sự vươn cao như gửi trọn tấm lòng, tình cảm thành kính và sự biết ơn sâu sắc của hậu sinh với bậc tiền bối. Ngày 31/7/2016, kỷ niệm 84 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, nhà tưởng niệm được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Hải Phòng).

Chung tay xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Phạm Hữu Thư, sau 8 năm đưa vào quản lý và sử dụng, nhà tưởng niệm đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ thiêng liêng của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng ngời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc trọn đời hy sinh vì Đảng vì Tổ quốc. Tuy nhiên, vị trí và diện tích xây dựng nhà tưởng niệm hiện tại khá chật hẹp và thiếu các tiện ích công cộng, chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, dâng hương của người dân thành phố và du khách thập phương vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm... Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018) và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Thành ủy Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý về chủ trương xây dựng mới nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với quy mô khang trang hơn. Theo đó, nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dự kiến được xây dựng theo hướng Đông Bắc, tuân thủ quy tắc thiết kế truyền thống của các công trình văn hóa. Các hạng mục tâm linh được tổ chức theo một trục thần đạo. Tổng thể nhà tưởng niệm chia làm 4 khu, trong đó khu vực tâm linh được xây dựng trên diện tích 8.800m. Đền thờ chính có mặt bằng hình chữ Nhị gồm gian tiền bái và hậu cung, vật liệu hoàn toàn truyền thống, cấu kiện gỗ đục chạm hoa văn cầu kỳ, tinh xảo… Tổng diện tích sử dụng đất phục vụ dự án hơn 30.000m2

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng coi là 1 trong 18 công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2018. Công trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hải Phòng cùng chung tay xây dựng từ nguồn xã hội hóa, sự ủng hộ của công nhân viên chức, người lao động và các tổ chức, tầng lớp nhân dân Hải Phòng và cả nước. Công trình góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho đội ngũ công nhân viên chức lao động và các thế hệ mai sau về cuộc đời và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Mai Dung  

(Báo Hải Phòng)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày