Thứ 5, 14/11/2024, 23:38[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trồng trọt

Thứ 6, 08/06/2018 | 17:09:06
2,572 lượt xem
Ngày 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trồng trọt.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật bởi đây sẽ là hành lang pháp lý đầy đủ hơn trong quản lý, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi, từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ và tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; tạo lợi thế cạnh tranh, phù hợp với các điều ước quốc tế. 

Ngoài ra, đại biểu đã phát biểu thêm về một số vấn đề cụ thể của dự án Luật: 

Thứ nhất, chỉ nên quy định quản lý những cây trồng chính (lúa, ngô), là cây trồng có cơ cấu lớn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực; không nên quản lý tất cả giống cây trồng khác, vì quy định này không thực tế, không cần thiết và cũng không thể thực hiện được. Trong cơ chế thị trường, người sản xuất sẽ là người quyết định lựa chọn gieo trồng những giống có đầu ra và có giá trị kinh tế cao chứ không theo tiêu chí giống đó có được công nhận hay không công nhận. Thực tế những năm qua cho thấy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận đến hàng trăm giống cây trồng nhưng trong sản xuất nông dân chỉ chọn rất ít  loại giống cây trồng tốt, có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Như vậy, việc công nhận giống chỉ có giá trị tham khảo. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần làm tốt công tác quản lý chất lượng giống bán trên thị trường theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn như hiện nay đã bảo đảm yêu cầu về chất lượng và sẽ giảm bớt được rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và cho sản xuất kinh doanh. 

Thứ hai, về bảo hộ giống cây trồng: đây là vấn đề mà tất cả các nước, các tổ chức trên thế giới đều coi trọng. Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) khi tham gia WTO, việc bảo hộ giống cây trồng góp phần cực kỳ quan trọng tới việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng. Nếu không thực hiện, quản lý tốt nội dung này, ngành giống cây trồng sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật các quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với giống cây trồng - công nhận quyền tác giả giống cây trồng và quy định về công nhận lưu hành giống - công nhận giống để sản xuất là chưa rõ ràng, đầy đủ và thiếu tính thống nhất với các nội dung  đã quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu những nội dung nào liên quan đến bảo hộ giống cây trồng (đã quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ) thì không nên quy định trong Luật này để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Thứ ba, trong dự thảo Luật, cần có tầm nhìn và tính dự báo cho những năm tiếp theo để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp giống cây trồng, gắn với sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xây dựng ngành công nghiệp hóa giống cây trồng, bổ sung các quy định về việc thiết lập hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, phát triển, thương mại, xuất nhập khẩu, trao đổi nguồn gen... trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, vấn đề dự trữ quốc gia về giống cây trồng: hoạt động dự trữ quốc gia về giống cây trồng hiện nay có rất nhiều bất cập, chỉ rất ít doanh nghiệp được giao nhiệm vụ này, trong khi doanh nghiệp đó không phải của Nhà nước, thậm chí có thể là một quỹ đầu tư của nước ngoài; cùng với đó là việc chỉ sử dụng một số giống bản quyền của một doanh nghiệp để làm giống dự trữ quốc gia, vô hình chung đã đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp này từ nguồn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh của giống đó gây thiệt hại lớn cho tổ chức, cá nhân sản xuất, thì doanh nghiệp lại không phải chịu trách nhiệm gì. Mặt khác, giống dự trữ quốc gia thường không nằm trong cơ cấu của các địa phương, không kịp thời vụ gieo trồng, không được nông dân sử dụng, thậm chí làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trong khi đó, trong dự thảo Luật không đề cập gì tới vấn đề này; vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể, chi tiết các nội dung về dự trữ quốc gia về giống.

Thứ năm, tại Chương V quy định về các hoạt động thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt nhưng chưa cụ thể, thiếu toàn diện, chưa bao quát hết được các hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong dự thảo luật. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong đầu tư nông nghiệp; thực hiện phát triển công nghệ phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây thương hiệu hàng hóa nông sản Việt Nam.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày