Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng
Hội nghị được tổ chức tại hai đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học.
Hội nghị được triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất các mục tiêu, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.
Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá lại chặng đường 15 năm vừa qua và xác định con đường phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn sắp tới.
Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; diện tích trên 30,5 nghìn km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NHẬT BẮC).
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.
Để Hội nghị thành công và đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị để đánh giá khách quan, thẳng thắn, trung thực, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, đánh giá, nêu bật những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của vùng và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tác động tới sự phát triển của vùng và cả nước, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của vùng; nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá, các đề xuất kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những nội dung này liên quan đến nhận thức, cách làm, nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ với trách nhiệm cao nhất, phát huy trí tuệ tập thể, kinh nghiệm, gắn nghiên cứu khoa học và thực tiễn tại các địa phương để thảo luận kỹ, góp ý, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả và đi thẳng vào các vấn đề chính.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 6 tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và 2 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long là Long An và Tiền Giang với dân số gần 22 triệu người, chiếm 9,2% diện tích, 35% GRDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; là đầu mối giao thương, kết nối trong nước và quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, đặc biệt là tuyến đường bộ xuyên Á và tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, ngân hàng, logistics, văn hóa, y tế, giáo dục của cả nước... với hạt nhân là đô thị đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 1991-2000 và 15 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được một số thành tự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng vẫn còn một số yếu kém: kinh tế của vùng còn những yếu tố thiếu vững chắc; phát triển còn mang tính tự phát, chất lượng quy hoạch thấp; sự liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng chưa tốt; công nghiệp về cơ bản vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; ô nhiễm môi trường gia tăng; một số vấn đề xã hội còn nhiều phức tạp.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thúc đẩy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 53 ngày 29/8/2005 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu “Huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục-đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực”.
Kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 53 cho thấy, vùng đã đạt được những bước phát triển quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 27 ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53 để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020; trong đó, nhấn mạnh mục tiêu “duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước. Chủ động khai thác cơ hội, phát huy tối đa lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta tổ chức hội nghị này để bàn, để làm, không phải để nói, mà phải là “nói đi đôi với làm”, “nói thật, làm thật, mang lại hiệu quả thật”; khẳng định Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị là đúng hướng.
Trên thực tế, sau 15 năm thực hiện, chúng ta đã đạt hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại…, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đến nay, do tình hình mới, điều kiện mới, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tầm nhìn chiến lược có nhiều đột phá hơn, dài hơi hơn, vì vậy, chúng ta cần có Nghị quyết mới về vùng xứng tầm hơn, phù hợp hơn, bám sát đường lối của Đảng.
Thủ tướng khẳng định, dư địa phát triển vùng còn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao lại chưa phát triển được? Đó là do thiếu quy hoạch hiện đại vì vừa làm xong thì quá tải, kết nối chưa có, liên thông còn hạn chế, vừa làm vừa sửa, sự liên kết và phối hợp còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Chúng ta cần có nhạc trưởng của vùng phù hợp thể chế chính trị, hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay, vùng này còn thiếu cơ chế về huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước; thiếu cơ chế để tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; trong khi đó lại thừa vướng mắc, điểm nghẽn nhiều. Khát vọng lớn, năng lượng còn dồi dào; quyết tâm chính trị cao, nỗ lực thì lớn nhưng quyết tâm thế nào để “đúng và trúng”, mang lại hiệu quả cao hơn thì cần phải làm rõ.
Chúng ta cần tìm cơ chế để tạo ra động lực, không gian phát triển mới; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung đột phá về hạ tầng chiến lược, khắc phục nút thắt về giao thông; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm thị trường lao động hoạt động đúng thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; cơ chế, chính sách, thể chế đột phá để huy động nguồn lực. Cách tổ chức để tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Thủ tướng một lần nữa nêu vấn đề cần có “nhạc trưởng” phù hợp thể chế, khả năng liên kết vùng. Phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; nâng cao tính tự lực, tự cường cuả mỗi địa phương, mỗi cơ quan đơn vị để vừa huy động sức mạnh tổng lực, phát huy sức mạnh của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phát triển vùng. Các bộ, ngành cùng các tỉnh, thành phố trong vùng chủ động, tích cực, xử lý vấn đề này.
Các bộ, ngành chủ động tích cực tháo gỡ cùng địa phương, doanh nghiệp thực chất, hiệu quả. Có cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Phát triển hài hòa giữa ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, đời sống nhân dân, là hết sức quan trọng. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh-quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Chúng ta cần chia sẻ, bài học kinh nghiệm rút ra khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27, đó là: chủ trương, đường lối của Đảng là rất rõ, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện; chức năng, quyền hạn của ai thì người đó phải thực hiện. Kịp thời phát hiện vướng mắc; ai làm, Chính phủ làm gì, chính quyền địa phương làm gì, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương ở đâu? Vừa làm vừa rút kinh nghiệm bởi có những việc chưa có tiền lệ, không cầu toàn, không nóng vội, mở rộng dần; mạnh dạn làm thí điểm chính sách mà thực tiễn diễn ra trong khi chính sách chưa có. Phát huy tính chủ động của các địa phương nhưng huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng.
Chúng ta phải linh hoạt trước các vấn đề liên quan cạnh tranh chiến lược. Tác động của thế giới liên quan lạm phát, chính sách tiền tệ, chính sách về phòng, chống dịch, giá cả đầu vào tăng cao; năng lượng thì nhìn thấy rõ, nhưng về lâu dài cần nhận thức thêm về vấn đề an ninh thông tin, an ninh mạng là hết sức quan trọng, chuyển đổi số phải an toàn và phục vụ phát triển; vấn đề cạn kiệt tài nguyên càng thấy rõ; già hóa dân số, phân hóa giàu nghèo. Sự phát triển của vùng phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải chủ động hội nhập tích cực và hiệu quả, có quan hệ hữu cơ với nhau.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực trong xã hội, trong dân, trong doanh nghiệp còn lớn, do đó vấn đề là cần có cơ chế để huy động nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn đầu đầu tư.
Về các nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung các nội dung chính: tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch và phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Thủ tướng nêu rõ, tình hình khó khăn còn nhiều, nhưng chúng ta cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong lúc này. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, hiệu quả; tăng cường quản lý giá. Tập trung tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho tất cả các đối tượng phải tiêm theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá miễn dịch cộng đồng; khắc phục sự yếu kém của ngành y tế nhất là liên quan y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong lúc dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp; bảo đảm giải ngân cho các chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân cho các dự án trọng điểm; nghiên cứu các dự án trọng điểm quốc gia khác. Đẩy nhanh công tác quy hoạch; chủ động ứng phó các vấn đề đột xuất, bất ngờ. Các bộ, ngành kịp thời xử lý các đề xuất của các địa phương.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhất mạnh nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động, thích ứng mọi hoàn cảnh, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng