Thứ 2, 25/11/2024, 02:51[GMT+7]

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến ứng phó bão số 1

Thứ 7, 02/07/2022 | 16:25:40
24,190 lượt xem
Sáng ngày 2/7, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai nhiệm vụ công tác ứng phó với bão số 1.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 90km về phía Đông Đông Bắc, cách Quảng Ninh khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 15. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Chiều và đêm nay (2/7) đến ngày 4/7, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, riêng khu Đông Bắc 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các khu vực ven biển cần đề phòng sóng lớn, nước dâng do bão kết hợp triều cường gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp vào chiều tối ngày hôm nay (2/7).

Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành các công văn, công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của bão số 1. Đến 6 giờ 30 phút ngày 2/7, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.120 phương tiện với 3.309 lao động đang làm ăn trên biển. Trong đó, 24 phương tiện với 187 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 163 phương tiện với 451 lao động hoạt động ven biển Thái Bình; 933 phương tiện với 2.671 lao động đã vào neo đậu tại các bến. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 lao động canh coi trên các bãi ngao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà; 643 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Quỳnh Phụ chiếm nhiều nhất với 257 lồng, huyện Hưng Hà có 199 lồng… Đến nay, diện tích lúa xuân toàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong, diện tích làm đất gieo cấy lúa mùa đạt 54.300ha, đạt 71% so với kế hoạch; diện tích mạ đã gieo là trên 3.100ha; diện tích cây màu hè đã trồng 10.980ha; diện tích cây màu hè đã thu hoạch là trên 7.300ha chiếm 67% diện tích cây màu hè đã trồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Bão số 1 là cơn bão đầu mùa, tuy cường độ bão đã có xu hướng giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, có thể đạt cấp cao nhất 11-12, giật cấp 15 trên biển. Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ các quy trình trong công tác phòng, chống bão; hệ thống thông tin dự báo chính xác, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống bão.

Nhận định trong những ngày tới, tình hình thiên tai, mưa bão ngày càng phức tạp, cực đoan; hoàn lưu bão dự báo sẽ gây mưa lớn trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cần tập trung rà soát, xây dựng, đổi mới quy trình phòng, chống thiên tai, mưa bão từ trung ương đến địa phương bảo đảm vận hành chính xác, hiệu quả; cần nâng cao năng lực công tác, theo dõi, giám sát dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động, tích hợp làm cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó của Chính phủ; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt được thông tin về tình hình mưa bão để có phương án chủ động phòng, chống. 

Đối với các địa phương ven biển cần chủ động nắm chắc thông tin, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Các tỉnh miền núi phía Bắc, có nguy cơ sạt lở đất do mưa lớn, các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra; các địa phương, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm an toàn hồ chứa; hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực PCTT-TKCN các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, bảo đảm đủ năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp; củng cố lực lượng xung kích PCTT - TKCN tại cơ sở, chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra thiên tai…

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày