Thứ 7, 23/11/2024, 22:13[GMT+7]

Thủ tướng: Hà Nội phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch Covid -19

Thứ 2, 19/07/2021 | 17:51:37
690 lượt xem
Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH).

Tham dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, bước đầu, thành phố đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”. Hà Nội đã chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng; cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc làm việc, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ghi nhận, đánh giá cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố Hà Nội trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả phát huy vai trò và sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thành phố Hà Nội phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm công tác phòng, chống dịch.

"Trong lúc này, thời điểm này, ưu tiên số 1 của chúng ta là quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch, thì tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt, nhưng ưu tiên số một vẫn là phòng, chống dịch. Chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn, an ninh cho nhân dân và đặt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các biện pháp thành phố đã ban hành, chỉ đạo thực hiện, phải được tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kết hợp với tuyên truyền sâu rộng, tạo đoàn kết, đồng thuận, niềm tin trong nhân dân để đồng tâm, hiệp lực đẩy lùi dịch bệnh. Nơi nào có ca nhiễm mới phải tập trung tấn công, phong tỏa, cách ly, dập dịch; nơi nào an toàn phải duy trì chặt chẽ các biện pháp phòng thủ gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cần huy động tối đa, phát huy tối đa sức mạnh hệ thống cơ sở mà cấp ủy tổ chức đảng là hạt nhân chính trị. Các cấp chính quyền phải cụ thể hóa và tổ chức thực hiện với sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải đặc biệt coi trọng và phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống Thăng Long nghìn năm văn hiến, tương xứng và hài hòa, hòa quyện với sự phát triển về kinh tế - xã hội gắn với các tiêu chí phát triển bền vững; thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nhất quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế. Đồng thời thành phố phải tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch Covid-19; quan tâm chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong dịch bệnh.

Cùng với đó, Hà Nội phải làm thật tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực để phát triển, gồm cả nội lực và ngoại lực, nguồn lực tinh thần và vật chất; từ đó mới có thể thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, giải các bài toán mà thực tiễn đang đặt ra như quá tải hạ tầng. Theo Thủ tướng, thành phố phải huy động tối đa nguồn lực tinh thần đại đoàn kết, văn hóa, là nguồn lực bên trong có ý nghĩa chiến lược, cơ bản lâu dài; huy động các nguồn lực vật chất từ ngoài xã hội, nhất là hợp tác công - tư để tạo bước đột phá.

Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố phải đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, cá thể hóa trách nhiệm; tạo điều kiện cho từng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nhiệm vụ, giải pháp được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, đặc biệt coi trọng và thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân dân, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác, góp phần vào thành tích chung của cả nước.

Quý II/2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố Hà Nội tăng trưởng 6,61%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố đạt 5,91%, cao hơn mức tăng chung cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Thành phố duy trì, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch nhập khẩu tăng 22,3%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,2%; 13.172 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4%, 5.821 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 79%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 125.562 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán Trung ương giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ.

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, thành phố xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2021. Cụ thể, kịch bản 1 là tăng trưởng quý III đạt 8,59%, quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%; kịch bản 2 là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt từ 6,5 đến 7,0%.


Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày