Thứ 6, 15/11/2024, 05:05[GMT+7]

Đại biểu hỏi - Thủ trưởng ngành trả lời: Thẳng thắn và trách nhiệm (Kỳ I)

Thứ 2, 30/07/2018 | 08:51:36
591 lượt xem
Tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Thủ trưởng của 6 sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông đã đăng đàn trả lời chất vấn làm sáng tỏ nhiều vấn đề nóng được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Nông dân xã An Châu (Đông Hưng) thu hoạch cây màu hè.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (tổ Thái Thụy) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở về nội dung: Thực hiện chủ trương của tỉnh về tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, một số địa phương đã triển khai xuống cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị đồng chí cho biết chủ trương và biện pháp cụ thể trong thời gian tới thực hiện thế nào? Trả lời câu hỏi này, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cơ chế tích tụ, tập trung đất đai đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra khối lượng sản xuất hàng hóa nông nghiệp đạt yêu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng. Đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề này. Đặc biệt, ngày 31/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 9267/VPCP-NN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam thực hiện thí điểm cơ chế tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào nông nghiệp tập trung. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã xây dựng đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thẩm định trình Chính phủ. Do vậy, sau khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền về đề án thí điểm của tỉnh, lúc đó tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

Các địa phương tích tụ ruộng đất góp phần đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

 Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin: Thực tế trên phạm vi toàn tỉnh, đến hết năm 2017 đã có gần 15.000ha được tập trung, tích tụ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó diện tích đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ theo hình thức thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.163ha (lĩnh vực trồng trọt là 1.792ha, lĩnh vực chăn nuôi là 432,8ha, lĩnh vực thủy sản 2.937,68ha). Diện tích đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là 9.766ha (210 hợp tác xã thực hiện việc liên kết giữa các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm). Hiện nay, giữa bên thuê và cho thuê đất vẫn diễn ra theo quy định của pháp luật. Hầu hết các trường hợp người dân có nhu cầu cần cho thuê đều có tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Nhiều mô hình tích tụ đất đai đã phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa nông nghiệp Thái Bình phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Với chức năng là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố tham mưu với UBND tỉnh xây dựng đề án thí điểm trình trung ương, khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền, Sở sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện đề án.

 Về chủ trương, mục tiêu và giải pháp cụ thể được nêu trong đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, các giải pháp cụ thể được thể hiện trên các mặt: giải pháp về quy hoạch; giải pháp về tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về vốn.

(còn nữa)

Nguyễn Hình  - Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày