Thứ 7, 23/11/2024, 23:28[GMT+7]

Tôn vinh đóng góp và giá trị di sản Hồ Chí Minh với nhân loại

Thứ 4, 07/09/2022 | 07:52:54
925 lượt xem
Ngày 6/9, Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay (A.A-du-lây); đại diện các đại sứ quán, cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng dự.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, vào thời điểm Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi thử thách.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Nhà ngoại giao lỗi lạc, là khởi nguồn cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân.

Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Người không chỉ là "Anh hùng giải phóng dân tộc", đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do, mà còn là "Nhà văn hóa kiệt xuất", là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Việc kế thừa và phát triển một cách hiệu quả nhất di sản tốt đẹp này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách song ngữ Anh-Việt "Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh". Trong lời tựa viết cho cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tập thể tác giả đã dành nhiều tâm huyết, trách nhiệm biên soạn và xuất bản tác phẩm song ngữ; nhấn mạnh, đây là một việc làm có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm dành thời gian tham quan triển lãm ảnh và sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Chiều cùng ngày, Hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại" đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hai phiên: Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại; Các hoạt động lan tỏa di sản Hồ Chí Minh. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định giá trị trường tồn của di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày