Thứ 4, 13/11/2024, 06:58[GMT+7]

Hoa của đất

Thứ 6, 27/04/2018 | 09:48:00
2,352 lượt xem
Vẫn là những tấc đất, vùng ao, đầm ấy, nhưng với những người nông dân cần cù, năng động, sáng tạo đã biến thành những “tấc vàng” và mở ra cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều lao động thôn quê. Những ông chủ nông dân làm giàu từ đất xứng đáng được gọi là những bông hoa của đất

Khu sơ chế cây dược liệu để sản xuất trà thảo dược của anh Lê Ngọc Huê.

Người dân thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên (Thái Thụy) không chỉ nể gan làm giàu của ông Nguyễn Văn Liệu mà còn dành sự trân trọng, yêu mến bởi nhờ ông mà nhiều nông dân tìm được hướng đi mới phát triển kinh tế. Vùng đất ven sông Diêm Hộ mấy đời nay người dân sống dựa vào khai thác thủy sản tự nhiên nên chẳng thể làm giàu. Vậy mà giờ đây, ông Liệu đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi trồng thủy sản với thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Liệu chia sẻ: Sau nhiều năm vào Nam, ra Bắc làm thuê, trở về địa phương nhìn hàng trăm héc-ta vùng đầm, bãi ven sông còn hoang hóa trong khi điều kiện thổ  nhưỡng, khí hậu, thủy lợi phù hợp nuôi thủy sản nước lợ. Năm 1996, ông nhận đấu thầu 30ha đất bãi sông, tập trung vốn liếng và thuê máy móc, nhân lực đắp đập, xây cống làm đầm nuôi tôm sú và cua xanh. Năm 2004, ông Liệu đi học Đại học Thủy sản Nha Trang, chuyên ngành thủy sản với mong muốn có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển nghề một cách bền vững.  

Nhận thấy nuôi cá vược cho hiệu quả kinh tế cao, ông Liệu quyết định chuyển đổi song lại gặp phải khó khăn do thời tiết rét và nguồn giống nên năm 2008 ông tự mày mò nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật “Lưu cá vược giống qua đông” và “Nuôi cá vược thương phẩm ghép 3 đối tượng: cá vược - các rô phi - vọp”. 

Thành công của 2 công trình khoa học đã giúp ông chủ động được nguồn giống, tỷ lệ cá nuôi sống cao, tận dụng tối đa diện tích, giảm chi phí đầu tư và dịch bệnh thủy sản do ô nhiễm và rét.

Là người làm kinh tế giỏi, ông Liệu không giấu nghề mà tận tình chia sẻ với bà con trong thôn, trong xã và chuyển nhượng 21ha ao, đầm cho 16 hộ khác để làm giàu. Ông lại tập trung xây dựng trang trại sản xuất giống vọp cửa sông, nghiên cứu quy trình nuôi mới cho các loại cá đặc sản: cá bớp, cá tráp, cá lâu, cá đối mục... để làm giàu cho bản thân và giúp nông dân trong vùng làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Nếu như ông Hoàng Công Điền ở xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ) trở thành triệu phú với thu nhập gần 950 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi gà trên cát thì anh Lê Ngọc Huê, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) lại nổi tiếng với mô hình trồng, chế biến cây dược liệu. 20ha vùng bãi ven sông Luộc trước đây được bà con trồng ngô, khoai cho giá trị thu nhập thấp. Từ năm 2013, anh Huê xin địa phương cho đấu thầu 8ha và vận động các hộ nông dân tích tụ ruộng đất cho anh thuê 12ha để trồng cây dược liệu gồm: đinh lăng, cà gai leo, ngâu, thìa canh, chùm ngây, hoàn ngọc. Toàn bộ sản lượng cây dược liệu được anh sơ chế và sản xuất trà thảo dược mang thương hiệu Thái Hưng. 

Anh Huê cho biết: Hiện nay, công suất tiêu thụ của cơ sở sản xuất đạt 150 tấn nguyên liệu/năm, cho ra thị trường khoảng 3 triệu hộp trà các loại, thu về hơn 10 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi gần 3 tỷ đồng/năm. 

Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về loại trà thảo dược, anh Huê tiếp tục vận động và ký hợp đồng trồng và bao tiêu nông sản với một số nông dân hai huyện Hưng Hà, Kiến Xương trồng hơn 22ha gồm các loại cây: cỏ ngọt, chùm ngây, cà gai leo, đinh lăng. Hiện nay, 15 loại trà thảo dược khác nhau do anh Huê sản xuất được phân phối ở 400 đại lý ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và có mặt trên thị trường Lào, Campuchia. Từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến trà thảo dược, anh Huê đang giải quyết việc làm cho 60 lao động với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng đi lên làm giàu từ đất, anh Vũ Văn Tuyến ở thôn Ngoại Trang, xã Thống Nhất (Hưng Hà) lại bắt đầu từ cây thanh long ruột đỏ. Với 2ha, anh Tuyến trồng 3.000 trụ thanh long, mỗi năm cho thu hoạch hơn 30 tấn quả, trừ mọi chi phí, anh còn lãi 600 triệu đồng. Điều đáng nói, anh Tuyến là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ ở Bình Thuận về quê trồng và tìm ra quy trình kỹ thuật trồng thành công. 

Từ mô hình này mà đến nay, ở Hưng Hà có hàng chục nông dân tích tụ ruộng đất và giàu lên nhờ trồng thanh long ruột đỏ.

Ông Nguyễn Văn Liệu thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá vược.

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Những năm qua, với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để nông dân phát triển kinh tế. Được Hội Nông dân các cấp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tín chấp vay vốn, đến nay toàn tỉnh có hàng nghìn hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ các mô hình kinh tế khác nhau. Trong số đó, có 95 mô hình nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu với mức thu lãi từ 250 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. 

Đây thực sự là những nhân tố làm thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của bà con nông dân, mở ra nhiều hướng đi mới để nhân dân làm giàu trên đồng đất quê hương và góp phần đưa Thái Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới.

Khắc Duẩn