Chủ nhật, 24/11/2024, 12:48[GMT+7]

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, năm 2020

Thứ 2, 25/10/2021 | 08:30:27
877 lượt xem
Tối 24/10, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, năm 2020 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa lao động Hữu Nghị Việt Xô "Hà Nội".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham dự buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ. Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực; nhiệt liệt chúc mừng những thành tích của đội ngũ những người làm báo cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí Quốc gia.

Nhân dịp trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV và chuẩn bị Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước thân ái chúc những người làm báo Việt Nam luôn luôn xứng đáng là những chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hơn 96 năm qua, nền báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp... Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam đã từng nói "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng", "Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà". Kế thừa những di sản tư tưởng, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người.

Báo chí cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; cung cấp kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội và chung sức giải quyết khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

"Trong năm 2020-2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch COVID-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong  việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch... Báo chí trên nhiều phương diện, đã là "tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình", như lời Các Mác đã nói"- Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Theo Chủ tịch nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại", thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, khơi dậy khát vọng của dân tộc và của mỗi người dân; bảo vệ những giá trị cốt lõi của đất nước, của dân tộc; tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác - chính thống - nhanh nhạy - có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin. Đảng, Nhà nước, nhân dân mong muốn đội ngũ báo chí cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương (mới đây nhất là Hội nghị Trung ương lần thứ tư), các chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến rộng rãi, kịp thời quan điểm, chủ trương, giải pháp về phòng, chống dịch trong tình hình mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch, trong lao động sản xuất, trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc.

Báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân; chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường. Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn - Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần phát huy, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí Quốc gia; tuyên truyền sâu rộng để thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; tôn vinh, động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng với những tác giả, tác phẩm có giá trị xuất sắc cả về nội dung tư tưởng, hình thức thể hiện, có tác động xã hội sâu sắc...; tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 – 2025, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải Đặc biệt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 cho nhóm tác giả của Báo Nhân Dân.

Giải báo chí quốc gia năm 2020 có 150 tác phẩm được vào chung khảo. Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã lựa chọn được 112 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải; trong đó có 1 giải Đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải Khuyến khích.

Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Giải báo chí Quốc gia đã có Giải Đặc biệt được trao. Theo đó, đoạt Giải Đặc biệt là tác phẩm "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình" của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Chín giải A được trao gồm: Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) thuộc về loạt 5 bài "Đại dịch COVID - 19 - thách thức và cơ hội" của tác giả: Nguyễn Hữu Phùng Nguyên – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Đoạt giải A ở thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in) là loạt 3 bài "Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân" của nhóm tác giả: Đỗ Phú Thọ, Hồ Quang Phương, Nguyễn Chiến Thắng – Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân.

Ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh), giải A thuộc về tác phẩm "BRíu Pố và chuyện nêu gương" của nhóm tác giả Dương Nữ Hoàng Anh, Đoàn Quốc Học – Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Nam, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam.

Loạt 4 kỳ: Rừng giữ đất quê hương của tác giả Từ Thị Xuân Yến – Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã giành giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh).

Giải A thể loại Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình) đã được trao cho tác phẩm "Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Liên, Hoàng Minh Đức – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

Ở thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình), giải A đã thuộc về tác phẩm "Vinh quang trên tuyến đầu" của nhóm tác giả Phạm Văn Tú (Văn Tú), Nguyễn Hồng Anh (Hồng Anh), Trần Thị Khánh (Vân Khánh), Nguyễn Đức Minh (Đức Minh), Vũ Anh Tuấn (Tuấn Vũ) – Liên Chi hội Nhà báo Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội.

Thể loại giải Phim tài liệu truyền hình, tác phẩm "Hiếu và Minh" của tác giả Lê Thị Quỳnh – Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đã đoạt được giải A.

Giải A thể  loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) đã được trao cho loạt 5 bài "Báo chí chung tay làm sạch chính mình" của nhóm tác giả Đỗ Hữu Khôi (Bắc Ninh), Hoàng Tư Giang, Phạm Lương Bằng, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn) – Báo Điện tử VietnamNet, Liên Chi hội Nhà báo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ở thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử), giải A thuộc về loạt 5 bài "Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế" của nhóm tác giả Nguyễn Lan Hương (Lan Hương), Dương Đình Trường (Đình Trường) – Chi hội Nhà báo Báo Lao Động.

Các thể loại: Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in); Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh không có giải A.

Theo Ban Tổ chức, với 1.823 tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự Giải Báo chí quốc gia năm 2020, các tác phẩm tham dự Giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm.

Nhiều vấn đề thời sự không lường trước được, nóng bỏng như đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở các tỉnh miền Trung, được đề cập sâu sắc, kịp thời, toàn diện, tác động xã hội lớn. Đặc biệt, báo chí tham gia trực tiếp công cuộc phòng, chống đại dịch, phản ánh nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Lọt vào chung khảo là các tác phẩm tiêu biểu về nội dung, hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội. Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.

Đánh giá chung của Hội đồng Giải cho rằng, các tác phẩm dự Giải năm nay có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những hạn chế, cần được khắc phục, nhất là về chất lượng. Các tác phẩm báo in tham dự Giải còn trùng lặp đề tài, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, còn thiếu dấu ấn, không có xã luận, ít bình luận, một số bài chuyên luận chưa hay, tính chuyên luận chưa cao. Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa. Ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sống ảnh báo chí.../.

Theo: baochinhphu.vn

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày