Thứ 5, 14/11/2024, 10:59[GMT+7]

Chủ tịch nước dự Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Chủ nhật, 04/12/2022 | 07:56:58
2,782 lượt xem
Tối 3/12, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1722-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương - là nữ giới duy nhất trong sáu nhân tài đất Việt đã được UNESCO vinh danh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ; Lê Thanh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; đại diện UNESCO, các vị khách quốc tế; các dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế và nhân dân tỉnh Nghệ An. 

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An cùng đại biểu quốc tế và đông đảo nhân dân dự Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. (Ảnh: THÀNH CƯỜNG).

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Bà là con gái cụ đồ Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Mang trong mình dòng máu xứ Nghệ, nhưng Hồ Xuân Hương lớn lên ở đất Thăng Long nên trong con người bà có sự hội tụ nét tinh hoa của hai vùng văn hóa lớn là xứ Nghệ và Kinh Bắc. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ hòa thiệp với chất mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc, để rồi kết lại, tỏa sáng một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.

Thơ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là thơ Nôm truyền tụng của bà, không chỉ cất lên tiếng nói về một số phận riêng nhiều đau khổ, mà cao hơn là tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho con người; đề cao khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ, nhất là đối với người phụ nữ. Những tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương đã tạo nên một hiện tượng thi ca độc đáo, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà mang tầm thế giới.

Trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Hồ Xuân Hương luôn mang đến sự cuốn hút mạnh mẽ cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng trong nước và quốc tế.

Thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.

Con người và thơ Hồ Xuân Hương đã đi vào văn thơ, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, được dân gian hóa, được nhân dân gìn giữ và lưu truyền.

Tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt cho các ngôi trường, tuyến phố trang trọng, danh lam, thắng cảnh đẹp, giải thưởng văn học, nghệ thuật ở tỉnh Nghệ An và một số địa phương trong cả nước...

Toàn cảnh Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. (Ảnh: THÀNH CƯỜNG).

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Lễ vinh danh và kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc.

Chúng ta ý thức, trách nhiệm cao hơn trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đóng góp thiết thực, cụ thể vào nhiệm vụ chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh.

Quê hương bà ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là vùng đất có nhiều nhân tài lừng danh thiên hạ. Còn bà được sinh ra, lớn lên tại Thăng Long, nơi hội tụ tinh hoa muôn phương. Chính những điều đó đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, được bồi đắp những lớp “phù sa” văn hoá.

Chủ tịch nước đánh giá, Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình, vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.

Bà chúa thơ Nôm sống trong bối cảnh lịch sử đất nước nhiều biến động, vai trò nữ giới không được đề cao. Do đó, tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền; dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội phong kiến.

Nhưng trong thơ của bà vẫn ẩn chứa bên trong sự dịu dàng, đoan trang, tinh tế nhưng mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nhận ra một Hồ Xuân Hương như vậy là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, công phu, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả ở phạm vi khu vực và quốc tế.

Với UNESCO, cứ liệu tham khảo có vai trò quan trọng hàng đầu là giá trị văn hóa do một nhân vật nào đó tạo ra phải có ý nghĩa nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế.

Từ góc nhìn này, người ta thấy gì về đóng góp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Người ta nhận thấy Hồ Xuân Hương là “một người phụ nữ, gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống”.

Tất cả đã làm nên sức sống mạnh mẽ, tạo thành dòng chảy liên tục, được lưu truyền và lan tỏa sâu rộng trong tâm thức người đọc cả trong nước và ngoài nước suốt mấy trăm năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn bền lâu trong tương lai. Hồ Xuân Hương xứng đáng trở thành danh nhân văn hóa, một tác giả lớn của Việt Nam và thế giới.

Nhấn mạnh, Hồ Xuân Hương - một danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, là nhà thơ mang tầm vóc một thi hào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao UNESCO đã rất chính xác khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

Tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước cho rằng, đó cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.

Tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021.

Chúng ta tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với người phụ nữ, thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, cũng như những vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ.

Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam.

Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho văn hóa thế giới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới.

Chương trình nghệ thuật “Ví đây đổi phận làm trai được” với những tiết mục đặc sắc. 

Trong khuôn khổ lễ vinh danh là chương trình nghệ thuật “Ví đây đổi phận làm trai được” với sự góp mặt của gần 400 diễn viên, ca sĩ. Chương trình nghệ thuật gồm các trường đoạn khắc họa về Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương - một danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một thi hào.

Hồn thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng của người phụ nữ chất chứa nhiều nỗi niềm và khát khao sống mạnh mẽ, là tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là nữ quyền và quyền bình đẳng. Hồn thơ ấy đã vượt không gian, thời gian, để sống mãi cùng hậu thế và đi vào văn học nghệ thuật.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trao Nghị quyết vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương của UNESCO cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart bày tỏ sự cảm ơn tỉnh Nghệ An đã tổ chức chuỗi sự kiện tôn vinh cuộc đời của nhân cách lỗi lạc nữ sĩ Hồ Xuân Hương và quảng bá giá trị văn hóa của bà trong cộng đồng quốc tế.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày