Thứ 6, 15/11/2024, 08:39[GMT+7]

Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Thứ 3, 18/09/2018 | 09:30:43
1,048 lượt xem
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tập trung cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát; nội dung giám sát đã bao quát nhiều lĩnh vực, tập trung vào các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, qua đó đã kịp thời phát hiện và chỉ ra những tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND.

Hằng năm, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chương trình giám sát, tạo sự chủ động cho Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát. Trong quá trình thực hiện, căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri và đề xuất của các cơ quan có liên quan, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh chương trình giám sát để phù hợp với thực tiễn. 

Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp và các ban HĐND tỉnh. Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp được tăng cường và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp, được cử tri và nhân dân quan tâm. Đơn cử, tại kỳ họp thứ năm vừa qua đã có 15 lượt ý kiến các đại biểu chất vấn tập trung vào những vấn đề xã hội bức xúc, cử tri quan tâm, liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp; quy hoạch đô thị; an toàn giao thông; phòng chống dịch bệnh; tài nguyên môi trường; hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở... 

Để trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, UBND Thành phố Nam Định và các sở, ngành đi thẳng vào vấn đề chất vấn, đưa ra giải pháp khắc phục, xác định rõ về thời gian thực hiện để đại biểu HĐND tỉnh giám sát. Sau các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp và ban hành các thông báo về nội dung phiên chất vấn gửi tới các cấp, các ngành, các địa phương và đại biểu HĐND tỉnh để giám sát việc thực hiện. Đồng thời trước các kỳ họp tiếp theo, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị giám sát báo cáo kết quả thực hiện của người trả lời chất vấn cũng như các kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác giám sát giữa hai kỳ họp được thực hiện theo chương trình, kế hoạch đề ra. Căn cứ nội dung, lĩnh vực giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh đã trưng tập cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các ngành chức năng liên quan tham gia thành phần đoàn giám sát; chủ động thông báo nội dung, kế hoạch, thành phần, thời hạn và thời gian giám sát, gửi kèm theo lịch làm việc và đề cương chi tiết cho cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị trước khi tiến hành giám sát ít nhất một tháng. Cách thức tiến hành giám sát được kết hợp chặt chẽ giữa hình thức khảo sát, kiểm tra thực tế ở cơ sở và xem xét báo cáo; đồng thời, tham vấn ý kiến của cơ quan, đơn vị được giám sát để nắm thêm thông tin chi tiết nhằm làm rõ những vấn đề quan tâm hoặc những vấn đề chưa được đơn vị chịu sự giám sát báo cáo rõ. Thông qua giám sát, đã phát hiện những hạn chế, kiến nghị và đề xuất những giải pháp để các cơ quan, đơn vị tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh. Các kiến nghị sau giám sát được thực hiện khá nghiêm túc, tỷ lệ giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau các cuộc giám sát đạt trên 85%, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 17 chuyên đề về các lĩnh vực: kinh tế-ngân sách, văn hóa- xã hội, pháp chế. Các cuộc giám sát của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã từng bước đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các mục tiêu, định hướng, Nghị quyết của cấp ủy và HĐND tỉnh trong đó tập trung vào những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, phù hợp với nguyện vọng của đại biểu HĐND và cử tri. Trong đó, có nhiều chuyên đề liên quan thiết thực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, phục vụ tích cực cho việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh của  tỉnh như: Công tác quản lý quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản; thực trạng khai thác khoáng sản tại các tuyến sông và mở bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại các bãi sông trên địa bàn tỉnh. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch đối với các dự án xây dựng khu đô thị, khu tái định cư và các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh.... Nổi bật cuộc giám sát chuyên đề về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Sau giám sát, Đoàn giám sát đã có báo cáo kết quả giám sát chỉ ra 17 vấn đề còn tồn tại đối với công tác tiếp công dân; việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn; việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Từ đó, Đoàn đã nêu 5 kiến nghị với Trung ương, UBND tỉnh, UBND các huyện, Thành phố để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, HĐND tỉnh còn thực hiện nghiêm túc việc giám sát Quyết định của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố. Tính đến hết tháng 11 năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban HĐND tỉnh giám sát 181 quyết định của UBND tỉnh và 98 Nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố. Qua giám sát đã phát hiện một số Nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố còn tồn tại, hạn chế như: chưa đầy đủ căn cứ pháp lý hoặc sử dụng căn cứ pháp lý chưa đúng; sai về thể thức văn bản hoặc có nội dung chưa phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời yêu cầu HĐND các địa phương khắc phục.

Với những giải pháp tích cực đã nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh. Qua đó, đó đã tác động mạnh mẽ, làm cho các chính sách của HĐND tỉnh đề ra được thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo được niềm tin cho nhân dân đối với cơ quan dân cử. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thời gian tới HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các ban, tổ đại biểu HĐND trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng giám sát. Tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; nội dung giám sát phải thiết thực, cụ thể, trong giám sát phải có sự thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại yếu kém, có biện pháp để giải quyết, khắc phục hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát. Tích cực phối hợp, triển khai các hoạt động giám sát của các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND tỉnh.

Trần Văn Trọng

(PV Báo Nam Định)

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày