Chủ nhật, 10/11/2024, 11:58[GMT+7]

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6

Thứ 3, 05/07/2022 | 08:22:30
1,089 lượt xem
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan nhiều lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP).

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Về giải pháp ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm. Về triển khai các biện pháp dài hạn, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dưới áp lực của giá xăng dầu thế giới liên tục có biến động tăng thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các giải pháp liên quan đến các chính sách thuế đánh trên mặt hàng xăng dầu để đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, bảo đảm kiểm soát, kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu, tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay trong ngày 4/7, ngay sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (Tờ trình số 244 ngày 4/7/2022).

Về nội dung tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết sớm nhất, để chúng ta có mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ước tính của Bộ, sản lượng tiêu thụ vẫn giữ được như hiện nay. Chính sách này nếu được quyết từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc chúng ta đang triển khai 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỷ đồng nữa thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.

Bộ Tài chính cũng đã tính toán cụ thể. Với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá cũng như tăng lương trong năm 2022, tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ đồng. Như vậy trong thu ngân sách do giá dầu tăng từ nhập khẩu xăng dầu vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm thu ngân sách giảm 32.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu này, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt; đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để chúng ta căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm, từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.

Tích cực hỗ trợ người lao động

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 8/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Và ngày 1/4/2022, ngay sau khi có Quyết định 8 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 ngày 19/5/2022 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động sử dụng bảo hiểm xã hội. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định số 8 và ngày 31/5/2022, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định 8 này.

Ngày 3/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 791 ngày 3/7/2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Đây là quyết định rất cụ thể về nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ hoàn toàn tiền thuê nhà này.

Đồng thời, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương hướng dẫn, cập nhật cơ sở dữ liệu để tránh việc trùng lặp. Hiện nay, các cơ quan và địa phương đã đồng loạt triển khai vấn đề này.

Tính đến ngày 4/7, theo báo cáo của các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí là 209 tỷ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng.

Vì mới có Quyết định 791 nên hôm nay các địa phương mới giải ngân. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ này. Theo quy định chậm nhất là ngày 15/8/2022, phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ này.

Như vậy, so với việc hỗ trợ thì tỷ lệ này còn rất thấp (hơn 1%), nguyên nhân là do các địa phương đang chờ hướng dẫn tại Quyết định 791, mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để trả. Ngoài ra, một số địa phương cũng sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận. Trong yêu cầu thì chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu cả chính quyền địa phương cấp xã, phường phải xác nhận. Về việc này, Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng sợ sai cho nên nộp danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội làm còn chậm.

Về vấn đề này, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để phía Bảo hiểm xã hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn để các doanh nghiệp phê duyệt. Như vậy, sau khi có Quyết định 791 ngày 3/7/2022, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh hơn để đạt theo yêu cầu đã đề ra là hỗ trợ 6.600 tỷ đồng để cho 3,4 triệu lao động.

Theo: nhandan.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày